TP.HCM đề xuất nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển kinh tế
Dự Hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, ông Phan Văn Mãi kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố, đặc biệt là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quan tâm, ủng hộ, giúp sức cho thành phố đối với các nội dung hiện đang triển khai, trình Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét.
Theo đó, thành phố đề nghị ủng hộ để Bộ Chính trị xem xét ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tiềm năng và sứ mệnh của TP.HCM giai đoạn mới và giao trọng trách để thành phố và các cơ quan Trung ương tập trung triển khai thực hiện tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.
Trước mắt, cho phép TP.HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết năm 2023; đồng thời Quốc hội bổ sung cho thực hiện thí điểm đồng bộ thêm một số nhóm nội dung có liên quan đến quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; cơ chế xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế; trong đó tập trung cơ chế chính sách phát triển thị trường tài chính quốc tế tại TP.HCM; chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số và khởi nghiệp sáng tạo; chính sách và cơ chế phát triển thành phố Thủ Đức…
Về lâu dài, Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố theo các nguyên tắc những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa phù hợp thì cho làm thí điểm; những cơ chế, mô hình mới, chính sách đặc thù không ảnh hưởng đến sự điều hành chung của Chính phủ và lợi ích của các địa phương khác, mang mục đích tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị TP.HCM trong đó, về tài chính là cơ chế tạo ra nguồn thu (để tăng chi, nhất là chi cho đầu tư phát triển) mà không tăng tỷ lệ điều tiết của ngân sách chung…
Ông Phan Văn Mãi cũng đề xuất Đoàn đại biểu Quốc hội, Chính phủ quan tâm, ủng hộ để Bộ Chính trị sớm có chủ trương, định hướng cho Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có TP.HCM; quan tâm đóng góp tích cực và hiện thực hóa quan điểm mục tiêu Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045…
Theo thống kê của UBND TP.HCM, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 9 tháng đầu năm của TP.HCM ước tăng 9,97% so với cùng kỳ, trong đó GRDP quý 3 ước tăng 30,02%; các chính sách điều hành của Trung ương và Thành phố đã phát huy hiệu quả tích cực, phù hợp tình hình thực tế trong từng giai đoạn. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 350 ngàn tỷ đồng, đạt 90,5% dự toán năm và tăng 27,7% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố ước đạt 35,96 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 47,8 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 19,6% so với cùng kỳ, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 24,4% so với cùng kỳ. Khách du lịch nội địa đến TP.HCM ước đạt 20,61 triệu lượt, tăng 66,1% so với cùng kỳ; Khách quốc tế đến TP.HCM ước đạt 2,11 triệu lượt, tăng 100%.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, TP.HCM tiếp tục phát huy sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn hiện nay đưa thành phố tiến bước nhanh hơn nữa.
Theo Chủ tịch nước, sau đại dịch, kinh tế - xã hội của thành phố đã có những kết quả đáng ghi nhận. Điều này thể hiện tinh thần quyết tâm đổi mới, đồng thời là sự động viên lớn cho thành phố. TP.HCM có thể tỏa sáng dựa trên khoa học công nghệ và sức trẻ nhằm nâng chất lượng tăng trưởng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, thành phố và các bộ ngành tham dự hội nghị thảo luận trực tiếp những khó khăn của thành phố để tháo gỡ. Đặc biệt mạnh dạn góp ý giải pháp tháo gỡ sớm cho thành phố với cơ chế, thể chế, chính sách để thành phố có điều kiện phát triển thuận lợi hơn.
“Quan điểm của Trung ương là thống nhất cho thành phố cơ chế đặc biệt để năng động hơn. TP.HCM đi trước, thí điểm trước những chủ trương của Trung ương từ đó có những tham vấn”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.