Cáo buộc Việt Nam “thao túng tiền tệ” là chưa thực sự khách quan
Đây là nhận định của Khối Phân tích, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT trong Báo cáo Góc nhìn, đánh giá tác động của việc Mỹ cáo buộc Việt Nam “thao túng tiền tệ” vừa phát hành ngày 29/12/2020.
Thuyết minh cho lời nhận định trên, VNDIRECT dẫn ra 3 vấn đề:
Thứ nhất, thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong 4 quý tính đến tháng 6/2020 là 58 tỷ đô la Mỹ, đứng thứ 4 trong số các nước thặng dư thương mại lớn nhất so với Mỹ. Tuy nhiên, thặng dư thương mại chủ yếu đến từ nhóm doanh nghiệp FDI. Phần giá trị thặng dư mà Việt Nam nhận được nhờ gia công các mặt hàng xuất khẩu chính vào Hoa Kỳ như may mặc, giày dép, điện thoại, máy tính và linh kiện điện tử tương đối thấp.
Do đó, Việt Nam không được hưởng lợi nhiều từ phần thặng dư thương mại lớn với Mỹ mà thực tế công ty mẹ và những doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu đầu vào chiếm phần lớn thặng dư, bao gồm cả các doanh nghiệp Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan,…
Trong khi đó, người tiêu dùng Mỹ cũng hưởng lợi nhờ được sử dụng các sản phẩm xuất khẩu giá rẻ của Việt Nam.
Ảnh minh họa |
Thứ hai, thặng dư cán cân vãng lai trong kỳ đạt 4,6% GDP. Tuy nhiên, thặng dư cán cân vãng lai có sự đóng góp rất lớn từ lượng kiều hồi gửi về Việt Nam. Theo World Bank, lượng kiều hối gửi về Việt Nam năm 2019 đạt khoảng 17 tỷ USD, chiếm tới 6,4% GDP.
Theo quan sát của VNDIRECT, kiều hối gửi về Việt Nam với mục đích chính là trợ giúp gia đình, người thân và có xu hướng tăng trưởng ổn định qua các năm do đó ít chịu tác động bởi những biến động nhỏ của tỷ giá.
Thứ ba, VNDIRECT cho rằng việc NHNN mua ròng ngoại tệ là nhu cầu thực tế trong bối cảnh lượng kiều hối, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều đặn đổ vào Việt Nam với số lượng khá lớn (gần 40 tỷ USD mỗi năm).
Pháp luật Việt Nam hiện tại không cho phép sử dụng ngoại tệ làm phương tiện thanh toán trong nước. Do vậy, nhà đầu tư khi chuyển tiền vào Việt Nam kinh doanh thì phải đổi sang tiền đồng để giải ngân.
Tiền thu từ hoạt động xuất khẩu cũng như kiều hối khi chuyển về Việt Nam cũng phải đổi sang tiền đồng để sử dụng.
Trong bối cảnh đó, NHNN Việt Nam với tư cách là người mua cuối cùng trên thị trường, cần thiết phải thực hiện mua vào ngoại tệ để đáp ứng quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân cũng như ổn định thị trường tài chính - tiền tệ - ngoại hối. Bên cạnh đó, hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam mới ở mức 4,3 tháng nhập khẩu, thấp hơn mức bình quân của các nước có cùng trình độ phát triển với Việt Nam (nhóm nước có thu nhập trung bình thấp) là 7 tháng nhập khẩu, cũng như thấp hơn so với khuyến cáo và thông lệ chung trên thế giới (khoảng trên 5 tháng nhập khẩu).
Do đó, việc gia tăng dự trữ ngoại hối trong thời gian tới vẫn là công việc cần thiết của NHNN nhằm củng cố an ninh tài chính quốc gia.
Thứ tư, theo lý thuyết ngang giá sức mua, biến động tỷ giá hối đoái phản ánh mức chênh lệch về lạm phát giữa các nước có quan hệ thương mại với nhau. Trong những năm gần đây, lạm phát của Việt Nam bình quân khoảng 3,1%/năm trong khi lạm phát của Mỹ khoảng 1,5%/năm. Do đó, việc điều chỉnh tăng tỷ giá USD/VND khoảng 1,5%/năm trong những năm gần đây là hoàn toàn có cơ sở.
Nhận định của VNDIRECT về tác động đối với hoạt động thương mại và nền kinh tế
Trong ngắn hạn, VNDIRECT cho rằng việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ chưa có nhiều tác động trong ngắn hạn tới hoạt động xuất khẩu và nền kinh tế Việt Nam do hiện tại vẫn đang trong giai đoạn đàm phán giữa hai nước để giải quyết các bất đồng liên quan đến vấn đề thương mại và điều hành tỷ giá hối đoái. Văn phòng đại diện thương mại Mỹ (USTR) đã công bố các bước trong lộ trình giai đoạn 2 để kết luận về hành vi thao túng tiền tệ. Theo đó, phiên điều trần trực tuyến điều tra Việt Nam về định giá tiền tệ sẽ được diễn ra vào ngày 29/12/2020 và hạn chót cho các phản hồi sẽ phải gửi về trước ngày 8/1/2021. Sau đó, có thể Việt Nam và Mỹ sẽ tiến hành thêm các phiên đàm phán về thương mại và tỷ giá trước khi Bộ thương mại Mỹ có kết luận chính thức vào ngày 16/3/2021. Do vậy, VNDIRECT cho rằng từ nay đến thời hạn đó, phía Mỹ có thể chưa đưa ra các biện pháp áp thuế trên diện rộng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Về trung - dài hạn, tác động trong trung - dài hạn đối với hoạt động thương mại và nền kinh tế Việt Nam sẽ phụ thuộc lớn vào quyết định của Mỹ liên quan đến thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Trong kịch bản cơ sở, VNDIRECT kỳ vọng Việt Nam và Mỹ sẽ giải quyết được các bất đồng liên quan đến thương mại và tỷ giá thông qua đàm phán, qua đó phía Mỹ sẽ không áp thuế “trừng phạt” đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. VNDIRECT đánh giá xác suất kịch bản này là 80%.
Trong kịch bản tiêu cực (xác suất kịch bản này là 20%), nếu Mỹ và Việt Nam không đạt được thỏa thuận trên bàn đàm phán, Mỹ có thể áp thuế trừng phạt lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, VNDIRECT cho rằng Mỹ sẽ không áp thuế hàng loạt lên tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam mà chỉ đánh lên một số nhóm mặt hàng với mức thuế trừng phạt thấp hơn nhiều mức thuế 25% mà Mỹ đã áp lên hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trong thương chiến do Bộ Tài chính Mỹ nhận định tiền đồng chỉ định giá thấp khoảng 4,7% trong năm 2019.
Trong trường hợp đánh thuế, mức thuế trừng phạt có thể gần tương đương với mức thuế suất 6,2-10% mà Mỹ đã áp dụng đối với mặt hàng lốp xe của Việt Nam trong tháng 11 vừa qua. Việc Mỹ đánh thuế lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể làm chậm lại xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và làm suy yếu dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng như ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành sản xuất chế biến chế tạo vốn được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp FDI.
Trong cả hai kịch bản, VNDIRECT cho rằng Việt Nam sẽ tìm cách nhập khẩu thêm hàng hóa của Mỹ như khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), nông sản, thủy sản, ô tô, máy bay, máy móc thiết bị,…cũng như giảm thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có thể mạnh của Mỹ để phần nào giúp cân bằng hơn cán cân thương mại giữa hai nước. Trong trung hạn, Việt Nam và Mỹ có thể tìm kiếm một thỏa thuận thương mại song phương hoặc đa phương mà hai nước là thành viên để tạo nền tảng cho hoạt động thương mại bình đẳng và bền vững.
Nhận định của VNDIRECT về tác động đối với chính sách tỷ giá
Việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách thao túng tiền tệ sẽ có tác động nhất định tới chính sách tỷ giá của NHNN trong thời gian tới. VNDIRECT cho rằng NHNN sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt hơn và sát diễn biến thị trường hơn thay vì neo tiền đồng gần như cố định với đồng USD như trong giai đoạn vừa qua. Bên cạnh đó, NHNN sẽ cẩn trọng hơn trong việc mua ròng ngoại tệ liên tục với số lượng lớn và đồng nội tệ có thể chịu áp lực lên giá so với đồng USD trong năm tới. VNDIRECT dự báo, tỷ giá USD/VND sẽ biến động trong biên độ +/-0,5% trong năm 2021. VNDIRECT cho rằng tiền đồng lên giá sẽ không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu của Việt Nam trong bối cảnh các đồng tiền khác trong khu vực cũng lên giá mạnh so với đồng USD, đặc biệt là đồng nhân dân tệ (Trung Quốc).