Bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ: Doanh nghiệp không thể thờ ơ
Không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm về sở hữu trí tuệ | |
Nâng cao nhận thức vai trò của đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ | |
Bảo hộ sở hữu trí tuệ hiệu quả thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam |
Chưa đáp ứng được yêu cầu
Ông Lương Minh Huân, Viện Phát triển doanh nghiệp - Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh trong phát biểu tại Hội thảo Bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 ngày 2/8/2022, cần phải thẳng thắn nhìn nhận hoạt động bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tương xứng với yêu cầu phát triển hiện nay.
Theo báo cáo Chỉ số sở hữu trí tuệ quốc tế năm 2022 của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, chỉ số đo lường sở hữu trí tuệ của Việt Nam năm 2022 chỉ xếp thứ 45/55 quốc gia được xếp hạng, tức là thuộc 1/3 các quốc gia bị đánh giá thấp, giảm một bậc so với năm 2021.
Ngoài ra, nếu so sánh với con số hơn 860 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên thị trường thì số lượng đơn đăng ký và văn bản được cấp về sở hữu trí tuệ trong thời gian qua vẫn rất khiêm tốn. Chưa kể, gần đây Việt Nam liên tục phải nhận những bài học đắt giá về việc tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp, thương hiệu, thậm chí là bị lợi dụng và chiếm đoạt các thành quả sáng tạo cả ở trong và ngoài nước.
Sở hữu trí tuệ ngày càng trở thành yếu tố cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. |
Đặc biệt, trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế sâu rộng, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ lại càng trở nên phức tạp khi sự phát triển của khoa học, công nghệ vừa giúp phát huy và lan tỏa mạnh mẽ những mặt tích cực, nhưng đồng thời cũng khuếch đại gấp nhiều lần các vấn đề nổi cộm về sở hữu trí tuệ mà doanh nghiệp phải đối mặt.
Điển hình là các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ đang diễn ra ngày càng nhanh chóng hơn, tinh vi hơn với quy mô rộng lớn hơn, vượt qua cả ranh giới về địa lý và lãnh thổ quốc gia, thay đổi hình thức từ môi trường kinh doanh truyền thống lên môi trường thương mại điện tử và internet. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhận thức cao hơn nữa về vai trò của sở hữu trí tuệ.
Cơ hội song hành cùng thách thức
Ông Lương Minh Huân nhận định, trong kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp 4.0 với những thách thức và cơ hội chưa từng có này, các doanh nghiệp có khát vọng lớn, tầm nhìn tốt và chiến lược thực thi sắc bén có thể làm nên những thành quả vượt bậc. Ngược lại, cũng hoàn toàn có thể gặp thất bại nếu thiếu đi sự chuẩn bị kỹ càng cả về vật lực và tâm lực.
Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP và EVFTA đã nâng cao mức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ hơn so với chuẩn mực quốc tế phổ biến hiện nay. Mới nhất, Hiệp định RCEP cũng đã đưa sở hữu trí tuệ vào thành một Chương trong cam kết giữa các bên, khiến giờ đây nó không còn là một sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc.
Ông Huân cũng nhận định, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay dẫn đến những thay đổi nhanh chóng về công nghệ, cùng với xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì việc bảo hộ sở hữu trí tuệ ngày càng trở thành yếu tố cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nhằm tạo ra một bước phát triển mới của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam phù hợp với các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Đây là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam thực hiện việc bảo hộ và quản lý tài sản sở hữu trí tuệ của mình một cách hiệu quả và hữu hiệu. |
Bà Thitapha Wattanapruttipaisan, Trưởng văn phòng đại diện của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tại Singapore chia sẻ, tại Việt Nam, lĩnh vực công nghệ truyền thông chiếm khoảng một nửa danh mục sáng chế gần đây. Các mô hình kinh doanh kỹ thuật số mới và sáng tạo cũng đã xuất hiện với tốc độ chóng mặt. Việt Nam đang sở hữu khoảng 10 “kỳ lân” trong nước (các công ty khởi nghiệp công nghệ được định giá thị trường từ 1 tỷ USD trở lên), trong tổng số khoảng 36 “kỳ lân” trong khối ASEAN vào năm 2021. Các “kỳ lân” Việt Nam đã đạt được vị thế của mình chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ trong khi các công ty thuộc danh sách Fortune 500 phải mất 20 năm mới đạt được mức định giá tỷ USD. Trong những năm tới, Việt Nam cũng có khả năng trở thành nước có số lượng nộp đơn đăng ký sáng chế hàng đầu ASEAN.
Theo ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, thời gian vừa qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ của các chủ thể Việt Nam vẫn tăng. Điều này cho thấy nhu cầu và nhận thức về việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức và cá nhân trong nước đã gia tăng đáng kể. Đây cũng là kết quả từ việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các cá nhân, tổ chức của tất cả các cơ quan, ban ngành, hiệp hội.
Ngoài ra, việc nộp đơn đăng ký yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ tại nước ngoài là hướng đi đúng của các doanh nghiệp Việt trong quá trình tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, quyền sở hữu trí tuệ sẽ trở thành một trong những công cụ quyết định sức mạnh cạnh tranh của các tổ chức, doanh nghiệp, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc chia sẻ thêm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhận thức được những giá trị tiềm ẩn của sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp phải tăng cường đẩy mạnh xây dựng và quản lý các tài sản này, không chỉ để phòng chống nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, mà còn nhằm tạo ra công cụ nâng cao khả năng cạnh tranh, sức ảnh hưởng trong ngành và vị thế của mình trên thị trường. Các doanh nghiệp cần thấy rõ rằng, với xu hướng hiện tại, sở hữu trí tuệ là một loại tài sản mang lại giá trị to lớn và là thước đo cho sự phát triển.