Tăng trưởng cao song khó khăn chưa giảm bớt
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh bền vững | |
Động lực tăng trưởng đang đối mặt với nhiều rủi ro |
Lạc quan
Theo ước tính của các chuyên gia Ngân hàng Standard Chartered, trên nền tăng khá cao của cùng kỳ năm trước, tăng trưởng GDP quý IV năm nay dự kiến sẽ chỉ đạt 4%. Nhưng dù chỉ tăng ở mức đó thì tăng trưởng GDP cả năm nay cũng đã đạt mức 7,5%, vượt xa cả những năm trước đại dịch Covid-19. Vì vậy trong báo cáo cập nhật mới đây, Ngân hàng Standard Chartered đã điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam từ 6,7% trước đó lên 7,5% cho năm 2022; và từ 7% lên 7,2% cho năm 2023.
Trước đó, rất nhiều tổ chức quốc tế đều đánh giá tích cực về tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam. Các dự báo lạc quan khi cho rằng, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2022 và 2023 thuộc nhóm cao nhất Đông Nam Á (Moody, WB, IMF, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7%, 6,5%). Moody’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng ổn định. Trong khi Nikkei Asia xếp Việt Nam ở vị trí thứ 2 về chỉ số phục hồi sau dịch Covid-19.
GDP tăng trưởng tích cực nhưng áp lực lạm phát rất lớn |
Với việc gdp quý III vừa qua tăng tới 13,7% so với cùng kỳ năm trước và đà phục hồi vẫn đang diễn ra tích cực, nhiều dự báo trong nước cho rằng mức tăng trưởng GDP 7,5-8% cho cả năm nay là rất khả thi. Ví dụ theo cập nhật triển vọng của Tổng cục Thống kê, để đạt mức 7,5%, tăng trưởng quý IV chỉ cần đạt mức 4,14% - là tăng thấp nhất các quý trong năm; còn để tăng trưởng GDP đạt 8%, quý IV cần tăng ở mức 5,9%. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu quý IV đạt mức tăng trưởng là 5,9% (kịch bản 1), tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ khoảng 8%; nếu quý IV đạt mức tăng 6,6% (kịch bản 2), cả năm sẽ đạt khoảng 8,2%. Các dự báo tăng trưởng quý IV nêu trên khá sát với những kịch bản Chính phủ đã đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP.
Tuy nhiên các chuyên gia và tổ chức cho rằng, dù các động lực tăng trưởng tiếp tục đà phục hồi sẽ giúp tăng trưởng GDP cả năm nay tích cực, nhưng các thách thức, khó khăn vẫn còn rất lớn, trong ngắn hạn có thể khiến tăng trưởng quý IV chậm lại và thậm chí có thể tác động tiêu cực đến triển vọng năm tới. Những thách thức này đến từ cả phía cung (một số ngành sản xuất công nghiệp có dấu hiệu tăng chậm lại, tỷ lệ tồn kho của công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đang ở mức cao so với cùng kỳ các năm 2019 và năm 2020; một số ngành dịch vụ chưa thực sự phục hồi…) và cầu (tăng trưởng xuất khẩu đối mặt với áp lực giá nguyên nhiên vật liệu cao trong khi nhu cầu giảm; du lịch khách quốc tế thấp; vốn FDI đăng ký cấp mới, đăng ký điều chỉnh giảm khá mạnh so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công chậm...).
Nhưng không được chủ quan
Đặc biệt, rủi ro lớn nhất hiện nay đối với nền kinh tế là áp lực lạm phát lớn. Theo ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, lạm phát hiện vẫn trong tầm kiểm soát nhưng áp lực giá cả dự kiến sẽ mạnh lên trong những tháng còn lại của năm 2022 và trong năm 2023. Bên cạnh các yếu tố từ phía nguồn cung, áp lực từ phía nguồn cầu cũng ngày càng gia tăng; cùng với đó là áp lực đến từ chính sách thắt chặt tiền tệ của các NHTW lớn. “Chúng tôi dự báo lạm phát sẽ tăng dần trong năm sau và đạt 6% vào cuối năm, mức lạm phát trung bình của cả năm 2023 sẽ đạt 5,5%. Lạm phát là một mối đe dọa đối với quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam”, ông Tim Leelahaphan nhận định.
“Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tăng lãi suất mạnh tay hơn nếu lạm phát tiếp tục gia tăng và tiền Đồng (VND) giảm giá mạnh hơn dự báo khi Fed vẫn tiếp tục duy trì cách tiếp cận khá diều hâu. Chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cảnh giác với các rủi ro về lạm phát và bất ổn tài chính, bên cạnh việc hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi từ đại dịch COVID-19”, ông Tim Leelahaphan cho biết. Các chuyên gia của Standard Chartered dự báo nếu các áp lực như vậy gia tăng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ và thực hiện nâng lãi suất tái cấp vốn thêm 2 lần, mỗi lần 50 điểm cơ bản vào quý IV/2022 và quý I/2023, đưa mức lãi suất tái cấp vốn lên 6%, sau khi đã nâng lãi suất thêm 100 điểm cơ bản lên 5% vào ngày 22/9 vừa qua.
Như vậy, dù tăng trưởng kinh tế năm nay dự báo rất tích cực nhưng các động lực tăng trưởng vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, trong khi lạm phát vẫn là áp lực không thể xem nhẹ và các rủi ro trên thị trường tài chính tiền tệ vẫn còn… Thực tế đó đòi hỏi chúng ta không thể chủ quan.
Quý IV/2022 có ý nghĩa quan trọng, là thời gian “nước rút” để “về đích” với nhiều chỉ tiêu, mục tiêu đặt ra chứ không chỉ con số tăng trưởng. Bởi vậy như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh: "Những kết quả đạt được là rất tích cực và đáng mừng, song chúng ta không được lơ là, chủ quan; không say sưa với những gì đạt được vì trước mắt chúng ta còn rất nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt, phải xử lý". Kiên trì và nhất quán thực hiện mục tiêu ưu tiên, xuyên suốt là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó, việc điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và phối hợp hiệu quả với các chính sách khác; bảo đảm an ninh, an toàn về tiền tệ, tín dụng, tài chính cũng như quản lý, kiểm soát giá cả hàng hóa, dịch vụ thiết yếu… là rất quan trọng trong thời điểm hiện nay.