Các quy định đấu giá tài sản cần cụ thể, rõ ràng, tránh tiêu cực
Toàn cảnh phiên họp |
Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 43 điều và bãi bỏ 03 điều của Luật hiện hành; bổ sung 03 điều mới; tăng 18 khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới.
Liên quan đến nội dung về tài sản đấu giá, dự thảo Luật kế thừa quan điểm xây dựng Luật Đấu giá tài sản là luật hình thức, quy định áp dụng thống nhất về trình tự, thủ tục đấu giá đối với các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành quy định phải thực hiện thông qua đấu giá. Để bảo đảm tính rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng trên thực tế, dự thảo Luật quy định theo hướng liệt kê các loại tài sản mà pháp luật chuyên ngành hiện hành quy định phải đấu giá trên cơ sở rà soát, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định của pháp luật chuyên ngành.
Đối với việc xác định tài sản đủ hay không đủ điều kiện đưa ra đấu giá thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành, Luật Đấu giá tài sản chỉ quy định về trình tự, thủ tục đấu giá. Pháp luật chuyên ngành sẽ quy định tài sản nào, giá trị như thế nào thì phải đấu giá, tài sản nào, giá trị bao nhiêu thì không đấu giá; tài sản nào thì đấu giá quyền cho thuê; tài sản nào thì đấu giá quyền sở hữu. Đồng thời, tại dự thảo Luật cũng đã có quy định chung mang tính khái quát đối với tài sản khác mà pháp luật chuyên ngành quy định phải đấu giá để bảo đảm tính bao quát, đầy đủ và dự liệu trước các tài sản có thể phát sinh trong tương lai.
Về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Luật đã bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi” đối với hành vi “để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá” tại điểm đ1 khoản 1 và điểm d khoản 2 Điều 9 để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tính khả thi của quy định này. Đồng thời, để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, ngăn chặn tình trạng thông đồng, móc nối với nhau trong một cuộc đấu giá tài sản, dự thảo Luật đã bỏ cụm từ “để trả giá” quy định tại điểm d1 khoản 5 Điều 9 nhằm mở rộng hành vi bị nghiêm cấm mà không cần xét đến mục đích đối với trường hợp người tham gia đấu giá nhận ủy quyền tham gia cuộc đấu giá của một hoặc hai người tham gia đấu giá trở lên đối với cùng một tài sản mà mình cũng là người tham gia đấu giá tài sản đó hoặc những người này là người tham gia đấu giá tài sản đó.
Về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật quy định rõ hơn về tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù và thường là tài sản có giá trị lớn, có thể tác động đến thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản; mức tiền đặt trước tối thiểu là 10% và mức tối đa là 20% giá khởi điểm để góp phần hạn chế tình trạng người trúng đấu giá bỏ cọc, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, đất đai, tần số vô tuyến điện…
Về đấu giá trực tuyến, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 43a và Điều 43b về đấu giá trực tuyến. Theo đó, Điều 43a quy định các nội dung cơ bản về đấu giá trực tuyến, trong đó quy định tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, tổ chức việc đấu giá trực tuyến thông qua sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình hoặc thuê, sử dụng trang thông tin đấu giá trực tuyến của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản khác; Điều 43b quy định khung về trình tự, thủ tục đấu giá trực tuyến và giao Chính phủ quy định chi tiết nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của quy định...
Thảo luận tại Hội trường, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) đề nghị cân nhắc việc gộp các tài sản độc lập thành lô tài sản hoặc tách tài sản thành các lô tài sản khi đưa ra đấu giá. Theo đại biểu, không nên quy định việc đấu giá một tài sản hoặc nhiều tài sản theo lô mà nên để người có tài sản đấu giá quyết định và chịu trách nhiệm về việc đấu giá tài sản. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, bổ sung quy định về nghĩa vụ của người có tài sản đấu giá trong việc chịu trách nhiệm đối với tài sản đưa ra đấu giá, việc gộp các tài sản độc lập thành lô tài sản hoặc tách tài sản thành các lô tài sản khi đưa ra đấu giá tại dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 2 Điều 47). Đại biểu cho rằng, quy định như vậy không rõ ràng và dễ xảy ra tiêu cực.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) thì cho rằng, nên có quy định mở, không nên bắt buộc tất cả các tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật đều thuộc tài sản bán đấu giá. Mọi tài sản bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận là các tổ chức tín dụng tự thỏa thuận xử lý, bảo đảm thu hồi nợ, chỉ khi không thỏa thuận được sẽ xử lý theo trình tự tư pháp...
Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản tại Phiên họp, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) bày tỏ cơ vản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các ý kiến đại biểu Quốc hội đã phát biểu. Quan tâm đến nội dung về tài sản đấu giá quy định tại Điều 4, đại biểu Hòa cho rằng, việc liệt kê, phân tách như dự thảo Luật hiện tại đã đảm bảo rõ ràng, rành mạch và cụ thể. Tuy nhiên, tại khoản 1 của Điều này quy định nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật; và khoản 2 quy định tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn đấu giá…theo đại biểu Hòa, quy định như dự thảo Luật chưa thực sự rõ ràng và có khả năng gây ra tiêu cực. Do vậy, cần rà soát các quy định này để đảm bảo cụ thể, rõ ràng.