Bất chấp Covid-19, kiều hối về Việt Nam năm nay khoảng hơn 18 tỷ USD
Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức hợp tác quốc tế về người di cư (KNOMAD) dự báo lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 tăng 5% so với năm ngoái lên 18,06 tỷ USD (chiếm 4,9% GDP).
Với mức này, lượng kiều hối của Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương và xếp thứ 8 thế giới.
Trước đó, WB cho biết, năm 2020, lượng kiều hối về Việt Nam đạt 17,2 tỷ USD, đứng thứ 11 thế giới. Tổng kiều hối về các quốc gia có mức thu nhập thấp và trung bình dự báo tăng 7,3%, lên mức 589 tỷ USD trong năm 2021. Đại dịch Covid-19 đã kéo nền kinh tế thế giới vào suy thoái, song không tác động đến dòng kiều hối. Năm 2022, kiều hối được dự báo tăng 2,6%.
Không chỉ tại Việt Nam, lượng kiều hối ghi nhận về các nước thu nhập thấp và trung bình cũng tăng hơn 7%, lên mức 589 tỷ USD trong năm nay. Lượng kiều hối tăng bất chấp đại dịch được ông Michal Rutkowski, Giám đốc Toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB) về an sinh xã hội và việc làm lý giải, do người di cư quyết tâm giúp đỡ gia đình và sự phục hồi kinh tế ở châu Âu, Mỹ nhờ lực đẩy từ các gói kích thích tài khóa, chương trình hỗ trợ việc làm.
Tại Việt Nam, TP.HCM là một trong những địa phương có lượng kiều hối cao nhất, chiếm khoảng 30%, sau đó là các tỉnh miền Trung, miền Bắc và miền Tây.
Theo lãnh đạo TP.HCM, cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng gắn bó với quê hương, trở thành nguồn lực quan trọng cho quá trình xây dựng và phát triển thành phố.
Kiều hối dự báo về TP. HCM năm 2021 ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng trưởng 9% so với năm trước. Đây chính là cơ hội, nguồn lực then chốt giúp TP.HCM phục hồi nhanh, vững bước phát triển trong giai đoạn hậu Covid-19.
Lượng kiều hối đổ về các nước dự kiến năm 2021, đơn vị tỷ USD. Nguồn: WB và KNOMAD |
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Trung tâm dịch vụ thanh toán và kiều hối Agribank cho biết, kiều hối qua Agribank tăng trưởng tốt, đạt khoảng 1,1 tỉ USD nếu tính đến cuối tháng 11/2021, cao hơn con số kiều hối qua ngân hàng này trong năm 2020. Nếu ước cả năm nay, ngân hàng có lượng kiều hối đạt 1,2 tỉ USD, tăng 15%. Nguyên nhân là do ngân hàng đã mở rộng khai thác thị trường Nhật Bản, giúp cho lượng kiều hối từ Nhật Bản - chủ yếu của lực lượng lao động Việt Nam tại thị trường này.
Ông Vũ Thành Trung - Phó tổng giám đốc Công ty kiều hối Đông Á cho hay, lượng kiều hối về Việt Nam qua công ty này đã tăng 10% so với cùng kỳ 2020, trong đó nguồn tiền gửi về chủ yếu với mục đích trợ cấp cho người thân.
Lãnh đạo Công ty Kiều hối Sacombank (SBR) nhận định, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó khăn, nhưng kiều hối về Việt Nam vẫn khả quan, do tình hình vắc-xin đã được phủ trên diện rộng. Vì thế, nhiều người Việt ở nước ngoài có thể đi làm và kinh doanh trở lại để tăng thu nhập. Trong khi đó, họ không thể về Việt Nam theo kế hoạch, nên chuyển tiền về, thay vì mang tiền mặt về như mọi năm. Đó cũng là lý do vì sao doanh số kiều hối tăng trưởng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường châu Á, châu Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng lượng kiều hối chảy về Việt Nam qua ngân hàng này.
Theo nhận định của giới chuyên gia, Việt Nam nhận nguồn kiều hối lớn vì có số lượng lớn người Việt định cư ở nước ngoài và đi xuất khẩu lao động. Hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt đang định cư ở hơn 100 nước và vùng lãnh thổ, tập trung ở nhiều quốc gia phát triển. Số lao động làm việc ở nước ngoài có khoảng 580.000 người.
Ông Michal Rutkowski - Giám đốc Toàn cầu của WB về an sinh xã hội và việc làm đánh giá: "Dòng kiều hối góp phần hỗ trợ trực tiếp các chương trình của Chính phủ giúp đỡ nhiều gia đình gặp khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19. Do đó, các quốc gia cần có chính sách tạo điều kiện cho dòng kiều hối được trở về để hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế sau đại dịch. Các nhân tố chính đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của kiều hối toàn cầu là quyết tâm giúp đỡ gia đình kịp thời của người di cư; sự phục hồi kinh tế ở châu Âu và Mỹ nhờ lực đẩy từ các gói kích thích tài khóa và chương trình hỗ trợ việc làm”…