Bình Định: Cộng hưởng từ một chính sách tín dụng nhân văn
5 năm triển khai Chỉ thị 40 ở Lào Cai: Bước đột phá về tư duy chính sách | |
Hiệu ứng lan tỏa của Chỉ thị “bốn mươi” |
Bình Định là một trong những tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước vào một đầu mối. Những điểm đột phá này đã làm nên một bức tranh riêng có về thực hiện Chỉ thị số 40 của Bình Định góp phần làm sáng rõ chính sách tín dụng đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước.
Cán bộ NHCSXH tỉnh Bình Định giao dịch tại Điểm giao dịch xã |
Tập trung chính sách về một đầu mối để tăng tính đột phá
Báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị số 40 của tỉnh Bình Định cho thấy 5 năm qua, để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn toàn tỉnh, Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước vào một đầu mối là NHCSXH, đồng thời chỉ đạo HĐND, UBND các cấp đưa vào khoản mục chi dự toán ngân sách hàng năm, tiếp tục bố trí một phần nguồn vốn ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn. Kết quả, sau 5 năm nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 115,5 tỷ đồng, tăng 92 tỷ đồng so với năm 2014, tong đó từ ngân sách tỉnh tăng 84 tỷ đồng, cấp huyện tăng 8 tỷ đồng.
Đặc biệt, tỉnh Bình Định đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù, đồng thời bố trí vốn ngân sách địa phương để bổ sung ủy thác qua NHCSXH giải ngân tạo việc làm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Từ nguồn vốn và các chương trình cho vay ưu đãi đã hỗ trợ được cho 4.711 lượt khách hàng vay vốn với doanh số 159 tỷ đồng, trong đó có 3.367 lượt khách hàng được vay vốn tạo việc làm và mở rộng việc làm với doanh số cho vay 90,2 tỷ đồng, 711 lượt khách hàng được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài với doanh số 50 tỷ đồng, và 633 lượt hộ nghèo được vay vốn với doanh số 19 tỷ đồng. Hiện còn 3.215 khách hàng đang thụ hưởng các chương trình tín dụng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH. Nguồn vốn từ ngân sách địa phương cùng các chương trình tín dụng riêng có của tỉnh đã bổ trợ và cộng hưởng vào trong hoạt động tín dụng chính sách của Đảng và Chính phủ, nâng cao hiệu quả hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách.
Ví như gia đình bà Nguyễn Thị Tình ở thôn Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát. Hiện bà đã có một gia tài kha khá với 8 con bò lai, luôn duy trì đàn heo tại chuồng hơn 120 con heo thịt, 4 con heo nái sinh sản, cùng đàn vài trăm con, mỗi tháng xuất bán từ 30 đến 40 con gà thịt. Nhưng ít ai biết rằng bà đã phải tha phương cầu thực vào tận TP Hồ Chí Minh bán trái cây để cùng chồng làm thợ hồ lo nuôi 4 đứa con trong nghèo khó, túng thiếu nên không thể cho con ăn học đến nơi, đến chốn. Năm 2015, vợ chồng bà quyết về quê an cư mở trang trại nuôi heo gà trên diện tích 5.000m2 đất gò do ông bà để lại, nhưng do không có vốn nên quy mô nhỏ lẻ, thu nhập chẳng là bao. Đến năm 2016, trong lúc đang túng quẩn bà được Chi hội phụ nữ thôn tuyên truyền và hướng dẫn chương trình cho vay Hỗ trợ tạo việc làm từ vốn ngân sách của tỉnh. Từ nguồn vốn vay ban đầu là 20 triệu đồng, bà Tình đã đầu tư xây dựng chuồng trại và mua heo giống để sinh sản rồi nuôi bán thịt.
“Có thể nói công việc làm ăn rất thuận lợi, ngoài việc mở rộng trang trại, mua thêm 2 con bò cái lai, tôi đã trả hết nợ cho ngân hàng”, bà Tình kể.
Thế nhưng đến năm 2017, giá heo giảm mạnh một lần nữa đẩy gia đình bà vào khó khăn gần như mất hết vốn, tưởng chừng như không vượt qua khỏi thậm chí. Rơi vào hộ cận nghèo một lần nữa bà Tình lại được Hội Phụ nữ định hướng cho tiếp cận chính sách cho vay hộ cận nghèo.
Năm 2018 bà Tình vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để mua 2 con bò giống lai sinh sản, kết hợp với mô hình nuôi heo và nuôi gà hiện có, gia đình bà Tình đã từng bước ổn định và có thu nhập.
Người dân tộc Ba Na ở Bình Định vay vốn chính sách đầu tư trồng keo |
Gắn chính sách với đặc thù từng địa phương
Việc các cấp, các ngành tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt Chỉ thị số 40 từ đó đưa ra các kế hoạch thực hiện đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế ở đơn vị, cơ sở, gắn việc nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề đã góp phần đã tạo nên những bước chuyển lớn tại nhiều huyện nghèo trong việc tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Như ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh nằm trong 64 huyện nghèo nhất nước cũng là 1 trong 3 huyện nghèo của tỉnh với 1/3 dân số là đồng bào Ba Na tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 60% vào thời kỳ đầu triển khai Chỉ thị số 40. Công cuộc giảm nghèo bền vững trở thành thách thức lớn của huyện trong bối cảnh thiên tai luôn rình rập chưa hết lo khô hạn đã đối mặt với lũ lụt. Chính vì vậy “nợ quá hạn không có” đã là việc làm không dễ, câu chuyện xoay chuyển nghèo khó lại càng khó hơn nếu mỗi người dân không tự ý thức được vai trò và ý nghĩa của nguồn vốn tín dụng chính sách.
Phải khẳng định rằng, sau khi Chỉ thị số 40 ra đời với sự tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, nút thắt nhận thức được khai thông trong toàn hệ thống chính trị - xã hội và chính người dân thụ hưởng chính sách đã tạo nên những bước chuyển mới trong công tác tín dụng chính sách, giảm nghèo bền vững.
Trong giai đoạn 2014 - 2019 doanh số cho vay của huyện đạt 48,7 tỷ đồng, với 15.716 lượt khách hàng vay vốn; tổng dư nợ đạt 258 tỷ đồng không có nợ quá hạn phát sinh. Nguồn vốn vay được sử dụng hiệu quả đã góp phần hỗ trợ 3.374 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 538 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học; 544 lượt lao động được tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; 58 lao động được đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; 219 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện hàng năm trên 5%.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được phủ đến 100% xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh với tốc lực ngày càng mạnh trong 5 năm qua góp phần giúp trên 38.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; giúp hơn 19.000 lượt hộ gia đình tại các vùng khó khăn vay vốn mua sắm máy móc, công cụ phục vụ SXKD, đánh bắt, chế biến hải sản và mở rộng cơ sở tiểu thủ công nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương; thu hút, tạo việc làm cho hơn 12.000 lao động; giúp hơn 1.000 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 17.000 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 79.000 công trình NS&VSMTNT, gần 2.000 căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách...
Hiệu quả từ các chương trình tín dụng chính sách của Trung ương và địa phương đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Bình Định theo chuẩn nghèo đa chiều đầu giai đoạn 2016 - 2020 từ 13,35% xuống còn 7,01% (cuối năm 2018), riêng 3 huyện nghèo giảm từ 62,54% xuống còn 43,14%, hoàn thành theo Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết của HĐND tỉnh đề ra hàng năm góp phần cho toàn tỉnh đến 30/6/2019 có 77/121 xã, đạt tỷ lệ 63,6% được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi xã đạt 16,2 tiêu chí/xã (vượt nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Bình Định đến năm 2020 có 61 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới).
Theo Nghị quyết của tỉnh Bình Định đến năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo chung trên địa bàn tỉnh xuống còn dưới 6%, riêng các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm 5%/năm; đảm bảo thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả tỉnh cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015; các huyện nghèo, xã nghèo, thôn đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần. Do đó, việc tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40 trong thời gian tới có vai trò quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà tỉnh đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Theo đó tỉnh Bình Định sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đồng thời xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trong chương trình và kế hoạch, hoạt động thường xuyên của các cấp ủy, các ngành, địa phương và đơn vị. Đồng thời, tiếp tục định hướng tập trung nguồn vốn ngân sách về một đầu mối NHCSXH quản lý, tiếp tục bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Giảm dần sự hỗ trợ cho không các đối tượng chính sách, chuyển sang cơ chế hỗ trợ cho vay với lãi suất ưu đãi để khích lệ ý thức tự vươn lên của hộ nghèo và đối tượng chính sách, giảm dần sự trông chờ, lệ thuộc vào trợ cấp của Nhà nước.