Cần cơ chế mới đủ mạnh cho phát triển năng lượng xanh
Tại Hội thảo "Phát triển năng lượng tái tạo nhìn từ Quy hoạch điện VIII: Khai thác dưới góc độ quy định pháp luật và thực tiễn" do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (UEL) tổ chức, các luật sư và chuyên gia chỉ ra tổng thể, PDP8 đặt nền móng cho một tương lai rạng ngời trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Tuy nhiên, để Việt Nam thực hiện được mục tiêu Quy hoạch điện VIII cần giải quyết các nút thắt thu hút đầu tư, đặc biệt là tài chính để hướng tới mục tiêu năng lượng xanh.
Cơ hội song hành cùng thách thức
Luật sư - TS. Lê Nết - thành viên Công ty Luật TNHH LNT & Partners, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) nhắc lại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII - PDP8) được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 đã đặt rõ định hướng phát triển điện lực đi trước một bước theo hướng “xanh” và bền vững nhằm cung cấp đủ điện, đáp ứng yêu cầu cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân.
Đặc biệt, mục tiêu của PDP8 là mở rộng lưới điện với tổng chiều dài khoảng 60.000 km đến năm 2030. Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là các đường dây 500KV chủ yếu tập trung ở miền Bắc và miền Nam. Trong khi đó, miền Trung, đặc biệt là Ninh Thuận và Bình Thuận, có vẻ thiếu hụt về đường dây 500KV. “Điều này đặt ra nhu cầu về xã hội hóa và tư nhân hóa trong phát triển lưới điện” ông Nết chia sẻ.
EVN Finance là doanh nghiệp duy nhất trong nước phát hành thành công trái phiếu xanh |
Ông Nết cũng nhận định dự án Hiệp định Việt Nam - Lào - Campuchia (HDVA) đang được triển khai, hứa hẹn mang lại những lợi ích lớn cho cả khu vực giải quyết bài toán thừa cục bộ, thiếu cả nước. Với mục tiêu đạt 16GW từ dự án chuyển đổi năng lượng gió trên cạn, PDP8 mở ra những cơ hội lớn cho hoạt động M&A. Điều này không chỉ thúc đẩy sự đa dạng hóa nguồn năng lượng mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia thị trường.
Tổng thể, PDP8 đặt nền móng cho một tương lai rạng ngời trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam. Trong khi năng lượng gió và lưới điện sẽ trải qua sự phát triển lớn, các dự án năng lượng mặt trời cũng sẽ tiếp tục đóng góp vào cấu trúc năng lượng quốc gia. Đến năm 2050, khả năng kết hợp của các dự án năng lượng gió và mặt trời sẽ chiếm khoảng 71% tổng công suất.
Song, ông Nết cũng như nhiều chuyên gia chỉ ra nút thắt trong phát triển điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam xuất phát chủ yếu từ cơ chế giá. Với công nghệ thế giới phát triển nhanh, giá thành công nghệ giảm đi hàng năm, làm giá thành điện năng, năng lượng tái tạo chưa tính giá truyền tải và lưu trữ điện giảm theo thời gian. Vì vậy, chính sách giá FIT vốn một cơ chế chính sách được đưa ra nhằm khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, giá bán điện được tính toán để nhà đầu tư thanh toán đủ chi phí đầu tư, có lãi vừa phải và giá này được giữ cố định trong 20 năm nhưng thực tế lại trở thành lãi rất cao.
Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện cho nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp tại ngày 7/1/2023 với khung giá mới cho các nguồn điện của các nhà máy điện chuyển tiếp thấp hơn 21-29% so với mức giá trong biểu giá điện hỗ trợ FIT.
Tuy nhiên, khung giá mới chỉ áp dụng cho khoảng 16 dự án điện mặt trời và 62 dự án điện gió trong diện chuyển tiếp, tức là những dự án đã tiến hành đầu tư, triển khai nhưng chưa kịp hoàn thành trước hạn giá FIT (đối với điện mặt trời là từ ngày 1/1/2021, đối với điện gió là từ ngày 1/11/2021). Còn những dự án năng lượng tái tạo mới thì chưa thống nhất khung giá phát điện nên chưa thu hút được nhà đầu tư. Bên cạnh đó là những thách thức vẫn còn, đặc biệt là trong việc chuyển đổi các dự án từ LNG sang thủy điện và từ than sang amonia.
Để triển khai PDP8 một cách hiệu quả, Bộ Công Thương cần phải đưa ra các hướng dẫn cụ thể hơn về cách chuyển đổi dự án từ LNG sang thủy điện và từ than thành dự án amonia. Ngoài ra, FIT cho các dự án chuyển đổi và thị trường giá điện cạnh tranh cũng cần được làm rõ.
“Trong bối cảnh thị trường năng lượng thế giới đang chịu tác động của nhiều yếu tố biến động, Việt Nam cần có những quyết định và hướng dẫn linh hoạt để đảm bảo rằng nó sẽ tiếp tục đóng góp vào nỗ lực toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch” ông Nết nhìn nhận.
Cần một cơ chế đủ mạnh và linh hoạt
Ở góc nhìn cá nhân, ông Nguyễn Phan Dũng Nhân, Trưởng Phòng pháp lý cấp cao Tập đoàn của BCG kiêm Trưởng phòng pháp chế của BCG Enegy chỉ ra cánh cửa huy động vốn cho các dự án năng lượng tái tạo rất hẹp. Đặc biệt, sau các vụ sai phạm trên thị trường trái phiếu vừa qua. Với thị trường vốn, ngay cả trong những thời thị trường chứng khoán phát triển năm 2020 với vốn hóa trên HOSE đạt gần 90% GDP việc huy động vốn cho năng lượng tái tạo đã khó khăn nên trong giai đoạn hiện nay khi vốn hóa trên thị trường chỉ còn khoảng 60% huy động vốn cho năng lượng tái tạo ngày càng thêm khó.
Về các sản phẩm tài trợ dự án/khoản vay có ưu đãi lãi suất, đến nay mới chỉ có BIDV và VCB tài trợ một số dự án nhưng nguồn vốn hầu như đến từ các định chế tài chính nước ngoài. Châu Á là một điểm thu hút đầu tư tài chính xanh với nguồn vốn hiện hữu lên tới hàng chục tỷ USD, song, ông Nhân cho biết Việt Nam đến nay vẫn chưa thu hút được nguồn vốn từ thị trường này. Đến nay, mới chỉ có EVN Finance phát hành thành công trái phiếu xanh với giá trị không lớn (75 triệu USD).
Trong khi đó, tới năm 2030, Việt Nam cần 135 tỷ USD đầu tư vào việc phát triển các dự án điện gió, LNG, và lưới điện để đạt được các mục tiêu trong Quy hoạch điện VIII. Số tiền khổng lồ này thể hiện một nhu cầu rất lớn của Việt Nam nhưng cũng đồng thời tạo ra thách thức rất lớn đối với việc huy động vốn. Trong bối cảnh thị trường trái phiếu kém phát triển, tài chính xanh còn chưa phát triển, thì nguồn vốn trông chờ vào hệ thống ngân hàng.
Ông Nhân phân tích các cam kết ở mức quốc gia đang tạo ra nền tảng cho việc thu hút vốn đầu tư nhưng việc chậm trễ trong việc xây dựng các quy định mang tính thực thi có thể làm Việt Nam “lag behind” trong việc thu hút vốn đầu tư (đặc biệt là chính sách về giá).
Hơn thế, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với các thách thức như: Hợp đồng mua bán điện (PPA) áp dụng đối với các dự án năng lượng tái tạo còn nhiều rủi ro cho các đơn vị phát triển nên khó thu hút được nguồn vốn nước ngoài trừ khi có giá FiT đủ cao. Cơ sở hạ tầng lưới điện còn chưa phát triển tạo ra các rủi ro rất lớn về việc quá tải và cắt giảm sản lượng (curtailment). Quan ngại ngày càng gia tăng của các nhà đầu tư nước ngoài/ngân hàng nước ngoài đối với “sức khỏe tài chính” của EVN. Sự thay đổi pháp luật của ảnh hưởng tới dòng vốn cho các dự án năng lượng tái tạo.
Vì vậy, ông Nhân cùng các chuyên gia chỉ ra cần một cơ chế mới cho thu hút đầu tư năng lượng tái tạo đặc biệt là trái phiếu xanh. Hiện Nghị định 153/2020/NĐ-CP cùng các nghị định sửa đổi sau đó mới chỉ có khái niệm trái phiếu xanh là gì. “Cơ chế pháp luật hiện tại chưa rõ trái phiếu xanh là gì, phân loại nó như thế nào, đây là tình trạng trái phiếu xanh của Việt Nam. Vì vậy cần khung pháp lý mới cho trái phiếu xanh, với việc cụ thể từ khái niệm, tiêu chí trái phiếu xanh, và minh bạch thị trường sử dụng trái phiếu xanh, như thế sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam” ông Nhân khuyến nghị.
Luật sư - TS. Lê Nết cùng nhiều ý kiến tại hội thảo đều nhìn nhận Hợp tác công tư được xem là một phương thức giảm thiểu rủi ro, thu hút nhà đầu tư tư nhân tham gia đầu tư lĩnh vực năng lượng. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư muốn tham gia và có nguồn vốn. Tuy nhiên, để thu hút được dòng vốn này, ông Nết khuyến nghị nhà nước phải tạo ra một cơ chế và cam kết bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư để nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất điện từ năng lượng tái tạo, bên cạnh việc xem xét cơ chế về giá phù hợp cần có cơ chế bao tiêu sản phẩm ngay cả không mua vẫn trả tiền thì dự án đó mới có khả năng khả thi. Hay như việc chấm dứt hợp đồng cũng phải rõ cơ chế bồi thường của nhà nước. “Cần nhất là cơ chế chứ không phải là sự tham gia của nhà nước vào đầu tư các dự án" ông Nết nhấn mạnh.