Bước tiến mới về trần nợ của Mỹ
Bế tắc trong việc nâng trần nợ chủ yếu do bất đồng quan điểm giữa lưỡng đảng. Trong khi Đảng Cộng hòa nói rằng họ muốn cắt giảm chi tiêu để làm chậm tốc độ tăng nợ của Mỹ, hiện gần tương đương với sản lượng hàng năm của nền kinh tế nước này; thì Đảng Dân chủ lại muốn tăng thuế đối với những người giàu có và các công ty để giảm nợ.
Nguy cơ vỡ nợ đã đè nặng lên thị trường cổ phiếu và buộc Mỹ phải trả lãi suất cao kỷ lục trong một số đợt phát hành trái phiếu. Các nhà kinh tế cho rằng nếu vỡ nợ sẽ gây ra hậu quả nặng nề hơn nhiều, có khả năng đẩy quốc gia vào suy thoái, làm rung chuyển nền kinh tế thế giới và đẩy thất nghiệp tăng đột biến.
"Tôi vừa mới nói chuyện điện thoại với tổng thống cách đây ít lâu", "Chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận về nguyên tắc xứng đáng với người dân Mỹ", Chủ tịch Hạ viện McCarthy viết trên Twitter sau cuộc điện đàm kéo dài 90 phút với Tổng thống Joe Biden.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng gọi thỏa thuận tạm thời này là "một bước tiến quan trọng", nói rằng: "Thỏa thuận thể hiện sự thỏa hiệp, có nghĩa là không phải ai cũng đạt được điều họ muốn. Đó là trách nhiệm của chính quyền".
Tổng thống Mỹ Joe Biden thảo luận với Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy tại Nhà Trắng về vấn đề trần nợ hôm 22/5 |
Thỏa thuận này sẽ nâng giới hạn nợ của Chính phủ trong hai năm, song đi kèm theo đó là việc hạn chế chi tiêu và Chính phủ phải thu hồi các khoản tiền hỗ trợ ứng phó với đại dịch Covid chưa sử dụng, đẩy nhanh quy trình cấp phép cho một số dự án năng lượng. Nó cũng bao gồm một số yêu cầu bổ sung cho các chương trình hỗ trợ lương thực cho người nghèo.
Chủ tịch Hạ viện nói với phóng viên: “Nó có sự cắt giảm lịch sử trong chi tiêu, những cải cách tiếp theo sẽ giúp người dân thoát khỏi đói nghèo tham gia vào lực lượng lao động, kiềm chế sự chi tiêu quá mức của chính phủ - không có thuế mới, không có chương trình mới của chính phủ”.
Một nguồn tin quen thuộc với thỏa thuận cho biết, hai bên đã đồng ý giới hạn chi tiêu phi quốc phòng ở mức năm 2023 trong năm 2024 và tăng thêm 1% vào năm 2025.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Thỏa thuận này sẽ ngăn chặn một vụ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử của Chính phủ Mỹ miễn là các bên thành công trong việc thông qua Quốc hội trước khi Bộ Tài chính hết tiền để trang trải các nghĩa vụ của mình.
“Chúng tôi vẫn còn nhiều việc phải làm tối nay để hoàn thành việc viết nó”, McCarthy nói với các phóng viên. Ông cũng cho biết sẽ viết xong dự luật vào Chủ nhật, sau đó nói chuyện với Tổng thống Joe Biden để tiến hành bỏ phiếu về thỏa thuận vào thứ Tư tuần tới.
Rõ ràng Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã phải rất cẩn thận để đi đến một thỏa thuận có thể vượt qua Hạ viện mà Đảng cộng Hòa giữ đa số ghế (222/213) và Thượng viện với đa số ghế thuộc Đảng Dân chủ (51/49).
Hiện Đảng Cộng hòa kiểm soát Hạ viện muốn Chính phủ cắt giảm mạnh chi tiêu cùng với các điều kiện khác, đồng thời chỉ trích gay gắt thỏa thuận trước đó. Đại diện Đảng Cộng hòa Bob Good, một thành viên của nhóm Freedom Caucus bảo thủ đã tweet rằng, ông ấy đang "nghe" rằng thỏa thuận sẽ tăng trần nợ thêm 4 nghìn tỷ USD và nói thêm "NẾU đó là sự thật, tôi không cần nghe gì nữa. Không một người tự xưng là người bảo thủ có thể biện minh cho việc bỏ phiếu CÓ".
Một thành viên cấp cao của nhóm Freedom Caucus cho biết, họ đang đánh giá tình cảm của các thành viên và không chắc số phiếu bầu có thể là bao nhiêu.
Điều đó cũng có nghĩa, vẫn còn một chặng đường dài phía trước đối với vấn đề nâng trần nợ Mỹ, ngay cả khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã đạt được thỏa thuận sơ bộ.
McCarthy đã tuyên bố sẽ cho các thành viên Hạ viện 72 giờ để đọc luật trước khi đưa nó ra sàn để bỏ phiếu. Điều đó sẽ kiểm tra xem liệu có đủ thành viên ôn hòa ủng hộ các thỏa hiệp trong dự luật để vượt qua sự phản đối từ cả đảng viên Đảng Cộng hòa bảo thủ cũng như những đảng viên cấp tiến trong Đảng Dân chủ tại Hạ viện hay không.
Sau đó, nó sẽ cần phải thông qua Thượng viện, nơi nó sẽ cần ít nhất 9 phiếu bầu của Đảng Cộng hòa để thành công. Có nhiều trở ngại trong tiến trình này có thể làm chậm quá trình. Trong khi Bộ Tài chính Mỹ hôm 26/5 đã cảnh báo, thời hạn cuối cùng là ngày 5/6 tới.y