Cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp
Tham dự và phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp. Tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp bắt đầu khởi sắc ở hầu hết các tầng lớp, thế hệ người dân, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên.
Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp
Đặc biệt, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên được tổ chức hàng năm thực sự trở thành sân chơi trí tuệ, nơi hình thành các ý tưởng, những nghiên cứu khoa học, chia sẻ giá trị nhằm thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của thanh niên. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.
Vào ngày 30/10/2017, đề án “Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665) được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện.
Trong gần 5 năm thực hiện, Đề án 1665 đã thu hút được gần 2.600 dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trên 4.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp đã tổ chức hơn 3.000 cuộc thi ý tưởng sáng tạo, thu hút gần 370.000 lượt thanh niên tham gia với gần 14.000 ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ gần 16.000 dự án với tổng kinh phí gần 700 tỷ đồng…
Cho rằng đây là những tín hiệu rất đáng mừng, thành công bước đầu rất đáng trân trọng song Thủ tướng cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ sinh thái khởi nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn khoảng cách so với một số nước trong khu vực và thế giới. “Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đối với thanh niên vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản. Nhiều thanh niên có ý tưởng tốt nhưng chưa thể biến thành hiện thực, nhiều đề án, dự án còn dở dang, nhiều sản phẩm chưa được thương mại hóa”, Thủ tướng chỉ ra.
Đề án 1665 đề ra mục tiêu: "Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên và trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên... Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp…".
Theo Thủ tướng, để đạt được các mục tiêu này, để hoạt động khởi nghiệp có sự đột phá, thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các địa phương, ở tất cả các cấp, các ngành thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng, hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp, nhưng quan trọng nhất chính là tinh thần quyết tâm, khát vọng của thanh niên Việt Nam.
Thủ tướng cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V |
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu đối với các bộ, ngành, địa phương, cần tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo một cách thuận lợi nhất, hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất, rủi ro ít nhất, truyền cảm hứng, tạo động lực, thúc đẩy xu thế, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ triển khai khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm của thanh niên; khuyến khích và bảo vệ những người dám khởi nghiệp, dám đổi mới sáng tạo.
Đối với các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp; chú trọng phát hiện, khuyến khích, ươm mầm, phát triển các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp; tăng cường kết nối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nhà trường; đẩy mạnh thương mại hóa và bảo hộ các sản phẩm nghiên cứu khoa học và tăng cường huy động nguồn lực xã hội cho các hoạt động nghiên cứu, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Đối với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nỗ lực hơn nữa trong tạo động lực, truyền cảm hứng, lan tỏa khát vọng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong thanh niên; tiếp tục tạo phong trào, sân chơi, môi trường, tôn vinh, góp phần "làm bệ đỡ" nuôi dưỡng, ươm mầm cho các ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của thành niên, nhất là học sinh, sinh viên.
Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp quốc gia
Phát biểu tại Ngày hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Do đó, chăm lo, bồi dưỡng thanh niên thành lớp người “vừa hồng vừa chuyên” theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã xác định một trong những đột phá chiến lược là phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Trong đó, thanh niên được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược bồi dưỡng, phát huy nhân tố và nguồn lực con người. Chăm lo, phát triển, thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định và phát triển vững bền của đất nước.
Đại hội Đảng XIII đã chủ trương phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu-trường đại học là chủ thể nghiên cứu mạnh. Do vậy, lực lượng học sinh, sinh viên của các trường chính là lực lượng quan trọng để đào tạo, nâng cao tri thức khoa học và công nghệ và vận dụng tri thức vào thực tiễn thông qua các dự án khởi nghiệp sáng tạo.
“Để khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực thì thanh niên, sinh viên có sứ mệnh và trọng trách lớn. Đây chính là lực lượng chính để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp quốc gia, có sự nhiệt huyết, sáng tạo, sức bật lớn và nếu được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và được hỗ trợ kịp thời từ các cơ sở đào tạo, ươm tạo thì sẽ có nhiều khả năng để biến các dự án khởi nghiệp sáng tạo thành hiện thực, trở thành các startup nhiều tiềm năng, chiếm lĩnh thị trường và tạo đột phá trong tương lai”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Nhắn nhủ tới thanh niên, sinh viên, học sinh nhân dịp này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng kỳ vọng, ngoài các chương trình đào tạo tại trường đại học, cần tận dụng cơ hội để trau dồi cho mình những kỹ năng mềm, những tri thức đời sống bên ngoài sách vở để không ngừng nâng tầm tư duy, nắm bắt xu hướng công nghệ, bám sát nhu cầu thực tiễn để từ đó phát triển những ý tưởng khả thi, hiệu quả, có tính ứng dụng cao.
Các bạn trẻ cũng cần chủ động, tự tìm kiếm các cơ hội kết nối, luôn đặt mình trong một hệ sinh thái để được hỗ trợ, tư vấn trong quá trình phát triển ý tưởng. Tích cực tham gia các chương trình đào tạo, ươm tạo kết nối do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) các đối tác của NIC tổ chức; tham gia Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, Mạng lưới các Trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp do NIC khởi xướng và vận hành.
Không ngại thử nghiệm, phát triển các ý tưởng mới - nhưng đồng thời cũng chuẩn bị tinh thần chấp nhận thất bại, học hỏi từ thất bại để lại tiếp tục hoàn thiện hơn. Luôn có tinh thần cầu thị, luôn luôn tiến về phía trước và hãy để tuổi trẻ là những trải nghiệm đáng nhớ và giá trị.