Cấp bách đổi mới cách thức hỗ trợ thất nghiệp
Thủ tướng yêu cầu làm nhanh gói hỗ trợ vì “cuộc sống người dân không thể chờ đợi hơn” |
Thất nghiệp có thể tăng
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến cuối tháng 3/2020, do tác động của dịch Covid-19, cả nước đã có hàng chục ngàn DN phải cắt giảm quy mô sản xuất. Số người lao động mất việc làm, đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tính đến 26/3 đã đạt con số trên 153.000 người.
Tại các thành phố lớn và các tỉnh có nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… tình hình thất nghiệp của người lao động đang diễn ra phức tạp. Đơn cử trong tháng 2/2020, TP.HCM ghi nhận trên 9.800 lao động đến nộp hồ sơ để hưởng BHTN, tăng 57,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Chưa hết, chỉ trong vòng 1 tuần đầu của tháng 3 lại có thêm 2.600 lao động khác tiếp tục nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Người lao động bị DN cho nghỉ việc không lương dự kiến sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng trong các tháng 4-5-6/2020 |
Tại Bình Dương và Đồng Nai tình hình cũng không sáng sủa hơn. Kết thúc tháng 2, tại Bình Dương có trên 3.800 lao động đến nộp hồ sơ hưởng BHTN, tăng 70,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó tại Đồng Nai đến cuối tháng 2 đã có 200 DN cho hơn 8.400 công nhân tạm thời nghỉ việc. Số lượng lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ nhận trợ cấp cũng tăng đột biến 78% so với năm ngoái.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý I/2020 của cả nước chỉ đạt 3,82%, là mức thấp nhất so với cùng kỳ 10 năm trở lại đây. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, đã có khoảng 18.600 DN phải tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 26% so với cùng kỳ. Điều này cũng có nghĩa rằng, nếu tính cả số lao động phải tạm thời giảm giờ làm hoặc nghỉ việc có thời hạn, con số lao động mất việc làm sẽ đạt khoảng 440.000 - 880.000 người.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo rằng, nếu dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trong quý II/2020, các ngành công nghiệp chế biến – chế tạo, vận tải, du lịch, kho bãi và dệt may – da giày sẽ là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, và số DN cắt giảm giờ làm, sa thải người lao động sẽ tăng cao. Khi đó, số lao động mất việc xin hưởng BHTN có thể sẽ lên đến con số 1,3 – 1,5 triệu người. Và nguồn Quỹ BHTN hiện có khoảng 80.000 tỷ đồng sẽ rất khó đáp ứng nhu cầu chi trả và hỗ trợ người lao động.
Thay đổi mô hình bảo hiểm thất nghiệp
Trước thực trạng số lượng người lao động bị mất việc làm ngày càng gia tăng, trong tuần qua Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đưa ra bàn bạc về Dự thảo Nghị quyết liên quan đến hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 để sớm ban hành, triển khai trên phạm vi cả nước.
Về nội dung hỗ trợ, theo Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ, sẽ hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng trong 3 tháng từ tháng 4 đến tháng 6/2020 cho các đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các DN. Dự kiến tổng số tiền hỗ trợ từ NSNN là 5.400 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là 1 triệu lao động.
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động được vay Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, thời hạn không quá 12 tháng, mức vay tối đa theo 50% mức lương tối thiểu vùng/tháng/người để trả lương cho người lao động bị ngừng việc trong 3 tháng và có trách nhiệm trả số tiền lương ngừng việc còn lại cho người lao động. Dự kiến số tiền cho vay là 16.200 tỷ đồng, tổng số lao động được hỗ trợ là 3 triệu lao động.
Động thái trên của Chính phủ rõ ràng là một tin vui đối với người lao động ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Tuy nhiên, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp thì số tiền hỗ trợ người lao động mất việc sẽ thực sự là một thách thức không nhỏ đối với nguồn ngân sách quốc gia. Bởi việc chi hỗ trợ như Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ là một chủ trương chưa hề có tiền lệ và xét đến cùng chỉ là một giải pháp mang tính tình thế, không thể kéo dài trong nhiều tháng.
Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia tài chính phân tích rằng, cùng với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, hệ thống ngân hàng, thì các chính sách hỗ trợ người lao động, cụ thể như: chính sách trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ tài chính cho DN giữ chân người lao động… cũng cần vào cuộc và đổi mới cách thức tiếp cận để gia tăng hiệu quả.
Chẳng hạn, hiện nay Quỹ BHTN của cả nước đang có nguồn kết dư khoảng gần 80.000 tỷ đồng (tính đến tháng 7/2019). Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn quỹ này để phòng ngừa nguy cơ thất nghiệp đối với người lao động lại rất hạn chế. Đến cuối 2019, việc chi ra của Quỹ BHTN chủ yếu là để trả BHTN cho khoảng 76.300 người lao động có đăng ký tham gia. Phần chi để đào tạo nghề cho người mất việc và hỗ trợ tài chính cho DN để trả lương, không sa thải nhân viên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Trong quý I/2020 vừa qua, dù rất nỗ lực, Quỹ BHTN cũng chỉ chi trả được trên 2.100 tỷ đồng BHTN cho người lao động. Trong khi đó, số tiền để hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động sau khi mất việc chỉ vỏn vẹn 18 tỷ đồng.
Hầu hết các chuyên gia lĩnh vực bảo hiểm đều cho rằng, chính sách BHTN hiện nay của Việt Nam đang quá cứng nhắc và thiếu hiệu quả. Việc quá chú trọng vào BHTN thay vì “bảo hiểm việc làm” đang khiến việc sử dụng nguồn Quỹ BHTN bị bó hẹp và không phát huy được tác dụng phòng ngừa thất nghiệp.
Nghiên cứu các mô hình BHTN ở nhiều quốc gia trên thế giới, Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đề xuất rằng, trong thời gian tới, Việt Nam cần phải thay đổi cả về phương thức quản lý và mô hình tổ chức đối với BHTN. Theo đó, mô hình BHTN nên chuyển từ quản lý theo đơn vị hành chính sang quản lý theo hệ thống để đảm bảo sự thông suốt, nhất quán. Các biện pháp hỗ trợ cũng cần sửa đổi theo hướng xem trọng bảo hiểm việc làm. Dùng Quỹ BHTN để hỗ trợ DN và người lao động để phòng ngừa nguy cơ phá sản, thất nghiệp.
Đồng tình với đề xuất này, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp cũng cho rằng hiện nay kết dư của Quỹ BHTN khá lớn. Đây là nguồn đóng của người lao động và DN, không phải từ ngân sách Nhà nước. Vì thế, nếu đổi mới được cơ cấu, tỷ lệ chi ra cho đào tạo nghề và hỗ trợ tài chính để DN trả lương, giữ lao động thì sẽ phần nào giải quyết được tình trạng mất việc làm. Khi người lao động có việc sẽ tiếp tục đóng bảo hiểm. Từ đó tránh được tình trạng được bảo hiểm một lần và mở rộng được diện bao phủ của BHTN.