Cần hoàn thiện khung pháp lý để tạo đột phá trong chuyển đổi số
Đây là ý kiến được trao đổi tại Tọa đàm “Đột phá trong chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2023: Kiến tạo trải nghiệm khách hàng thế hệ mới” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp cùng Công ty Backbase, Tập đoàn IEC đồng tổ chức sáng 23/11.
Toàn cảnh Tọa đàm. |
Trải nghiệm khách hàng - đích đến cuối cùng
Trao đổi tại Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, hệ thống ngân hàng đã chủ động nhập cuộc chuyển đổi số rất sớm, dù có rủi ro nhưng các nhà băng đã rất mạnh dạn thử nghiệm nhiều sản phẩm, công nghệ mới.
Điều này được thể hiện rõ qua hai năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, nếu hệ thống ngân hàng không đi trước, đổi mới công nghệ thì hoạt động kinh tế - xã hội đã có thể bị gián đoạn.
Đi qua dịch bệnh, hiện nay thanh toán số đã thực sự bùng nổ, đơn cử như việc người bán rau cũng có thể chuyển tiền, nhận tiền online trong quá trình mua bán.
Thực tế, quá trình chuyển đổi số trong các ngân hàng cũng được thúc đẩy bằng rất nhiều yếu tố và trở thành một điều tất yếu.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại Tọa đàm. |
Bà Nguyễn Thùy Dương - Chủ tịch EY Consulting Việt Nam nêu nhận định, càng ngày câu chuyện cho vay càng trở nên đắt đỏ, nguồn vốn tín dụng đang siết chặt, vậy khách hàng sẽ đặt câu hỏi liệu nên đưa lợi nhuận tích luỹ vào đâu để an toàn nhất, đem lại lợi ích tốt nhất.
Yếu tố thứ hai đó là sự cạnh tranh đến từ các công ty Fintech, khi càng ngày lực lượng này càng phát triển mạnh mẽ. Minh chứng là chỉ trong năm 2021 đã có 30 tỷ USD đầu tư vào Blockchain, 201 tỷ USD đầu tư vào Fintech, 51 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực thanh toán và có trên 25.000 công ty Fintech trên thế giới, có 4,95 tỷ người dùng internet, 6 tỷ người dùng mobile phone, 4,4 tỷ người dùng mạng xã hội… từ đó tạo áp lực cho ngân hàng phải làm sao để tối ưu hóa chi phí, thu hút người dùng.
Theo ông Phan Thanh Đức - Trưởng khoa Hệ thống Thông tin Quản lý, Học viện Ngân hàng, con số gần đây cho thấy các ngân hàng đã đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng cho chuyển đổi số và bắt đầu hưởng “trái ngọt”.
Tuy nhiên, có thể nhận thấy việc chuyển đổi số tại các nhà băng hiện nay đã theo tư duy mới. Nếu như trước kia, ngân hàng tập trung làm tốt và bán những gì ngân hàng có thì giờ đây, ngành Ngân hàng đang chứng kiến cuộc cạnh tranh làm thế nào để thấu hiểu khách hàng, đưa ra trải nghiệm khách hàng tốt nhất. Bởi lẽ hiện nay, các thế hệ, độ tuổi khách hàng đã thay đổi và sự gia tăng nhu cầu so với thực tế rất lớn, đòi hỏi các ngân hàng phải xây dựng sản phẩm mới và không ngừng nâng cấp theo hành trình trải nghiệm của các “thượng đế”.
Vẫn vướng vì hành lang pháp lý
Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó Tổng giám đốc VietinBank, cho rằng với nhiều quy định mới được ban hành cùng nỗ lực số hoá mạnh mẽ của toàn Ngành giúp cho các NHTM đạt được nhiều kết quả tích cực. Đơn cử, Thông tư 16/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn mở tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán ra đời là cú hích giúp các ngân hàng thương mại bùng nổ dịch vụ số.
Tuy nhiên trên thực tế, ngân hàng đang muốn sáng tạo nhiều sản phẩm mới hơn nữa, khuyến khích khách hàng online hoàn toàn nhưng nhiều dịch vụ như cho vay, đầu tư vẫn chưa được cho phép thực hiện online 100%.
Đại diện ngân hàng trao đổi tại Tọa đàm. |
Đại diện ngân hàng mong muốn hành lang pháp lý sẽ được hoàn thiện, cho phép các dịch vụ ngân hàng được thực hiện online 100%, như vậy mới mang tới một ngân hàng số đích thực.
Đại diện MBBank cũng cho rằng hiện khách hàng đã không còn đến quầy giao dịch nhiều nữa mà trải nghiệm trên App của ngân hàng. Vì vậy, các nhà băng đều mong muốn hành lang pháp lý nhanh chóng được hoàn thiện để hỗ trợ thêm cho quá trình chuyển đổi số.
Để hỗ trợ cho hoạt động chuyển đổi số tại các ngân hàng phát triển, các chuyên gia đồng tình tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, chính sách. Từ đó, các ngân hàng có điều kiện và cơ hội thực thi các hoạt động chuyển đổi số theo hướng dẫn, tuân thủ pháp luật. Cụ thể, đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời ban hành cơ chế cho các ngân hàng, tổ chức, doanh nghiệp chia sẻ, tiếp cận dữ liệu, phát triển hệ sinh thái người dùng...
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng chia sẻ, cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm Sandbox cũng cần sớm ban hành, thông qua Luật Giao dịch điện tử sửa đổi… từ đó giúp các ngân hàng tự tin, sẵn sàng chấp nhận rủi ro để có thể thử nghiệm những công nghệ mới. Mặt khác, quá trình hoàn thiện lang pháp lý cần phải lấy ý kiến từ thực tiễn để đảm bảo tính phù hợp.