Cần công khai quy hoạch để ngăn chặn tình trạng 'thổi' giá, đầu cơ
Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 9, chiều 16/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp ngăn chặn tình trạng "bắt tay ngầm" trong đấu giá đất; "thổi" giá đất để trục lợi cá nhân, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận thực tế không chỉ có hiện tượng "thổi" giá mà còn có hiện tượng móc ngoặc, dìm giá, làm nhiễu loạn thị trường, gây ra nhiều hệ lụy.
Nguyên nhân là do pháp luật liên quan đến đấu giá đất còn thiếu cụ thể, chẳng hạn như: Trình tự chưa chặt chẽ; chưa quy định điều kiện, năng lực của doanh nghiệp tham gia đấu giá; chế tài đối với người cố tình đẩy giá cao rồi bỏ cọc chưa đủ sức răn đe. Bên cạnh đó, các công cụ pháp luật để ngăn chặn tình trạng "quân xanh, quân đỏ", móc ngoặc hoặc đe dọa người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất cũng chưa chặt chẽ, thậm chí có sơ hở.
“Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền các quy định chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng này”, Bộ trưởng cho biết.
Liên quan đến vấn đề đầu cơ đất đai, Bộ trưởng thừa nhận đây là hiện tượng có thật. Theo ông, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19, người dân và doanh nghiệp đã gửi tài sản của mình vào đất và khi đất lên giá phi mã ai cũng nghĩ là thành công. Nhưng ở góc độ vĩ mô, khi người dân đầu tư vào đất đai thì xu hướng đó không mang lại hiệu quả cho phát triển và đây là điều rất không tốt với nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng, trong vấn đề này, Nhà nước phải điều tiết để ngăn chặn vấn đề "thổi" giá. Không để xảy ra tình trạng đất chưa sử dụng mà đã tham gia đấu giá để giữ đất, găm đất. Không để tình trạng đất không sử dụng, không đầu tư nhưng để càng lâu vẫn lên giá.
“Về chính sách, chúng ta phải làm sao để kiểm soát được các dự án đầu tư cho khả thi. Phải xác định được lộ trình dự án để đưa vào phục vụ cho phát triển kinh tế. Thứ nữa là phải phân biệt các phân khúc về thị trường. Phải lấy nhu cầu của bất động sản nhà ở làm cơ sở để quyết định đầu tư phát triển đô thị chứ không phải mục tiêu thu được tiền trong nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ kia. Tức là phải đảm bảo tính toán cân bằng cung - cầu của thị trường về bất động sản”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Trả lời đại biểu về giải pháp khắc phục hiện tượng các dự án trong lĩnh vực bất động sản chưa được phép mở bán theo luật định nhưng một số doanh nghiệp đã tiến hành huy động vốn thông qua ký kết các loại hợp đồng như là hợp đồng hứa mua, hứa bán, hợp đồng góp vốn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng các hợp đồng hứa mua, hứa bán chính là đang "lách" Luật Đất đai.
Luật Đất đai quy định chỉ đưa sản phẩm bất động sản ra thị trường khi đã có quy hoạch, có hạ tầng hay đầu tư xong nền móng… và dự án đó phải trả xong nghĩa vụ tài chính. Việc này được áp dụng bởi Bộ luật Dân sự bởi vì Bộ luật này không cấm những giao dịch hợp đồng.
“Trong Luật Đất đai cũng không quy định về vấn đề hứa bán, hứa mua và hợp đồng. Trong Bộ luật Dân sự không cấm. Vì vậy, để giải quyết căn cơ vấn đề này phải công khai tất cả quy hoạch”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.