Chiến lược tài chính toàn diện: Ngân hàng đóng vai trò quan trọng
IFC luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện | |
Chuyển đổi số để thực hiện chiến lược tài chính toàn diện |
Việc nộp thuế, phí, lệ phí hải quan qua ngân hàng đã giúp tiết kiệm nhiều thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp |
Gắn chiến lược kinh doanh vào tài chính toàn diện
Ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chiến lược). Theo Chiến lược, mọi người dân và doanh nghiệp đều được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững.
Trong đó, cả nước phấn đấu đến cuối năm 2025 đạt được một số chỉ tiêu cụ thể: Ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính; ít nhất 25% - 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại TCTD; Số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đạt tốc độ tăng 20% -25% hàng năm...
Để đạt được mục tiêu trên, sẽ cần rất nhiều giải pháp trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, kênh phân phối hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản; phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cơ bản… Các chuyên gia khẳng định, việc thực thi tài chính toàn diện sẽ là sự đóng góp vô cùng quan trọng cho quá trình giảm nghèo đói, bất bình đẳng xã hội, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Khái niệm tài chính toàn diện đa dạng theo từng quốc gia phụ thuộc vào mục tiêu của từng nước đối với tài chính toàn diện. Tuy vậy tựu chung lại thì tài chính toàn diện là phương tiện cung cấp dịch vụ tài chính tới những đối tượng thiếu tiếp cận dịch vụ tài chính và bao hàm ba yếu tố cấu thành là tiếp cận, sử dụng và chất lượng dịch vụ tài chính.
Rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ngân hàng luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện tại các quốc gia. Từ năm 2016, NHNN đã hợp tác cùng nhóm Ngân hàng Thế giới xây dựng một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, trong đó chú trọng thúc đẩy TTKDTM trên nền tảng công nghệ; cung cấp dịch vụ tài chính tới vùng nông thôn và vùng cao. Việt Nam cũng là một trong nhóm 25 quốc gia ưu tiên tập trung cho các nỗ lực về tài chính toàn diện trong sáng kiến Phổ cập tiếp cận tài chính (UFA) đến năm 2020 với mục tiêu giúp cho 2 tỷ người hiện nay chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng được tiếp cận với hệ thống tài chính chính thức.
ThS. Trần Thị Thu Hường - Khoa Ngân hàng thuộc Học viện Ngân hàng nhận thấy, để có thể thúc đẩy tài chính toàn diện, NHNN cần có chính sách khuyến khích các NHTM phát triển tài chính toàn diện thông qua việc mở rộng đối tượng khách hàng ưu tiên và hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch để tăng khả năng tiếp cận tài chính của người dân, nhất là với Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Tín dụng nhân dân là những tổ chức có mạng lưới chi nhánh lớn tại các khu vực nông thôn.
Cùng với đó, các ngân hàng cần nghiên cứu thiết kế sản phẩm phù hợp với nhu cầu của các nhóm khác nhau, đặc biệt là các sản phẩm tiết kiệm và thanh toán vì thực tế, quy mô tiết kiệm của người dân tại các khu vực nông thôn còn khá nhỏ, đó là chưa kể mức độ tổn thương của các gia đình thuờng cao do sản xuất kinh doanh phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Cùng chung quan điểm, một chuyên gia tài chính cũng cho rằng, bản thân các ngân hàng cần tự xây dựng Chiến lược tài chính toàn diện thông qua phát triển mô hình kinh doanh với lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, ngân hàng cần thiết hợp nhất chiến lược tài chính toàn diện với chiến lược kinh doanh của chính ngân hàng. “Ngân hàng cần xem xét tài chính toàn diện như là một cơ hội kinh doanh lớn và hoàn thiện mô hình kinh doanh”, vị này chia sẻ.
Thanh toán điện tử là đòn bẩy
Thực tiễn cho thấy, các thành tựu về công nghệ số là động lực quan trọng và là phương tiện duy nhất để đạt được những kết quả đột phá về tài chính toàn diện ở nhiều quốc gia trong những năm gần đây. Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, thông qua việc ứng dụng công nghệ số, các TCTD có thể phát triển các kênh cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử, xóa nhòa các rào cản về không gian và thời gian, cho phép cung cấp dịch vụ tài chính với chi phí rẻ hơn, tạo điều kiện cho người nghèo, người ở khu vực vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận dịch vụ ngân hàng mọi lúc, mọi nơi, giúp họ cải thiện đời sống.
Cùng với sự phát triển của CNTT và viễn thông, hoạt động thanh toán tại Việt Nam cũng có những bước phát triển vượt bậc với hàng loạt các loại hình dịch vụ TTKDTM mới ra đời. Hạ tầng thanh toán được đầu tư và mở rộng cả về quy mô và chất lượng. Tính tới cuối năm 2019, có trên 78 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và hơn 47 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động, toàn thị trường hiện có hơn 19.000 ATM và hơn 280.000 POS, hơn 500.000 điểm chấp nhận thanh toán qua QR Code.
Đặc biệt, trong thanh toán dịch vụ công, một điểm đáng mừng là hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã được kết nối với toàn bộ 63 Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh trong cả nước, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách của người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng, kịp thời.
Ông Phạm Tiến Dũng - Vụ trưởng Vụ Thanh toán cũng thông tin, hiện đã có 50 ngân hàng hoàn thành kết nối thanh toán thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan trên 63 tỉnh/thành phố, 95% số thu ngân sách qua hải quan được thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử; 27 ngân hàng và 10 tổ chức trung gian thanh toán đã phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của tổng công ty thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%;... 30 bệnh viện đã kết nối triển khai thanh toán viện phí điện tử, một số bệnh viện đã đạt 35% số lượng giao dịch thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; tổng số tiền chi các chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân trên cả nước chiếm khoảng 23 % tổng số tiền chi...
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, một chuyên gia chia sẻ, cần có quy định các tổ chức cung cấp dịch vụ trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, điện, nước, viễn thông... phải đạt được một tỷ lệ doanh thu nhất định qua thẻ hoặc chuyển khoản và tỷ lệ này phải tăng theo thời gian cùng với sự phát triển thanh toán điện tử của đất nước. Với giải pháp về công nghệ, bản thân các NHTM phải hiện đại hoá hệ thống Core Banking và các ứng dụng phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử đa dạng, linh hoạt.
Song song với đó hiện đại hoá hệ thống quản lý quan hệ khách hàng khi thông tin khách hàng phải được tập trung thành cơ sở dữ liệu dùng để nghiên cứu, phân tích cũng như thống nhất chính sách của ngân hàng với khách hàng khi sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử khác nhau. Cần có hệ thống quản lý thông tin sinh trắc học của khách hàng như vân tay, giọng nói... làm tiền đề phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử.