Cần nâng tính cạnh tranh trong tài chính tiêu dùng
Thận trọng hơn với tài chính tiêu dùng | |
Tài chính tiêu dùng tìm lối đi riêng | |
Tài chính tiêu dùng: Công nghệ - ưu thế trong cuộc đua giành thị phần |
Dư địa còn lớn
Ở góc độ cơ quan quản lý và xây dựng chính sách, bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho rằng, các quy định về cho vay tiêu dùng luôn được NHNN hoàn thiện, bổ sung phù hợp với đặc thù cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, góp phần bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Trong đó hoạt động cho vay tiêu dùng được điều chỉnh bởi các văn bản: Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống là việc TCTD cho vay đối với khách hàng là cá nhân để thanh toán các chi phí cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân đó, gia đình của cá nhân đó; Thông tư số 18/2019/TT-NHNN ngày 4/11/2019 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định hoạt động cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính.
Công ty tài chính đa dạng về sản phẩm - dịch vụ mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng |
Theo các chuyên gia, với việc liên tục được hoàn thiện, bổ sung về khung khổ pháp lý đã giúp cho tài chính tiêu dùng 10 năm qua có những bước phát triển khá mạnh. TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, về quy mô thị trường, 10 năm qua tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đã có bước phát triển nhảy vọt. Dư nợ tín dụng tiêu dùng cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%). Trong đó, đối với tín dụng BĐS nhà ở đạt khoảng 1 triệu tỷ đồng (chiếm khoảng 55,5%). Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ năm 2019, loại tín dụng này được thống kê vào nhóm tín dụng BĐS). Trong 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng (gồm cả tín dụng BĐS nhà ở) tăng trưởng khoảng 20%/năm - là tương đối tích cực so với tín dụng toàn ngành (tăng khoảng 15,4%). “Tuy nhiên, nếu bóc tách phần tín dụng BĐS nhà ở, thì tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam chỉ khoảng 800 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ của nền kinh tế, thấp hơn nhiều so với các nước như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc… với tỷ trọng tín dụng tiêu dùng (không bao gồm tín dụng BĐS nhà ở) chiếm khoảng 15-35%/tổng dư nợ thì tiềm năng phát triển thị trường này tại Việt Nam là còn rất lớn”, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Về mặt sản phẩm, dịch vụ của tín dụng tiêu dùng hiện ngày càng đa dạng và hiện đại. Theo ông Nguyễn Thành Phúc - Phó tổng giám đốc FE CREDIT, khởi đầu với sản phẩm vay trả góp 2 bánh, tới nay, để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, FE CREDIT đã mở rộng thêm sản phẩm dịch vụ của mình như: trả góp thiết bị điện máy, thiết bị gia dụng, thẻ tín dụng, bảo hiểm liên kết... đáp ứng nhu cầu ngắn và dài hạn của khách hàng.
“Sự có mặt của các công ty tài chính tiêu dùng đã gia tăng cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân (đặc biệt là những người có thu nhập trung bình thấp – đây là nhóm khách hàng dưới “chuẩn” cho vay của các ngân hàng thương mại truyền thống). Như tại FE CREDIT, sau hơn 10 năm hoạt động, công ty đã và đang cung cấp dịch vụ cho hơn 11 triệu khách hàng với gần 19.000 điểm giới thiệu dịch vụ phân bổ toàn lãnh thổ Việt Nam. Và chúng tôi vẫn đang mở rộng mạng lưới hoạt động của mình để gia tăng khả năng tiếp cận nguồn tín dụng chính thống cho người dân”, ông Phúc chia sẻ.
Cần đa dạng sản phẩm, tăng tính cạnh tranh
Tuy nhiên, thị trường tài chính tiêu dùng còn có một số bất cập, theo TS. Cấn Văn Lực thì quy mô thị trường còn nhỏ, phát triển tập trung chủ yếu vào một số công ty lớn; kiến thức về tài chính - tín dụng của người dân còn hạn chế; thiếu thông tin minh bạch, dữ liệu chuẩn về khách hàng; bản thân các công ty tài chính còn khó khăn về huy động vốn (do thị trường vốn còn chưa phát triển), thông tin đôi khi còn thiếu minh bạch, năng lực nhân viên và trình độ công nghệ không đồng đều, bộ máy cồng kềnh dẫn đến chi phí hoạt động còn cao…
Trên cơ sở đó, TS. Cấn Văn Lực đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam một cách lành mạnh, bền vững như cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính (nhất là các quy định về chuẩn mực an toàn cũng như minh bạch thông tin, tiếp thị sản phẩm, quản trị rủi ro...). Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy sản phẩm tài chính gắn với công nghệ, song vẫn kiểm soát được rủi ro và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính của người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan quản lý cần tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển, nhằm tăng tính cạnh tranh thông qua việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, tiếp nhận nguồn vốn ưu đãi quốc tế… để hạn chế rủi ro tập trung vào số ít các công ty tài chính lớn. Điều này sẽ giúp giảm lãi suất, tăng đa dạng về sản phẩm - dịch vụ, mang lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng cũng như nền kinh tế.
Góp ý giải pháp để ngành tài chính tiêu dùng phát triển, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cho rằng trong điều kiện của đại dịch Covid-19 và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các công ty tài chính phải rà soát lại chiến lược kinh doanh để chuyển đổi cho phù hợp với tình hình mới, phù hợp với thị trường, đặc biệt là chuyển đổi số. “Công nghệ cần được đầu tư để tăng năng suất lao động, tối ưu hoá chi phí vận hành, có tổ chức công ty gọn nhẹ, vận hành hiệu quả, quản trị rủi ro tốt, mang tới cho khách hàng những trải nghiệm tốt, cung cấp cho khách hàng thông tin đầy đủ khi sử dụng các sản phẩm. Trên cơ sở đó, chi phí đầu ra của công ty sẽ rẻ hơn và có thể giảm lãi suất cho khách hàng, nâng cao cơ hội cạnh tranh với các công ty tài chính khác”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.