Các NHTM Nhà nước: Lực lượng tiên phong trong thực thi nhiệm vụ chính trị của Ngành
Giảm lãi hàng ngàn tỷ đồng
Cuối tuần qua, Vietcombank, VietinBank, BIDV và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Báo cáo tại hội nghị của Vietcombank cho thấy, năm 2023, huy động vốn thị trường 1 của ngân hàng đạt 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2022; dư nợ tín dụng đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2022. Chất lượng tín dụng của ngân hàng được kiểm soát tốt, tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất hệ thống. Bên cạnh đó, năm 2023, Vietcombank hoàn thành lợi nhuận kế hoạch được giao, chỉ số ROA và ROE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,78% và 21,68%. Vốn là NHTM có thế mạnh về các dịch vụ ngoại hối và thanh toán quốc tế nên thị phần thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại của Vietcombank tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt, đạt 19,2%; cùng với đó doanh số thanh toán, sử dụng thẻ tăng lần lượt 24,3% và 20,5% so với năm 2022. Đặc biệt, theo Tổng giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, năm 2023 ngân hàng đã tiến hành 46 đợt giảm lãi suất với DNNVV và lĩnh vực ưu tiên; 8 lần giảm lãi suất cho vay với khách hàng doanh nghiệp. Tính chung năm qua, Vietcombank giảm lãi gần 5.900 tỷ đồng cho gần 290.000 khách hàng với quy mô dư nợ vay hơn 1,1 triệu tỷ đồng...
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị VietinBank |
Còn tại BIDV, với phương châm hành động “Kỷ cương - Hiệu quả - Chuyển đổi hoạt động”, toàn hệ thống BIDV đã quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; chỉ đạo của NHNN, nêu cao quyết tâm và nỗ lực cao độ để hoàn thành thắng lợi toàn diện các mục tiêu đã đề ra, góp phần tích cực vào sự phát triển của ngành Ngân hàng và nền kinh tế - xã hội đất nước.
Đến hết 31/12/2023, tổng tài sản của BIDV đạt 2,26 triệu tỷ đồng, tiếp tục giữ vững vị thế là NHTMCP có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Huy động vốn đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%; Dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,66%; Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 1,1%; Trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Tỷ lệ trang trải nợ xấu (dư quỹ DPRR tín dụng/dư nợ xấu) đạt 192%. Hiệu quả kinh doanh tiếp tục được cải thiện tích cực. Năm 2023 BIDV nộp ngân sách nhà nước trên 6.200 tỷ đồng, thuộc nhóm các doanh nghiệp dẫn đầu về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; đảm bảo quyền lợi cổ đông và thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, giống như các NHTM nhà nước khác, BIDV cũng tích cực triển khai giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. Tính chung ngân hàng đã miễn giảm lãi suất, phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân với số tiền lên tới 5.900 tỷ đồng.
Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Phạm Thanh Hà trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba cho các cá nhân thuộc BIDV |
Trong khi đó, VietinBank cũng khép lại năm 2023 với tổng tài sản đạt hơn 2 triệu tỷ đồng xếp thứ 3 toàn hệ thống ngân hàng, tăng 12,5% so với đầu năm. Tăng trưởng nguồn vốn huy động ổn định, bền vững; Dư nợ tín dụng đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng tăng trưởng mạnh mẽ (15,6%) từ đầu năm, cao hơn mức chung toàn Ngành. Cơ cấu tín dụng chuyển dịch tích cực, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Thu thuần dịch vụ tăng trưởng 22%, thu nhập ngoại tệ tăng 19% so với cuối kỳ 2023. Chất lượng tín dụng được kiểm soát, quản trị rủi ro hiệu quả. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 1,12%, đạt mục tiêu định hướng của NHNN (<1,8%), tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 160%.
Tương tự như Vietcombank và BIDV, VietinBank cũng rất chủ động triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2023, VietinBank đã triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ lãi suất với dư nợ tín dụng được hỗ trợ lãi suất lên tới 12 nghìn tỷ đồng, số tiền hỗ trợ gần 250 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tích cực triển khai các biện pháp hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN; tập trung đẩy mạnh cho vay lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ với dư nợ chiếm khoảng 40% tổng dư nợ của ngân hàng. Song song với đó, VietinBank tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay, duy trì mặt bằng lãi suất cho vay trong nhóm thấp nhất thị trường.
Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng trao bằng khen cho các tổ chức, cá nhân Vietcombank |
Vì mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của toàn Ngành
Là đơn vị đặc thù, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhiệm vụ tạo việc làm, hỗ trợ các đối tượng chính sách cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của NHCSXH càng trở nên quan trọng.
Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, đến 31/12/2023, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt trên 346 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 49 nghìn tỷ đồng, tương đương 17% so với năm 2022; tổng doanh số cho vay toàn hệ thống đạt 108.044 tỷ đồng, với hơn 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. NHCSXH đã giải ngân tổng số vốn vay các chương trình tín dụng chính sách được hỗ trợ lãi suất 2% đạt 158.994 tỷ đồng, cho hơn 3,3 triệu khách hàng; thực hiện hỗ trợ lãi suất với tổng số tiền cả giai đoạn 2022 - 2023 là 2.995,2 tỷ đồng.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho trên 790 nghìn lao động, trong đó giúp gần 8,6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và trên 2.000 người vừa chấp hành xong án phạt tù có việc làm; giúp gần 97.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân hơn 4.000 hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính và thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên; xây dựng trên 1.435 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 1.383 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 15.000 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp...
Tổng giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ tại Khánh Hòa |
Dự báo năm 2024 tiếp tục khó khăn, trong khi một trong những nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho ngành Ngân hàng nói chung và các NHTM Nhà nước nói riêng là tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Do đó, cùng với việc triển khai ngay các giải pháp tăng cung tín dụng theo chỉ tiêu NHNN đã giao ngay đầu năm, các NHTM Nhà nước còn phải tiếp tục tái cơ cấu, xử lý nợ xấu; đẩy mạnh số hoá để giảm chi phí hoạt động, thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng...
Phát biểu chỉ đạo tại BIDV, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà yêu cầu BIDV xây dựng chỉ tiêu kinh doanh năm 2024 phù hợp với định hướng, chỉ đạo của NHNN. Điều hoà tốc độ tăng tín dụng, làm sao để tín dụng tăng đều trong các tháng để có mức tăng trưởng bình quân năm theo chỉ tiêu NHNN giao; đồng thời kiểm soát tốt tín dụng trong những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để tiếp tục giảm lãi suất cho vay; cung cấp những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất, an toàn nhất cho khách hàng... Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cũng bày tỏ kỳ vọng với kết quả đạt được và những nỗ lực trong thời gian tới, BIDV tiếp tục phát huy vị thế là Ngân hàng có quy mô lớn nhất hệ thống để là đơn vị chủ lực, chủ đạo, tiên phong thực thi các chính sách tiền tệ, hoàn thành thắng lợi kế hoạch kinh doanh năm 2024, góp phần quan trọng vào kết quả chung của ngành Ngân hàng.
Trong khi đó, xác định năm 2024 kinh tế thế giới và trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn nên Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng ở mức thận trọng, quán triệt phương châm hành động: “Chuyển đổi - Hiệu quả - Bền vững”, quan điểm chỉ đạo điều hành “Trách nhiệm - Quyết liệt - Sáng tạo” triển khai thành công các mục tiêu kinh doanh. Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng đề nghị Vietcombank tổ chức triển khai có hiệu quả các giải pháp tín dụng, tiền tệ, ngoại hối; xây dựng kế hoạch tài chính năm 2024, bám sát CSTT, tín dụng, thực hiện mục tiêu kinh doanh, cố gắng về đích sớm. Ngân hàng cần triển khai đúng tiến độ phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và chiến lược phát triển; nâng cao năng lực quản trị, điều hành. Vietcombank cần chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết, đặc biệt là phương án nhân sự, tài chính, công nghệ thông tin, quy chế và chính sách, đảm bảo thực hiện thành công phương án nhận chuyển giao bắt buộc TCTD yếu kém trong năm 2024. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng cần sớm trình phương án tăng vốn điều lệ nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, tăng vốn từ nguồn lợi nhuận để lại từ 2021 là hơn 28.000 tỷ đồng. Ngân hàng cần chủ động xây dựng kế hoạch tăng vốn từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2022, hạn chế nguồn phát hành riêng lẻ, tránh pha loãng sở hữu Nhà nước.
Ngân hàng luôn ưu tiên cung ứng vốn cho lĩnh vực chế biến các mặt hàng xuất khẩu |
Phát biểu chỉ đạo tại VietinBank Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú yêu cầu VietinBank thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu. Tiếp tục tập trung cho vay các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đầu tư vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiết giảm tối đa chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay; Tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và chỉ đạo của NHNN về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; Tiếp tục gia tăng doanh thu từ các dịch vụ phi tín dụng. Phó Thống đốc cho biết, NHNN khuyến khích các NHTM trả cổ tức bằng cổ phiếu để tập trung nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu trong năm 2024.
Với những nền tảng vững chắc được vun đắp nhiều năm qua, nhóm các NHTM Nhà nước sẽ tiếp tục là lực lượng chủ đạo, tiên phong thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, và của NHNN, hoàn thành thắng lợi kế hoạch kinh doanh năm 2024, góp phần quan trọng vào kết quả chung của ngành Ngân hàng.