Bảo hiểm xe cơ giới rục rịch cơ cấu kênh phân phối
Lo ngại mất “đại lý” lớn
Thông tư số 16/2021 của Bộ Giao thông - Vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2021, trong đó không bắt buộc người đi đăng kiểm xe cơ giới phải xuất trình chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cho đơn vị đăng kiểm. Quy định trên được giới kinh doanh bảo hiểm đánh giá sẽ có những thay đổi nhất định đến kênh phân phối và doanh thu bảo hiểm xe cơ giới của các hãng bảo hiểm phi nhân thọ.
Thực tế, lâu nay các chủ xe cơ giới thường mua bảo hiểm ngay tại cơ quan đăng kiểm, việc này đã khiến các trạm đăng kiểm xe cơ giới vô tình trở thành những “đại lý” không chính thức bán bảo hiểm trách nhiệm nhân sự cho chủ xe. Theo các hãng bảo hiểm lớn như PTI, PJICO, Bảo Việt, PVI… nhiều năm nay các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn có hợp tác phân phối bảo hiểm thường xuyên qua các kênh này.
Hình thức bán hàng trực tuyến qua các ứng dụng di động đang được nhiều hãng bảo hiểm triển khai |
Thống kê của Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021 doanh thu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đạt 2.107 tỷ đồng, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, kênh phân phối qua ngân hàng bằng các hợp tác bancasurance chiếm hơn nửa thu nhập, còn lại là của các đại lý tổ chức và cá nhân, trong đó có các trạm đăng kiểm xe cơ giới trên toàn quốc.
Thực tế, những năm gần đây hàng loạt các đơn vị đăng kiểm bị khiếu kiện liên quan đến phân phối bảo hiểm nhưng không có chứng chỉ hành nghề. Tại một số địa phương, thực trạng các trạm đăng kiểm cùng lúc làm “đại lý” cho nhiều hãng bảo hiểm cũng không hiếm gặp. Mặc dù không có những đánh giá tác động cụ thể khi kênh phân phối qua trạm đăng kiểm bị thu hẹp, nhưng các hãng bảo hiểm phi nhân thọ có cơ sở để lo ngại về sụt giảm doanh thu khi quy định mới có hiệu lực. Một mặt các trạm đăng kiểm sẽ bán được ít bảo hiểm hơn, mặt khác khi chủ xe không còn phải xuất trình bảo hiểm cho cơ quan đăng kiểm thì lượng xe cơ giới mua bảo hiểm có thể sẽ sụt giảm mạnh bởi chủ xe có thể chỉ mua bảo hiểm để đối phó với cảnh sát giao thông. Chưa kể hiện nay, dịch bệnh giãn cách xã hội kéo dài, tình trạng bỏ mua bảo hiểm xe cơ giới đã bắt đầu phổ biến.
Tăng hợp tác và khuyến mại trực tuyến
Theo một số doanh nghiệp bảo hiểm tại TP.HCM, kênh bán lẻ bảo hiểm xe cơ giới qua các đại lý tổ chức và cá nhân hiện nay vẫn là kênh phân phối quan trọng bên cạnh kênh hợp tác với ngân hàng và kênh bán lẻ trực tuyến.
Việc sụt giảm doanh thu bán bảo hiểm qua kênh trạm đăng kiểm, theo ông Nguyễn Khắc Xuân - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair, nếu có thì cũng không quá lo ngại, bởi các kênh phân phối khác sẽ có thêm dư địa để mở rộng do hiện nay hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều đa dạng hóa kênh phân phối để cạnh tranh.
Hiện tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã chủ động cơ cấu lại kênh phân phối bằng cách hợp tác chiến lược với các hãng xe hơi, hãng taxi và các doanh nghiệp hành nghề vận tải. Chẳng hạn, đầu năm nay, Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) đã hợp tác với Vinfast và Boltech để phát triển bán hàng qua hệ thống bán lẻ xăng dầu và bán theo chuỗi cửa hàng do các bên tự xây dựng. PVI, trong quý I cũng đã hợp tác với Công ty TNHH Thu phí tự động VETC và CTCP TC Advisors để triển khai bán bảo hiểm qua hình thức trực tuyến kết nối với ứng dụng của các doanh nghiệp này.
Trong khi đó, ở mảng kinh doanh số, Bảo hiểm PTI hiện đã xây dựng nền tảng (platform) điện toán và hợp tác với các tập đoàn lớn như Viettel, Vinaphone, Inso để phát triển hợp tác. Cụ thể, các gói sản phẩm bảo hiểm được tích hợp vào ứng dụng của các đối tác như: Open99, Mai Linh online, Vinasun, Fastgo… từ đó kết nối với sàn thương mại điện tử trên kênh cyberMKT của PTI để bán hàng và thanh toán trực tuyến. Mới đây, PTI cũng đã hợp tác độc quyền với Tập đoàn Mai Linh để khai thác các sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ đối với xe ô tô, tài sản kỹ thuật và cháy nổ… cho tài xế, nhân viên tập đoàn này. PTI kỳ vọng hợp tác 10 năm với Mai Linh sẽ giúp doanh thu của đơn vị tăng thêm từ 3.000 tỷ đồng trở lên.
Ở mảng thúc đẩy bán hàng qua các sàn thương mại điện tử, hiện hãng bảo hiểm Viễn Đông đã ra mắt ứng dụng LIAN, xây dựng thành công hàng triệu tài khoản khách hàng và bán bảo hiểm trực tuyến cho khoảng 600.000 khách hàng. Các hãng bảo hiểm lớn như AIA Việt Nam, FWD hiện cũng đã hợp tác với Tiki và Shopee để phân phối bảo hiểm với khuyến mại cao thông qua hình thức bán hàng và thanh toán trực tuyến. Bảo hiểm VBI hiện đã hợp tác với gần 300 garage ô tô và hơn 200 cơ sở y tế trên toàn quốc để tích hợp kênh bán hàng online vào các app bảo lãnh liên kết…