Vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế
Đây là buổi họp báo thường kỳ đầu tiên kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, diễn ra cùng ngày với phiên họp Chính phủ tháng 2/2019 và một ngày sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 vừa kết thúc tại Hà Nội.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, việc Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần 2 được tổ chức tại Hà Nội là cơ hội tuyệt vời đối với Việt Nam trên nhiều phương diện. Có thể khẳng định, với vai trò chủ nhà, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả lớn sau Hội nghị này mặc dù thời gian chuẩn bị cho Hội nghị rất ngắn.
Việc Việt Nam được lựa chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị là sự kiện tiếp nối những tin vui trong tháng 1, tiếp tục củng cố niềm tin của người dân vào vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Với tư cách là một quốc gia có trách nhiệm, Việt Nam ngày càng phát huy vai trò hòa giải, dẫn dắt các mối quan hệ quốc tế và đang đóng góp tích cực cho hòa bình khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, việc tổ chức thành công một sự kiện chính trị, đối ngoại có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong năm 2019 được cả Hoa Kỳ, Triều Tiên và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Cùng với không khí đó, tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2019 cũng tiếp tục ghi nhận sự ổn định, diễn biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2019 tăng 0,8% so với tháng trước. Lạm phát cơ bản tháng 2/2019 tăng 0,48% so với tháng trước và tăng 1,82% so với cùng kỳ năm trước, phù hợp với quy luật tháng Tết hàng năm. “Mức tăng trong dịp Tết so với sức mua, cung - cầu như thế có thể nói là rất nhẹ”, ông Dũng khẳng định.
Tính chung 2 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao ở mức 9,2% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 11,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,28%. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tăng 5,9% so với cùng kỳ, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 9,9%, cao hơn khu vực FDI (kể cả dầu thô) là 4,3%.
Cả nước có gần 16.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 14,6% về số lượng. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lý giải là do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi kéo dài tới 9 ngày, nhiều hơn 2 ngày so với năm ngoái, gây ra tâm lý chung là không muốn thành lập doanh nghiệp vào những ngày giáp Tết và trong tuần đầu sau kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên số vốn doanh nghiệp đăng ký mới lại tăng 25,4% so với cùng kỳ; có trên 10.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 48,2% so với cùng kỳ.
Vốn FDI thực hiện tăng 9,8%. Đây cũng là mức tăng cao nhất của 2 tháng đầu năm trong vòng 3 năm trở lại đây cả về giá trị và tốc độ tăng. Vốn FDI cấp mới tăng 75,7% so với cùng kỳ; FDI tăng vốn tăng 22,1% so với cùng kỳ; góp vốn, mua cổ phần tăng 4 lần so với cùng kỳ. Tính chung, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,15 triệu lượt khách, tăng 10,12% so với cùng kỳ. Đặc biệt, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội vào ngày 27-28/2 là cơ hội vàng cho du lịch Việt Nam. Nhờ đó đã thu hút một lượng lớn khách quốc tế, đạt gần 1,59 triệu lượt trong tháng 2, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là tháng Việt Nam đón lượng khách quốc tế lớn nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng lưu ý, chúng ta còn nhiều khó khăn, thách thức và một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục trong thời gian tới như vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 2 giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó vốn Trung ương giảm 35,5%. Tính chung 2 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi cùng kỳ năm 2018 tăng 10,1%.
Thời tiết nắng ấm cũng khiến sâu bệnh gây hại trên lúa diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát ổ dịch tại 6 địa phương là: Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Thanh Hóa, Hà Nội và Hà Nam.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước như điện thoại và linh kiện giảm 7,3%; rau quả giảm 14,4%; cà phê giảm 26,9%; hạt điều giảm 21%; gạo giảm 17,5%; hạt tiêu giảm 20,6%.
Chính phủ thống nhất cho rằng, những thành tựu đạt được của năm 2018 và tiếp tục phát triển ổn định trong 2 tháng đầu năm 2019 nói trên là rất phấn khởi. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thách thức: năng suất lao động và năng lực cạnh tranh còn thấp, sức chống chịu của nền kinh tế chưa cao, cạnh tranh thương mại Trung - Mỹ sẽ ảnh hưởng lớn tới phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong thời gian tới.
Vì vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, chỉ còn 1 tháng nữa là hết quý I/2019, từng bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần nỗ lực phấn đấu, tập trung và tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra để thúc đẩy sản xuất, tăng trưởng kinh tế để đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội quý I/2019 theo kịch bản đề ra, tạo tiền đề quan trọng cho việc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2019.
Chính phủ lưu ý tiếp tục ưu tiên củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực; tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường của kinh tế và thương mại thế giới.
Cùng với đó, cần tiếp tục tập trung cải cách mạnh mẽ và thực chất hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể. Tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành không cần thiết. Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp.
Triển khai nhanh công tác phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công, nhất là các công trình hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai, các dự án lớn, dự án quan trọng, chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm thực hiện và giải ngân nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2019.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách để ngăn chặn, khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở các địa phương và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng…