Cần nhiều nguồn vốn khác nhau để thực hiện chương trình nhà ở xã hội
Chiều 17/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp nhằm bàn cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nhà ở xã hội, tình hình triển khai, kết quả thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu trong cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội |
Chương trình quốc gia có ý nghĩa nhân văn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp; cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Tài Chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Tài Nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, cùng lãnh đạo các bộ ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trên cơ sở khẩn trương triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng, chương trình đã đạt được một số kết quả quan trọng. Trên cả nước hiện có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn (tăng 4 dự án, 6.950 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024). Trong đó, số lượng dự án hoàn thành là 75 dự án với quy mô 39.884 căn (tăng 3 dự án, 1.756 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024); số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 128 dự án với quy mô 115.379 căn; số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư: 300 dự án với quy mô 262.937 căn.
Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ, hiện nay, ngoài 04 ngân hàng thương mại nhà nước là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) thì có thêm Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại đã giải ngân với số tiền là 1.144 tỷ đồng, trong đó Agribank đã giải ngân 531 tỷ đồng, VietinBank đã giải ngân 306 tỷ đồng, BIDV đã giải ngân 134 tỷ đồng, Vietcombank đã giải ngân 2 tỷ đồng, TPBank đã giải ngân 170 tỷ đồng.
Phát biểu tại cuộc họp, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, chương trình đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp là một chương trình lớn của quốc gia và có ý nghĩa rất nhân văn, diễn ra trong vòng 10 năm. Vì là chương trình tổng thể mang tính quốc gia nên chúng ta cũng xác định cần nhiều nguồn vốn khác nhau để cùng thực hiện chương trình này; các bộ, ngành, địa phương có liên quan cùng nhau chung sức triển khai quyết liệt bằng nhiều giải pháp…
Liên quan đến Nghị định 100/2015/NĐ-CP về quản lý và phát triển nhà ở xã hội, kênh cho vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được cấp bù lãi suất từ nguồn vốn ngân sách, hiện nay dư nợ là hơn 16.000 tỷ đồng… Đối với chương trình tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, NHNN đã kêu gọi các ngân hàng thương mại tham gia. Nguồn vốn tham gia chương trình được các ngân hàng huy động từ người dân nên phải trả lãi cho người gửi tiền, ngân hàng tự nguyện cho vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% so với lãi suất cho vay trung dài hạn trong vòng 5 năm. Dư nợ cho vay hiện 1.144 tỷ đồng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại cuộc họp (Ảnh: Dương Giang) |
“Đây là chương trình cho vay trong 10 năm, hiện tại mới ở giai đoạn 2 năm đầu nên kết quả giải ngân thấp cũng là điều dễ hiểu; nguồn vốn huy động của các ngân hàng đa phần là vốn ngắn hạn còn cho vay nhà ở xã hội là trung và dài hạn; nhu cầu mua nhà ở xã hội lớn nhưng nhu cầu vay mua nhà lại nhỏ vì họ muốn đáp ứng nhu cầu có chỗ ở ngay nên lựa chọn thuê, đặc biệt là từ sau dịch Covid-19, tình hình còn rất khó khăn, người dân vẫn chưa lựa chọn vay mua sở hữu một căn nhà…” Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Bên cạnh đó, một số khó khăn vướng mắc về triển khai nhà ở xã hội còn đến từ việc nhiều tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Long An có tỉ lệ thực hiện nhà ở xã hội thấp so với mục tiêu của Đề án. Một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng các các cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai đầu tư xây dựng; một số cấp chính quyền địa phương chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt, trong thực thi nhiệm vụ. Các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội gặp khó khăn trong việc tiếp cận đất đai…
Toàn cảnh cuộc họp |
Đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc phát triển nhà ở xã hội là chính sách rất nhân văn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng, góp phần cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương của Đảng về an sinh xã hội, không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, quan điểm xuyên suốt lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Phát triển nhà ở xã hội cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ người khó khăn, nhất là gia đình trẻ, người mới xây dựng gia đình, công nhân lao động tại các khu công nghiệp, thành phố lớn, góp phần giải tỏa bức xúc xã hội.
Các bộ, ngành vào cuộc tích cực, tuy nhiên, theo Thủ tướng, vừa qua phải giải quyết, xây dựng, hoàn thiện một loạt cơ sở pháp lý liên quan vấn đề này. Đến nay, các cơ quan đã trình Quốc hội ban hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng. Các luật này đã cơ bản tháo gỡ các nút thắt, vướng mắc về thủ tục, đất đai… cho nhà ở xã hội, vấn đề là sớm đưa các quy định vào cuộc sống.
Cùng với đó, cần đa dạng hóa nguồn lực phát triển nhà ở xã hội, gồm nguồn lực từ Nhà nước, nhân dân, xã hội, các tổ chức tín dụng (gồm ngân hàng thương mại nhà nước và ngoài nhà nước) để hỗ trợ cả người bán và người mua. Các địa phương phải vào cuộc quyết liệt, tích cực với các chương trình, kế hoạch, dự án cụ thể. Các thủ tục, điều kiện cho người vay vốn để đầu tư nhà ở xã hội và người mua, thuê, thuê mua phải đơn giản hơn.