Các ngân hàng trung ương châu Á trước áp lực tăng lãi suất
Nhiều áp lực
Các NHTW châu Á có phần “chậm chạp” khi phần còn lại của thế giới, bao gồm cả các thị trường mới nổi, bắt đầu nâng lãi suất vào đầu tháng 6 năm ngoái, sau Fed đã đưa ra lộ trình cho việc thắt chặt chính sách tiền tệ của mình. Việc lạm phát tương đối ôn hòa hơn so với các nền kinh tế phát triển cho phép các NHTW châu Á tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ sự phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tuy nhiên điều đó đã khiến dòng vốn chảy ra và làm trầm trọng thêm sự giảm giá của các đồng tiền châu Á so với đồng bạc xanh. Chẳng hạn đồng peso của Philippines đã giảm hơn 10% tính từ đầu năm đến nay và hiện đang giao dịch ở gần mức thấp nhất trong gần 17 năm là 56,53 PHP/USD. Đồng baht của Thái Lan cũng đã giảm hơn 10% kể từ đầu năm và Thái Lan đã chứng kiến các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 816 triệu USD trên thị trường cổ phiếu vào tháng 6.
Đồng bath Thái đã giảm 10% so với USD kể từ đầu năm |
Ấn Độ cũng ghi nhận dòng vốn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chảy ra trong 6 tháng liên tiếp, góp phần khiến đồng rupee giảm kỷ lục. Ngay cả đồng rupiah của Indonesia dù mới chỉ giảm khoảng 5% so với đồng USD kể từ đầu năm, song đã chứng kiến mức giảm hàng tháng lớn nhất là 2,2% vào tháng 6.
Sự rớt giá mạnh của đồng nội tệ đã làm tăng nguy cơ nhập khẩu lạm phát, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine làm gia tăng áp lực giá cả trên toàn cầu. Lạm phát tại Thái Lan và Indonesia đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm. Ngay cả Hàn Quốc, quốc gia đã bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 8/2021, cũng chứng kiến giá đạt mức cao nhất trong 24 năm vào tháng 6.
“Có phải các NHTW (châu Á) đã hành động quá chậm? Vâng, tôi biết, đó là một câu hỏi phổ biến”, Ravi Menon - Giám đốc điều hành của Cơ quan tiền tệ Singapore cho biết tại một hội nghị hôm 19/7. “Sự gia tăng của lạm phát diễn ra khá nhanh. Nó nhanh một cách bất thường... Song nhiều người nghĩ rằng những rủi ro lớn hơn là sự suy giảm tốc độ tăng trưởng và vì vậy không thấy điều này sẽ xảy ra”.
Xuất phát chậm có thể phải đi nhanh
Tuy nhiên Euben Paracuelles - Nhà kinh tế trưởng ASEAN tại Nomura cho rằng, điều mà các NHTW châu Á sẽ làm trong giai đoạn này là “tập trung vào việc chống lạm phát, bởi đó là lý do đáng lo ngại”. Ông nói thêm rằng, nguy cơ suy thoái ở các nền kinh tế lớn đã làm phức tạp thêm thách thức chính sách vào thời điểm lạm phát bắt đầu tăng mạnh tại nhiều quốc gia châu Á.
Trên thực tế, Philippines đã gây bất ngờ cho thị trường khi tăng lãi suất tới 75 điểm vào tuần trước. Việc lạm phát tăng lên cao nhất 24 năm cũng buộc Hàn Quốc phải tăng lãi suất ở mức kỷ lục là một nửa điểm phần trăm vào tuần trước. Trước đó NHTW Ấn Độ cũng lần đầu tiên tăng lãi suất tới 40 điểm tại một cuộc họp bất thường vào tháng 5.
Tất cả những điều đó nhấn mạnh sự cấp bách ngày càng tăng của các nhà hoạch định chính sách trong cuộc chiến chống lạm phát. Theo các nhà phân tích, Indonesia có thể là nền kinh tế mới nổi cuối cùng ở châu Á thực hiện tăng lãi suất vào thứ Năm.
Sở dĩ Indonesia có thể trì hoãn việc tăng lãi suất là nhờ vị thế thương mại được cải thiện và các nhà đầu tư nước ngoài hiện chỉ nắm giữ chưa tới một phần năm trái phiếu có lợi suất cao của nước này. Nicholas Mapa - Chuyên gia kinh tế cấp cao tại ING cho biết: “Indonesia có thể kìm hãm việc tăng lãi suất. Nhưng tôi thực sự nghĩ rằng họ sẽ tăng... chỉ vì mọi người đã thắt chặt”. Tuy nhiên, chỉ có 11 trong số 29 nhà kinh tế được Reuters thăm dò ý kiến cho rằng NHTW Indonesia sẽ tăng lãi suất vào thứ Năm.
Mặc dù vậy không thể phủ nhận làn sóng tăng lãi suất đang diễn ra mạnh mẽ tại châu Á. “Dư địa để duy trì chính sách tiền tệ hỗ trợ tăng trưởng chắc chắn sắp đóng lại”, nhà kinh tế Enrico Tanuwidjaja của UOB cho biết, đề cập đến các NHTW vẫn chưa tăng lãi suất.
Tuần trước, một giám đốc cấp cao của NHTW Thái Lan cho biết cơ quan này có khả năng cao sẽ tăng lãi suất trong tháng 8, đồng thời nói thêm rằng họ sẵn sàng can thiệp nếu đồng baht suy yếu quá nhiều.
“Cuối cùng, chúng ta đang sống trong bối cảnh chính sách tiền tệ toàn cầu chặt chẽ hơn nhiều, vì vậy chắc chắn các NHTW nói chung phải tăng lãi suất”, nhà kinh tế Wellian Wiranto của OCBC cho biết.