“Chấm điểm” năng lực chống chịu của kinh tế Việt Nam
Tăng trưởng cao song khó khăn chưa giảm bớt | |
Đưa kinh tế vùng Tây Nguyên phát triển nhanh, bền vững hơn | |
TP.HCM đề xuất nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế |
Năng lực chống chịu hiện ở mức trung bình - khá
Cùng với những thành tựu đã đạt được, kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn biến động do tác động bất lợi từ cú sốc bên ngoài cũng như những yếu kém nội tại. Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.
“Bối cảnh hiện nay và sắp tới còn phức tạp, nhiều bất định, rủi ro nên sức chống chịu và khả năng thích ứng là yếu tố vô cùng quan trọng, tạo hệ thống phòng vệ vững chắc bảo vệ nền kinh tế - tài chính, hệ thống doanh nghiệp và thị trường trong nước. Sức chống chịu của nền kinh tế dựa trên các trụ cột kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường nếu được xây dựng tốt sẽ giúp ứng phó linh hoạt, phù hợp, giảm thiểu rủi ro do các cú sốc về kinh tế, địa chính trị, biến đổi khí hậu, môi trường, kể cả khi xảy ra các cú sốc kết hợp”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.
Bên cạnh đó, đây cũng là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm giúp tạo tiền đề để xây dựng kinh tế độc lập, tự chủ; giảm phụ thuộc, chi phối bởi các nguồn lực bên ngoài; đồng thời mở rộng không gian phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng, hiệu quả nội tại của nền kinh tế; giúp khơi dậy tinh thần và ý chí tự lực, tự cường của toàn thể hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân; kiên định mục tiêu trở thành nước phát triển thu nhập cao, phát triển bền vững.
Trên thế giới có nhiều định nghĩa khác nhau về “năng lực chống chịu của nền kinh tế” và nhiều tổ chức uy tín quốc tế như WB, IMF, ADB, WEF, UNDP, ITU, WIPO, Moody’s, Fitch Ratings, S&P… đã xây dựng ra các bộ chỉ số khung với các nhóm chỉ tiêu khác nhau để đánh giá năng lực chống chịu của một nền kinh tế. Mỗi khung lại có những ưu, nhược điểm riêng.
Trên cơ sở đánh giá ưu, nhược điểm của bộ khung hệ thống chỉ tiêu đánh giá của các tổ chức này, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã đề xuất bộ khung phân tích về năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam, gồm 3 nhóm chỉ tiêu chính (nhóm sức mạnh kinh tế - tài chính trọng số 50%; sức mạnh thể chế và quản trị vĩ mô 25%; và nhóm về môi trường - xã hội 25%) và 20 chỉ tiêu thành phần. Nhóm nghiên cứu đã “chấm điểm” năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam theo từng tiêu chí cụ thể (tham khảo bảng bên).
Theo thang điểm 0-1, năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế Việt Nam hiện ở mức trung bình - khá, với tổng hợp điểm số về năng lực chống chịu của nền kinh tế hiện ở mức 0,6040, và giảm về mức 0,5190 nếu tính cả chỉ số điều chỉnh cú sốc. Trong đó, các chỉ tiêu thể chế và quản trị vĩ mô; chỉ tiêu kinh tế - tài chính đạt điểm số ở mức khá và khá cao, song các chỉ tiêu về môi trường - xã hội hầu hết ở mức thấp và trung bình thấp.
Cần xây dựng Bộ chỉ tiêu đánh giá năng lực chống chịu
Theo TS. Cấn Văn Lực, việc nhận diện rõ năng lực chống chịu của nền kinh tế nhằm tập trung tìm ra những điểm yếu để có biện pháp củng cố, cải thiện là rất cần thiết trong bối cảnh thế giới nhiều bất định hiện nay.
“Theo khung phân tích ban đầu này, chúng tôi cho rằng mức độ ảnh hưởng của các cú sốc đến nền kinh tế Việt Nam không quá lớn (hệ số điều chỉnh cú sốc trung bình chỉ khoảng 0,085 điểm) và Việt Nam có nhiều lợi thế để tăng trưởng, phát triển bền vững. Tuy nhiên, với những diễn biến phức tạp của bối cảnh hiện nay và sắp tới, cũng như lưu ý là rủi ro luôn đan xen, lan truyền thì các chỉ tiêu kinh tế - tài chính có sức chịu đựng trung bình luôn tiềm ẩn nguy cơ chuyển sang trạng thái rủi ro cao hơn (tức khả năng chống chịu giảm xuống) nếu thiếu các biện pháp kịp thời, hiệu quả”, ông Lực cho biết.
Để nâng cao khả năng chống chịu, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm nghiên cứu kiến nghị cần xây dựng và vận hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, đo lường khả năng chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Trên cơ sở khung phân tích ban đầu nêu trên, nên tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện Bộ chỉ tiêu đánh giá năng lực chống chịu và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế theo chuẩn quốc tế (số lượng khoảng 20-25 chỉ tiêu định lượng, có khả năng so sánh quốc tế với các trọng số phù hợp). Định kỳ hàng năm, công bố kết quả đánh giá về khả năng chống chịu của nền kinh tế, làm cơ sở để rà soát, đối chiếu với kết quả điều hành vĩ mô, kinh tế, tài chính, quản trị rủi ro, năng lực cạnh tranh của Việt Nam để có điều chỉnh phù hợp, linh hoạt.
Cùng với đó, chúng ta cần xây dựng chiến lược, giải pháp cụ thể nâng cao sức chịu đựng, tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế nói chung, của các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên như: Chất lượng tăng trưởng; phát triển cân bằng thị trường tài chính; tăng mức độ tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng nội lực, nội địa hóa các yếu tố đầu vào; tháo gỡ các rào cản tăng trưởng bền vững liên quan đến chất lượng thể chế; chú trọng giải quyết các điểm yếu về xã hội - môi trường, đặc biệt là năng lực y tế, chất lượng giáo dục, giảm khí phát thải và tăng năng lực thích ứng biến đổi khí hậu.
Cần có kế hoạch cụ thể huy động nguồn lực nhằm hiện thực hóa các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra về sức chống chịu, tính tự chủ và tự cường của nền kinh tế, nhất là các nguồn lực về tài chính, công nghệ - kỹ thuật, năng lực chuyên môn - kỹ năng, trong đó cần coi trọng nguồn lực kinh tế tư nhân trong nước, nguồn lực nước ngoài và nguồn lực từ ngân sách, Nhà nước. Quan trọng hơn là sử dụng hiệu quả và minh bạch các nguồn lực đó.
Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, truyền thông về “văn hóa kinh tế tuần hoàn, văn hóa xanh, văn hóa tự chủ, tự cường” trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để xây dựng và thực hành tốt văn hóa này, có ba điều kiện không thể thiếu, gồm: Kiến tạo môi trường khuyến khích, thúc đẩy văn hóa xanh; Có cơ chế, chính sách, quy trình cụ thể để khuyến khích cũng như chế tài trong quá trình thực hiện; Tăng cường vai trò lãnh đạo, làm gương của các cấp, người đứng đầu…