Chậm hoàn VAT ảnh hưởng đến môi trường đầu tư
Sửa thuế, doanh nghiệp lại phải thay hợp đồng Tăng cường quản trị tài chính - kế toán - thuế trên nền tảng số |
Hiện tại, công ty đang chuẩn bị cho quá trình xin cấp Giấy chứng nhận GMP. Các sản phẩm của công ty trong lĩnh vực y tế, yêu cầu độ chính xác cao và khắt khe, vì thế dự kiến sẽ phải mất tối thiểu 3 năm để có thể sản xuất được thuốc.
Chậm hoàn thuế VAT khiến công ty gặp khó khăn rất lớn về chi phí nghiên cứu và tuyển dụng |
Cuối tháng 2/2023, sau khi đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy và lắp đặt máy móc, trang thiết bị, công ty đã nộp hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) lên Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết “chưa đủ điều kiện hoàn thuế vì thiếu bản sao của một trong các giấy phép sau: giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện” và hiện tại, Cục Thuế đang hoãn việc hoàn thuế VAT cho công ty.
Hiện công ty đã được cấp Giấy Chứng nhận Đầu tư, Giấy Chứng nhận Đăng ký doanh nghiệp cũng như được Bộ Y tế cấp phép. Thêm vào đó, công trình xây dựng của công ty cũng đã hoàn tất và đã được chứng nhận hoàn công. Công ty không đồng ý với ý kiến của Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh về việc “phải có thêm giấy phép hoặc chứng nhận” liên quan đến phần đầu tư nhà máy. Hiện tại, vấn đề chậm hoàn thuế VAT khiến công ty gặp khó khăn rất lớn về chi phí nghiên cứu và tuyển dụng chuyên gia phục vụ cho hoạt động sản xuất.
Tương tự, Công ty TNHH Điện tử Samsung CE Complex (Khu Công nghệ cao, TP.Thủ Đức) cũng đang gặp vướng mắc đối với vấn đề hoàn thuế VAT khiến doanh nghiệp khá “bức xúc”. Cụ thể, năm 2021 nhà máy của công ty chính thức nhận được phê duyệt trở thành doanh nghiệp chế xuất (EPE). Tuy nhiên thời điểm trước và sau khi được chuyển đổi loại hình doanh nghiệp đã có phát sinh vấn đề hoàn thuế VAT.
Cụ thể, công ty đến nay vẫn chưa được nhận hoàn thuế cho số thuế VAT tháng 4/2021 với số tiền khoảng 24 triệu USD, tức ngay trước thời điểm chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ ngày 1/5/2021, và số thuế VAT trong vòng 18 tháng từ tháng 6/2021 đến tháng 12/2022 với số tiền khoảng 20 triệu USD. Tổng cộng hai khoản trên là khoảng 44 triệu USD.
Từ tháng 7/2022, Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh cũng đã thực hiện việc kiểm tra trước hoàn thuế trong vòng 2 tháng để đánh giá tính phù hợp, đồng thời 2 lần gửi công văn báo cáo kết quả kiểm tra cho Tổng cục Thuế để kiến nghị hướng dẫn quyết định cuối cùng về việc hoàn thuế.
Đại diện của Công ty TNHH Điện tử Samsung CE Complex cho biết thêm, liên quan vấn đề này, ngày 3/7 vừa qua, Tổng cục Thuế đã chủ trì cuộc họp với các bên tham gia gồm có Vụ Pháp chế, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan thuộc Bộ Tài chính, Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh và đại diện của công ty. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có bất cứ quyết định nào được đưa ra.
“Không riêng Samsung, mà các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khác bao gồm cả một số nhà cung cấp vật tư của Samsung cũng đã và đang gặp những khó khăn lớn nhỏ về việc hoàn thuế VAT. Công ty Samsung đề nghị và UBND TP. Hồ Chí Minh cùng Cục Thuế, Cục Hải quan thành phố cần tích cực hơn nữa trong việc giải quyết vấn đề này”, đại diện Công ty TNHH Điện tử Samsung CE Complex nêu ý kiến.
Bàn về vấn đề này, ông Choi Bundo, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc (Kocham) cho biết, vừa qua một số công ty Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh đã và đang gặp khó khăn trong việc hoàn thuế VAT. Ngoài ra, mới đây Kocham còn nhận được thêm thông tin một số doanh nghiệp không thực hiện được việc hoàn thuế liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ.
Thực trạng này đã và đang gây thêm khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Hàn Quốc. Vì vậy, Kocham đề nghị các cơ quan hữu quan của Việt Nam sớm dỡ bỏ những “rào cản” này để môi trường đầu tư thuận tiện, cởi mở hơn.