Gỡ cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng hỗ trợ nền kinh tế
Ngân hàng vượt khó, triển khai đồng bộ giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng Ngành Ngân hàng tiên phong thực hiện ESG |
Phó chủ tịch kiêm, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng: Ngân hàng đối diện nhiều thách thức
Hoạt động ngân hàng trong những tháng còn lại của năm sẽ đối mặt với nhiều thách thức.
Thứ nhất, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 15% cho cả năm 2024, đến nay mới đạt khoảng 6%, do đó những tháng còn lại là một thách thức đối với ngành Ngân hàng. Bởi, dù các TCTD đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng với mức lãi suất vay rất thấp, song một số ngành sản xuất, dịch vụ phục vụ nhu cầu trong nước còn nhiều khó khăn, nhiều phương án sản xuất kinh doanh thiếu tính khả thi, nợ xấu có nguy cơ tăng cao…
Thứ hai, thị trường vốn gặp nhiều khó khăn dẫn đến áp lực vốn trung dài hạn cho nền kinh tế chuyển sang vốn tín dụng ngân hàng, có doanh nghiệp được cơ cấu nợ miễn giảm lãi, song không trả nợ cũ, không đủ điều kiện vay vốn, gây sức ép, đòi hạ chuẩn tín dụng, bỏ qua kiểm soát vốn vay… đã ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ ngân hàng vì mang tiếng gây khó khăn trong việc tiếp cận vốn.
Thứ ba, việc thu hồi và xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh Nghị quyết 42 hết hiệu lực, một số doanh nghiệp không hợp tác với các TCTD trong việc bàn giao tài sản và xử lý nợ, cá nhân vay tiêu dùng cố tình không trả nợ mặc dù các cơ quan hữu quan đã hỗ trợ triệt phá ổ nhóm tín dụng đen, xóa bỏ trên mạng các trang web hội nhóm bùng nợ… song kết quả thu hồi nợ rất khiêm tốn.
Thứ tư, các TCTD phải đối diện với tình trạng tấn công mạng với thủ đoạn ngày càng táo bạo, tinh vi. đối tượng tội phạm có hiểu biết về công nghệ thông tin, thường xuyên thay đổi thủ đoạn và một số đối tượng có liên quan đến yếu tố nước ngoài gây khó khăn trong kiểm soát, ngăn chặn.
Thứ năm, việc triển khai một số chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gặp nhiều vướng mắc do qui định pháp luật giữa các bộ, ban, ngành chưa thống nhất, nhất là nhà ở xã hội.
Để vượt qua những khó khăn thách thức trên, Hiệp hội Ngân hàng kiến nghị Chính phủ xem xét không xử phạt vi phạm hành chính về thuế và tiền nộp chậm thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động Thư tín dụng (L/C) từ năm 2011 đến nay, bởi lỗi gây ra không phải từ các TCTD. Đồng thời, NHNN xem xét phân bổ chỉ tiêu tín dụng cho các công ty tài chính tiêu dùng, nhất là các công ty có vốn nước ngoài.
Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ, Bộ Tư pháp rà soát Bộ Luật dân sự 2015 để sửa đổi, bổ sung theo hướng nâng cao trách nhiệm dân sự đối với người đi vay, đồng thời nghiên cứu sửa đổi Luật Phá sản theo hướng cho phá sản đối với các doanh nghiệp yếu kém, không còn khả năng phục hồi, giảm gánh nặng cho nền kinh tế.
Chủ tịch HĐTV Agribank Phạm Đức Ấn: TCTD cần được hỗ trợ trong quá trình xử lý nợ xấu
Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu đã hết hiệu lực thi hành nhưng một số quy định không được kế thừa trong Luật Các TCTD năm 2024, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ từ các cơ quan công an, chính quyền địa phương trong việc thực thi quyền thu, giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) của chủ nợ. Trong khi đó, do tác động tiêu cực kéo dài của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thu nhập của người dân đều giảm sút, khả năng trả nợ suy giảm, thực tế có tình trạng không hợp tác, chây ỳ, chống đối trong việc trả nợ và bàn giao TSBĐ, nợ xấu đang có chiều hướng gia tăng. Vì vậy, Agribank đề nghị các Bộ ngành, NHNN, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ các TCTD trong quá trình xử lý nợ xấu, thu giữ TSBĐ của khoản nợ xấu.
Công tác tố tụng giải quyết vụ án tại Tòa án các cấp và thi hành án cần được giải quyết rút gọn, đẩy nhanh tiến độ. Thực tế, trong công tác xử lý TSBĐ hoặc quá trình khởi kiện đã có bản án và Agribank là người được thi hành án. Tuy nhiên quá trình xử lý, thu hồi nợ đang phát sinh nhiều trường hợp cố tình kéo dài tiến độ xử lý dẫn đến khả năng thu hồi nợ chậm và kéo dài, làm ảnh hưởng đến quyền của Agribank. Thậm chí ngay trong quá trình xử lý TSBĐ, đối với trường hợp Agribank chủ động xử lý TSBĐ để thu hồi nợ có sự đồng ý của bên vay/chủ tài sản cũng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục về chuyển quyền sở hữu. Người mua tài sản thường “băn khoăn” về việc chuyển quyền sở hữu sau khi mua được tài sản. Cũng có nhiều trường hợp không thể chuyển quyền sở hữu do nhiều lý do khác nhau.
Để tạo hành lang trong công tác xử lý nợ thông qua bán khoản nợ trên thị trường, đồng thời tìm kiếm các nhà đầu tư quan tâm, NHNN sớm ban hành Thông tư hướng dẫn về việc bán nợ theo giá thị trường theo quy định của Luật Các TCTD năm 2024 thay thế Thông tư số 09/2015/TT-NHNN.
Theo Quyết định số 689/QĐ-TTg, Agribank triển khai cổ phần hóa sau khi phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Đến nay, việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất còn chậm, vẫn còn 23 cơ sở nhà, đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt phương án sử dụng dẫn đến NHNN chưa thể ban hành quyết định cổ phần hóa Agribank. Do đó, đề nghị Bộ Tài chính và cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất để Agribank đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, từ đó có điều kiện tăng năng lực tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Trong điều kiện chưa thể cổ phần hóa, để tăng năng lực tài chính đáp ứng khả năng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, Agribank đề nghị NHNN, các Bộ ngành xây dựng cơ chế bổ sung vốn điều lệ từ lợi nhuận hàng năm của Agribank, tối thiểu 10.000 tỷ đồng/năm giai đoạn 2024-2025 và các năm sau.
Chủ tịch HĐQT HDBank Kim Byoungho: NHNN xem xét giao thêm chỉ tiêu cho ngân hàng tăng trưởng tín dụng tích cực
HDBank đánh giá cao việc NHNN ngay từ đầu năm 2024 phân bổ hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng và gia hạn hiệu lực Thông tư 02/2023/TT-NHNN về tái cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng gặp khó khăn. Những quyết định này đã mang lại lợi ích thiết thực cho cả người đi vay và các TCTD.
Tại HDBank, thực hiện chỉ đạo của Thống đốc tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, chúng tôi đã nhanh chóng triển khai quán triệt đến đơn vị kinh doanh toàn hệ thống, ra mắt nhiều gói tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay thấp chỉ từ 5-6%/năm, tinh gọn quy trình cấp tín dụng và phối hợp chặt chẽ với khách hàng để nắm bắt rõ nhu cầu và vướng mắc của từng đối tượng cụ thể và cho ra mắt sản phẩm và giải pháp phù hợp. Nhờ đó tính đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng của HDBank đạt hơn 382 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với đầu năm, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp chỉ ở mức 1,2%.
Với mong muốn đóng góp vào việc thực hiện thành công các nhiệm vụ trong nửa cuối năm, HDBank kiến nghị nên xem xét đẩy nhanh quá trình phê duyệt các đề án tái cơ cấu của các TCTD. Nhất là ngân hàng mua lại bắt buộc, đang được giám sát đặc biệt để sớm giúp các ngân hàng này phục hồi, hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, NHNN nên xem xét giao thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng tích cực trong 6 tháng đầu năm đồng thời duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn; khuyến khích mở rộng Cơ chế thử nghiệm (sandbox) để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng… Chúng tôi tin rằng điều này sẽ giúp toàn Ngành đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% trong năm 2024 và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế.