Bức tranh bất động sản sáng hơn khi niềm tin được củng cố
Bộ Xây dựng: Không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn Lợi nhuận đầu tư chung cư tăng nhiều nhất trong các loại hình bất động sản |
Theo bà Phạm Thị Miền - Phó Ban Nghiên cứu thị trường và xúc tiến đầu tư bất động sản (thuộc Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam - VARS), hiện cơ cấu nguồn cung bất động sản phần lớn vẫn là các sản phẩm thấp tầng, đất nền, chiếm 53% tổng lượng cung nhà ở cả nước. Nguồn cung mới tập trung chủ yếu ở thị trường khu vực Tây Nam Bộ chiếm 44% cả nước.
Phân khúc căn hộ trung cấp có giá 25-50 triệu đồng/m2 và cao cấp 50-80 triệu đồng/m2 tiếp tục dẫn đầu nguồn cung căn hộ mới trong quý, chiếm lần lượt 53% và 34% tổng nguồn cung căn hộ đang mở bán. "Thị trường hầu như không có căn hộ bình dân, giá dưới 25 triệu đồng/m2. Tổng nguồn cung căn hộ chung cư bình dân giảm 98% so với năm 2019. Chung cư có mức giá này chỉ có tại một số ít dự án nhà ở thương mại tại khu vực xa trung tâm các thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tại các đô thị loại I trở xuống", bà Miền cho hay.
Giá căn hộ chung cư ở các thành phố lớn tiếp tục ghi nhận ở ngưỡng cao do các dự án mới mở bán chủ yếu là dự án cao cấp, trung bình 52 triệu đồng/m2 tại Hà Nội, tăng 1,46% so với quý I và 67 triệu đồng/m2 tại TP. Hồ Chí Minh, giảm 4,6% so với quý I. Giá giao dịch các sản phẩm cao cấp tại thị trường thứ cấp (trên 20 tỷ đồng) có sự điều chỉnh giảm mạnh.
Thị trường bất động sản công nghiệp, theo bà Miền, là tiếp tục “sáng cửa” bất chấp khó khăn chung của thị trường và sự suy giảm thương mại toàn cầu. Nhiều dự án đầu tư khu công nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư, bắt đầu triển khai các giai đoạn tiếp theo.
Hiện các cơ quan chức năng đang soạn thảo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Việc này sẽ có tác động tích cực đến thị trường nhà ở và bất động sản, cải thiện mạnh mẽ niềm tin vào môi trường đầu tư, tạo sự minh bạch và ổn định cho thị trường nhà ở và bất động sản tại Việt Nam. Điều này đặc biệt cần thiết cho việc phục hồi và phát triển bền vững của thị trường bất động sản Việt Nam.
"Các chính sách mới khi được thông qua cũng sẽ giúp thị trường bất động sản của Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài khác", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chia sẻ.
Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành thêm các cơ chế, chính sách mới nhằm tăng tính đồng bộ cho các giải pháp hỗ trợ thị trường. Gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng sẽ bắt đầu được giải ngân sớm nhất cho các dự án đúng đối tượng. Số lượng khách hàng tiếp cận được các gói vay với lãi suất ưu đãi sẽ tăng dần, góp phần hồi phục thị trường nhanh hơn.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho biết, đến cuối quý III, phân khúc nhà ở bình dân sẽ có dấu hiệu hồi phục rõ rệt hơn. Các thương vụ M&A hoàn tất bước thăm dò, khảo sát trong quý II sẽ tiếp tục chuyển sang bước đàm phán, thương lượng trong quý III và rất có thể thị trường sẽ chứng kiến một vài thương vụ thành công đầu tiên trong quý IV/2023.
Theo các dự báo, thị trường bất động sản Việt Nam hết năm 2023 còn trầm lắng, chỉ có thể phục hồi, phát triển lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chuẩn mực hơn từ quý II hoặc quý III/2024 nhờ những bước tiến về môi trường pháp lý, triển vọng tăng trưởng kinh tế khả quan và sự phát triển hạ tầng đồng bộ.
Phân khúc căn hộ có thể phục hồi vào năm 2024, phân khúc nhà ở xã hội sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng sẽ phục hồi vào năm 2024-2025 nhờ sự phát triển của khách du lịch. Còn homestay là phân khúc hồi phục chậm nhất trong các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng hậu Covid-19. Trong khi đó, phân khúc bất động sản khu công nghiệp, dự báo trong giai đoạn 2023-2025 sẽ phát triển, nhất là khu công nghiệp quy mô lớn, chất lượng cao như mô hình khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp đô thị dịch vụ.