Chính sách tiền tệ toàn cầu trước vòng xoáy lạm phát
Fed sẽ tăng tiếp lãi suất ECB có thể tăng lãi suất thêm hai lần nữa BoE bất ngờ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản |
Ảnh minh họa |
Với một đợt tăng lãi suất khác mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dự kiến thực hiện vào tháng Bảy, và một số ngân hàng khác cũng có xu hướng tương tự, thước đo tổng hợp về lãi suất do Bloomberg Economics tính toán hiện cho thấy mức cao nhất là 6,25% trong quý hiện tại. Con số này tăng từ mức 6% được dự báo cách đây ba tháng.
Con số đó cũng cho thấy có sự khác biệt giữa các ngân hàng trung ương. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng vào tháng trước, trong khi các ngân hàng trung ương từ Ấn Độ đến Nam Phi hiện đang duy trì chính sách nới lỏng.
Ngược lại, các quan chức ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ bắt đầu thắt chặt chính sách của mình và những người đồng cấp ở Nga có thể sắp theo sau. Một ngày nào đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng sẽ dần tiến tới việc loại bỏ các biện pháp kích thích.
Khắc phục sự khác biệt về lãi suất trên bình diện toàn cầu là "bài toán khó" với các ngân hàng trung ương ở hai bên bờ Đại Tây Dương. Các quan chức, đáng chú ý nhất là tại Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), đang phải đối mặt với áp lực lớn trong triển vọng lạm phát, nhưng những ngân hàng trung ương khác đã tạm dừng tăng lãi suất để xem liệu việc thắt chặt chính sách cho đến nay có cần thêm thời gian để nhìn rõ hơn hiệu lực của nó hay không.
Dù thế nào đi chăng nữa, các nhà hoạch định chính sách vẫn quan tâm đến việc tiếp tục tăng lãi suất, chẳng hạn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) - những người đang bước vào giai đoạn do dự hơn khi họ ngày càng phải theo dõi sát hơn tác động đối với tăng trưởng kinh tế.
Các chuyên gia kinh tế nói gì?
"Lãi suất cần cao bao nhiêu? Đây là câu hỏi lớn đối với các nhà đầu tư trong nửa đầu năm 2023. Đối với nhiều ngân hàng trung ương, chúng tôi đang tìm câu trả lời đó. Chặng đầu tiên của cuộc chiến chống lạm phát sắp kết thúc và lãi suất sẽ sớm tăng cao. Đối với phần còn lại, câu hỏi lớn là trong bao lâu? Dự báo của chúng tôi cho thấy lạm phát cơ bản đang giảm dần. Nếu không có suy thoái kinh tế diễn ra đột ngột, việc cắt giảm lãi suất ở các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ, Khu vực đồng euro và Vương quốc Anh khó có thể xảy ra cho đến giữa năm 2024”, chuyên gia kinh tế trưởng về châu Âu của Bloomberg, Jamie Rush nói.
Dưới đây là báo cáo theo quý của Bloomberg về các ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới, chiếm phần lớn nền kinh tế toàn cầu.
Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed)
Lãi suất hiện tại (giới hạn trên) của Fed là 5,25%. Dự báo của Bloomberg Economics đến cuối năm 2023 là 5,5%, đến cuối năm 2024 là 4,75%. Trong khi đó, dự báo của thị trường là lãi suất của Fed sẽ tăng thêm 25 điểm cơ bản vào tháng Chín, có thể tăng thêm vào tháng 11, sau đó cắt giảm 5 điểm cơ bản vào năm tới.
Các quan chức Fed đang tính chuyện tiếp tục tăng lãi suất, mặc dù gần đây họ đã tạm dừng sau 10 lần tăng liên tiếp, khi họ cố gắng làm chậm lại nền kinh tế Mỹ đang hồi phục và thị trường lao động nóng hơn để hạ nhiệt lạm phát. Các nhà hoạch định chính sách dự báo lãi suất sẽ đạt đỉnh 5,6% trong năm nay, ngụ ý rằng sẽ có hai lần tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản từ mức hiện tại.
Chủ tịch Jerome Powell cho biết vào tháng trước rằng gần như tất cả các quan chức đều kỳ vọng lãi suất sẽ tăng cao hơn, đồng thời dự báo về hai lần tăng nữa là một “kịch bản khá tốt” nếu nền kinh tế hoạt động như mong đợi. Các nhà đầu tư dự đoán mức cao nhất khoảng 5,25%, sau đó Fed sẽ cắt giảm vào quý đầu tiên của năm 2024.
Các quan chức Fed đã nhấn mạnh rằng có rất nhiều điều không chắc chắn về triển vọng lãi suất khi họ đánh giá sự sụp đổ của các ngân hàng gần đây đang ảnh hưởng đến các điều kiện tín dụng như thế nào, gây thêm áp lực cho dữ liệu sắp tới.
“Lạm phát cơ bản tăng cao có thể sẽ khiến Fed tăng phạm vi mục tiêu lãi suất quỹ liên bang thêm 25 điểm cơ bản, đưa mức lãi suất cao nhất lên 5,5%. Nhưng nếu hoạt động kinh tế hạ nhiệt và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng sẽ khiến các nhà hoạch định chính sách không thể tiếp tục tăng lãi suất sau đó. Bất chấp suy thoái, Fed có thể sẽ chọn giữ lãi suất chính sách ở mức cao nhất là 5,5% trong thời gian còn lại của năm thay vì cắt giảm lãi suất”, chuyên gia phân tích Anna Vương của Bloomberg nói.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB)
Lãi suất tiền gửi hiện tại của ECB là 3,5%. Dự báo của Bloomberg Economics đến cuối năm 2023 là 4%, đến cuối năm 2024 là 3,25%. Dự báo của thị trường là ECB sẽ tăng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm nữa để đạt 4% vào cuối năm, sau đó là cắt giảm với cùng mức vào cuối năm 2024.
Bất chấp việc tăng lãi suất 400 điểm cơ bản chưa từng có trong vòng một năm, thông điệp rõ ràng từ ECB là họ vẫn đang kiểm soát tình hình. Một đợt tăng lãi suất khác trong tháng Bảy của ECB về cơ bản đã được thông báo trước và những lời kêu gọi tạm dừng sau đó đang bị những người có quan điểm diều hâu át đi.
Lạm phát cơ bản cao dai dẳng là mối lo ngại, với một số thành viên Hội đồng quản trị ECB khẳng định rằng nó phải ổn định theo một xu hướng giảm rõ ràng trước khi có thể xem xét tạm dừng tăng lãi suất. Nhưng kể cả có tạm dừng, nhiều người vẫn lo ngại hậu quả kinh tế của việc tăng lãi suất bổ sung của ECB. Dữ liệu gần đây cho thấy tăng trưởng trong Khu vực đồng euro gồm 20 quốc gia đang suy yếu, dẫn đầu là Đức.
“ECB sắp kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Lạm phát cơ bản đã lên đến đỉnh và việc thắt chặt tiền tệ đang có tác động đáng kể đến các điều kiện tín dụng. Bloomberg Economics dự báo ECB sẽ có hai lần tăng 25 điểm cơ bản nữa vào tháng Bảy và tháng Chín. Điều đó sẽ khiến lãi suất lên mức 4,00%. Chúng tôi kỳ vọng đợt cắt giảm đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng Sáu năm sau khi lạm phát cơ bản giảm tốc”, chuyên gia David Powell của Bloomberg nói.
Ngân hàng Trung ương Nhật bản (BOJ)
Lãi suất hiện tại của BOJ đang ở -0,1%. Dự báo của Bloomberg Economics đến cuối năm 2023 là -0,1%, đến cuối năm 2024 là 0%. Trong khi đó, dự báo thị trường là lãi suất của BOJ sẽ vẫn ổn định ở mức -0,1% cho đến năm sau.
Thống đốc mới của BOJ - ông Kazuo Ueda - cho đến nay đã khiến những người tham gia thị trường ngạc nhiên với quan điểm ôn hòa kể từ khi nắm quyền. Điều đó đã khiến các chuyên gia kinh tế rút bớt quan điểm về khả năng điều chỉnh chính sách để giúp đẩy lợi suất trái phiếu ra khỏi mức trần mà BOJ đang kiểm soát.
Những người theo dõi BOJ hầu hết đều tin rằng việc nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục như ông Ueda đã cam kết. Câu hỏi còn lại là liệu ông Ueda có sớm loại bỏ hay điều chỉnh việc kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) như một biện pháp giảm tác dụng phụ của kích thích kinh tế trước khi có một động thái lớn hơn sau này. Một phần ba các chuyên gia kinh tế dự đoán ông Ueda sẽ làm điều đó vào tháng Bảy, khi ngân hàng được cho là sẽ tăng dự báo về triển vọng giá cả.
“BOJ cảm thấy đầy hy vọng sau sụp đổ của các ngân hàng Mỹ gần đây, bởi sự hỗn loạn của thị trường buộc các nhà đầu cơ phải ngừng gây sức ép lên YCC. Điều đó khiến Thống đốc Ueda tập trung hơn vào việc cố gắng giữ lạm phát ở mức bền vững hơn. BOJ có thể sẽ giữ nguyên YCC cho đến khoảng nửa cuối năm 2024. Và bất kỳ chính sách mới nào vẫn sẽ mang tính hỗ trợ, có thể là giữ lãi suất chính sách ở mức 0 và tiếp tục mua trái phiếu”, chuyên gia Taro Kimura nói.
Ngân hàng Trung ương Anh (BOE)
Lãi suất hiện tại của BOE là 5%. Dự báo của Bloomberg Economics đến cuối năm 2023 là 5,75%, đến cuối năm 2024 là 5%. Dự đoán của thị trường là BOE sẽ tăng lãi suất ít nhất 125 điểm cơ bản nữa để đạt đỉnh 6,25%, sau đó nới lỏng 50 điểm cơ bản vào năm sau.
Việc lạm phát tháng thứ tư liên tiếp cao hơn dự báo đã khiến các nhà đầu tư tin rằng chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất trong hơn ba thập kỷ của BOE sẽ tiếp tục diễn ra. Thị trường tiền tệ đang đặt cược BOE sẽ tăng lãi suất lên 6,25% vào tháng 2/2024, mức cao nhất kể từ năm 1999.
Thống đốc BOE Andrew Bailey và các đồng nghiệp của ông đã không thể hiện quan điểm đi ngược lại với những kỳ vọng đó vào ngày 22/6, sau khi họ thực hiện lần tăng lãi suất thứ 13 liên tiếp để đưa lên 5%. Ông Bailey thậm chí đã đặt câu hỏi liệu thị trường có đúng khi dự đoán mức lãi suất cao nhất sẽ “chỉ tồn tại trong thời gian ngắn”.
Vấn đề là mặt bằng giá cả đang tỏ ra “cứng đầu” hơn nhiều so với dự kiến, được củng cố bởi thị trường lao động chặt chẽ và quyền định giá mạnh mẽ của các công ty. Trong khi việc giá năng lượng thấp dần đang khiến lạm phát tổng thể giảm, hiện chỉ còn tăng trên 7% nhưng được dự đoán sẽ chỉ giảm từ từ. Ngày càng có nhiều lo ngại rằng suy thoái kinh tế có thể là cái giá phải trả cho việc kéo giảm giá tiêu dùng.
“BOE đã khiến các nhà đầu tư và các chuyên gia kinh tế ngạc nhiên khi đưa ra mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng Sáu. Động thái này là một phản ứng đối với một loạt dữ liệu nóng hơn dự kiến, nhưng rất có thể theo sau sẽ còn một đợt tăng lãi suất "quá mức" khác vào tháng Tám nếu các số liệu lạm phát tiếp tục gây bất ngờ. Kịch bản chúng tôi đưa ra là lãi suất đạt đỉnh 5,75% vào tháng 11, thấp hơn 50 điểm cơ bản so với dự đoán của thị trường. Ngay cả với triển vọng lãi suất ôn hòa hơn, chúng tôi cho rằng nền kinh tế Anh đang hướng tới suy thoái”, chuyên gia Dan Hanson nói.
Ngân hàng Trung ương Canada (BoC)
Lãi suất hiện tại của BoC đang ở 4,75%. Dự báo của Bloomberg Economics cho đến cuối năm 2023 là 5%. Dự đoán của thị trường là tăng một phần tư điểm và tăng tiếp một phần hai vào cuối năm.
Động lực kinh tế mạnh mẽ đang thách thức niềm tin từng phổ biến rằng các hộ gia đình gánh nợ sẽ khiến BoC không thể tăng lãi suất cao như các ngân hàng khác. Các quan chức đã nối lại việc tăng chi phí vay vào tháng Sáu, khi chi tiêu hộ gia đình tiếp tục tăng cao hơn.
Với rất ít bằng chứng về sự suy giảm sắp xảy ra, các chuyên gia kinh tế tin rằng Thống đốc BoC Tiff Macklem còn nhiều việc phải làm để đẩy lùi nguồn cầu đang dư thừa và kiềm chế lạm phát. Thị trường dự đoán có khoảng 3/4 khả năng BoC sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 12/7.
“Mặc dù lạm phát cơ bản đã dần được kiểm soát kể từ giữa năm 2022, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong lịch sử cho phép BoC tăng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản và nâng lãi suất cuối cùng là 5% vào cuối năm. Với việc BoC sẵn sàng gây bất ngờ cho thị trường bằng cách bắt đầu lại việc tăng lãi suất và các số liệu kinh tế quan trọng cho thấy rủi ro lạm phát vẫn nghiêng về phía tăng, chúng tôi tin rằng lãi suất chính sách cũng nghiêng về phía tăng", chuyên gia Stuart Paul nói.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC)
Lãi suất cho vay trung hạn 1 năm của PBOC hiện là 2,65%. Dự báo của Bloomberg Economics đến cuối năm 2023 là 2,45%, đến cuối năm 2024 là 2,35%.
Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang mất đà. Dữ liệu gần đây cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại, vốn là động lực chính cho sự phục hồi trong năm nay sau khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cuối cùng đã từ bỏ chính sách Zero Covid. Nhu cầu và niềm tin yếu đã không nhận được nhiều hỗ trợ.
PBOC đã cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu, lần đầu tiên sau gần một năm, làm dấy lên suy đoán rằng chính sách đang nới lỏng và có thể sẽ có nhiều chính sách nới lỏng hơn nữa. Tuy nhiên, các quan chức đã chậm công bố bất kỳ gói kích thích cụ thể nào và các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng sự hỗ trợ có thể sẽ ở mức vừa phải. Các chuyên gia được Bloomberg khảo sát vẫn kỳ vọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ tăng 5,5% trong năm nay, cao hơn mục tiêu thận trọng của chính phủ là khoảng 5%.
“PBOC dường như đã thay đổi chiến thuật, họ đã thông báo về việc cắt giảm lãi suất vào tháng Sáu một cách "khác thường". Điều đó cho thấy họ báo hiệu ý định sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có nhiều đợt cắt giảm lãi suất và tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong nửa cuối năm, một nỗ lực mạnh mẽ hơn để thúc đẩy tăng trưởng”, chuyên gia Chang Shu nói.
Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI)
Lãi suất hiện tại của RBI là 6,5%. Dự báo của Bloomberg Economics đến cuối năm 2023 là 6,5%, đến cuối năm 2024 là 5,5%.
Lạm phát đang nhích gần đến điểm giữa của dải mục tiêu 2-6% của RBI nhưng ngân hàng trung ương này vẫn cảnh giác với rủi ro từ những yếu tố bất ngờ và căng thẳng địa chính trị. Hội đồng chính sách tiền tệ gồm sáu thành viên của RBI đã nhất trí bỏ phiếu để giữ nguyên lãi suất cơ bản trong cuộc họp thứ hai liên tiếp vào tháng Sáu. Họ cũng giữ nguyên lập trường chính sách thận trọng, với Thống đốc Shaktikanta Das nhắc lại rằng đó là một sự tạm dừng và không phải là sự xoay chiều hướng tới việc cắt giảm lãi suất.
Lần xem xét quyết định chính sách tiếp theo của RBI sẽ diễn ra vào ngày 10/8 và hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng RBI sẽ giữ nguyên lãi suất trong phần còn lại của năm.
“Công việc của chúng tôi mới chỉ hoàn thành một nửa, đưa lạm phát vào trong phạm vi mục tiêu”, Thống đốc Shaktikanta Das cho biết trong biên bản cuộc họp tháng trước và thêm rằng: “Cuộc chiến chống lạm phát của chúng ta vẫn chưa kết thúc”.
“Tình trạng lạm phát chậm lại gần đây đã nâng triển vọng lãi suất chính sách lên 2,2% - cao hơn nhiều so với ước tính của ngân hàng trung ương là 0,8%-1%. Tuy nhiên, lạm phát có thể sẽ đảo ngược vào cuối năm nay do các hỗ trợ của chính phủ trong vụ mùa thu tới tăng cao hơn dự kiến. Ngoài ra, sự phục hồi mạnh mẽ đang diễn ra và rủi ro lạm phát tăng do thời tiết đồng nghĩa là RBI có thể sẽ đợi đến năm sau trước khi cắt giảm lãi suất”, chuyên gia Abhishek Gupta nói.
Ngân hàng Trung ương Brazil (BCB)
Lãi suất hiện tại của BCB 13,75%. Dự báo của Bloomberg Economics đến cuối năm 2023 là 12%, đến cuối năm 2024 là 9%.
BCB đã rất hạn chế đưa ra các tín hiệu rõ ràng về sự bắt đầu của một chu kỳ nới lỏng tiền tệ được mong đợi, nhưng loại bỏ khả năng tăng lãi suất hơn nữa sau khi giữ lãi suất chuẩn ở mức 13,75% trong cuộc họp thứ bảy liên tiếp vào tháng Sáu.
Sự thay đổi quan điểm cùng với lạm phát giảm đều là đủ để các nhà đầu tư biện minh cho đặt cược rằng việc cắt giảm lãi suất sẽ bắt đầu vào tháng Tám, với mức giảm một phần tư điểm. Giá tiêu dùng đã tăng 3,94% so với cùng kỳ trong tháng Năm, trong phạm vi "chịu đựng" của ngân hàng trung ương, và ngay cả lạm phát lõi cũng đang chậm lại. Trong khi đó, áp lực cắt giảm lãi suất đang gia tăng từ Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva, các lãnh đạo doanh nghiệp và các thượng nghị sĩ.
“Lạm phát cơ bản chậm hơn và chủ truong hỗ trợ tài khóa mới ở Brazil sẽ thúc đẩy ngân hàng trung ương bắt đầu nới lỏng chính sách mà họ đã bắt đầu thắt chặt vào năm 2021. Chúng tôi kỳ vọng quá trình nới lỏng dần dần sẽ bắt đầu vào quý III, với chính sách được bình thường hóa vào cuối năm 2024. Chúng tôi cho rằng lãi suất cuối cùng sẽ ở mức cao một chữ số", chuyên gia Adriana Dupita nói.
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR)
Lãi suất hiện tại là của CBR là 7,5%. Dự báo của Bloomberg Economics đến cuối năm 2023 là 8%, đến cuối năm 2024 là 7,5%.
Trong khi nhiều ngân hàng trung ương đang chuẩn bị ngừng thắt chặt tiền tệ hoặc thậm chí chuyển sang cắt giảm lãi suất, thì CBR đang chuẩn bị cho đợt tăng chính thức đầu tiên kể từ khi xung đột với Ukraine xảy ra.
Các nhà hoạch định chính sách do Thống đốc Elvira Nabiullina dẫn đầu trong nhiều tháng đã báo hiệu về khả năng lãi suất sẽ phải tăng vào thời điểm chính phủ chi tiêu quá nhiều cho cuộc chiếnvà khi tình trạng thiếu lao động gây áp lực lên lạm phát. Lãi suất chuẩn của họ đã ở mức đỉnh 7,5% kể từ tháng 9/2022 - giai đoạn tạm dừng dài nhất trong hơn 7 năm.
Nhưng với nền kinh tế hoạt động tốt hơn dự đoán, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng việc tăng lãi suất của CBR có thể sẽ được đưa ra vào tháng Bảy hoặc tháng Chín.
“CBR có thể sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào tháng Chín, đẩy lãi suất chính sách lên 8% vào cuối năm 2023. Đồng rúp yếu hơn và tăng trưởng tín dụng mạnh có thể sẽ đẩy lạm phát lên 5-6%, cao hơn so với mức mục tiêu hiện tại là 4%. Trong lịch sử, việc lạm phát cao hơn mục tiêu kéo dài 2-3 tháng có xu hướng khiến Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất. Chúng tôi hy vọng hành động này sẽ được lặp lại trong năm nay”, chuyên gia Alexander Isakov nói.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK)
Lãi suất cơ bản hiện tại của BOK là 3,5%. Dự báo của Bloomberg Economics đến cuối năm 2023 là 3,5%, đến cuối năm 2024 là 2,75%.
BOK được cho là sẽ giữ nguyên lãi suất trong quý này khi họ tiếp tục theo dõi diễn biến trong nền kinh tế, sự ổn định của giá cả và các động thái của Fed.
Thống đốc Rhee Chang-yong đã cố gắng bác bỏ kỳ vọng rằng ngân hàng trung ương này sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách để hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại do xuất khẩu sụt giảm, đặc biệt là với các sản phẩm công nghệ. Ông nói rằng việc cắt giảm lãi suất chỉ có thể được triển khai khi áp lực giá cả có xu hướng giảm rõ rệt.
Trong khi giá tiêu dùng tiếp tục giảm, lạm phát cơ bản vẫn hơn gấp đôi mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Hiện tại, xu hướng diều hâu trong lập trường chính sách của các quan chức BOK dường như có nhiều khả năng xảy ra hơn, đặc biệt nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất.
“Chúng tôi kỳ vọng BOK sẽ giữ lãi suất ổn định trong thời gian còn lại của năm 2023. Tăng trưởng yếu do sự phục hồi chậm chạp ở Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, đang làm giảm xuất khẩu và đầu tư. Tuy nhiên, lạm phát toàn phần vẫn ở mức trên 3% và lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao. Dữ liệu việc làm mạnh mẽ của tháng Năm giúp BOK có thêm lý do để giữ nguyên quan điểm. Lạm phát có thể sẽ ở mức gần 3% trong nửa cuối năm 2023 và chúng tôi không thấy lạm phát sẽ ổn định ở mức mục tiêu 2% cho đến nửa cuối năm 2024”, chuyên gia Hyosung Kwon nói.
Ngân hàng Trung ương Úc (RBA)
Lãi suất hiện tại của RBA là 4,1%. Dự báo của Bloomberg Economics đến cuối năm 2023 là 4,35%, đến cuối năm 2024 là 3,25%.
RBA đã có lần thứ hai tạm dừng chiến dịch thắt chặt chính sách kéo dài 15 tháng, đồng thời khẳng định rõ ràng rằng họ vẫn kiên định với chính sách lãi suất hiện tại.
Ngân hàng trung ương này đã chọn tạm dừng để chờ dữ liệu lạm phát hàng quý quan trọng sẽ được công bố vào cuối tháng này, cũng như các dự báo cập nhật khác, trước khi quyết định nối lại việc tăng lãi suất.
Lạm phát cơ bản đang ở mức trên 6%, hơn gấp đôi so với mục tiêu 2-3% của RBA và vẫn còn những rủi ro tăng giá, bao gồm giá dịch vụ, thị trường lao động thắt chặt và sự phục hồi của thị trường nhà ở.
Nhưng RBA cần đánh giá xem các hộ gia đình - vốn thắt chặt chi tiêu - có thể hấp thụ tín dụng được bao nhiêu, đặc biệt là khi nhiều người đi vay sắp chuyển từ các khoản thế chấp cố định cực thấp sang lãi suất thả nổi, qua đó để thiết kế một kịch bản "hạ cánh mềm".
“Tăng trưởng đã hạ nhiệt và lạm phát đang chậm lại nhanh chóng, nhưng thị trường lao động thắt chặt có thể khiến ngân hàng trung ương lo lắng và thúc đẩy họ quyết định đưa ra một đợt tăng lãi suất cuối cùng vào tháng Tám, sau khi có dữ liệu CPI hàng quý và các dự báo được cập nhật. Việc tăng lãi suất nhanh chóng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến chi tiêu của người tiêu dùng cho đến năm 2023 và có thể nói rằng RBA có ít dư địa hơn để giữ lãi suất ở mức cao nhất”, chuyên gia James McIntyre nói.
Ngân hàng Trung ương Argentina (ACB)
Lãi suất hiện tại của ACB là 97%. Dự báo của Bloomberg Economics cho đến cuối năm 2023 là 97%, đến cuối năm 2024 là 70%.
ACB đã thắt chặt chính sách tiền tệ đáng kể trong những tháng gần đây để theo kịp lạm phát phi mã hơn 114% so với cùng kỳ. Lãi suất chuẩn đã tăng từ 75% vào giữa tháng Ba lên 97% vào tháng Năm, khi ngân hàng trung ương này "vật lộn" để kiềm chế giá cả tăng cao.
Các quan chức ngân hàng trung ương này cũng đã thắt chặt kiểm soát ngoại tệ trong nỗ lực bảo vệ dự trữ quốc gia ròng đang bị suy giảm tới mức âm, có nghĩa là các khoản nợ lớn hơn dự trữ tiền mặt.
“Ngân hàng trung ương Argentina có thể sẽ giữ nguyên chính sách điều hành cho đến cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10, trừ khi dự trữ ngoại tệ sụt giảm hoặc tỷ giá hối đoái không chính thức của đô la Mỹ giảm mạnh buộc phải thay đổi lãi suất hoặc hỗ trợ đồng peso. Một sự xoay chiều chính sách ngày càng có khả năng xảy ra sau khi nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo bắt đầu vào ngày 10/12. Sự kết hợp giữa điều chỉnh tài khóa và tái cơ cấu tiền tệ có thể cho phép ngân hàng trung ương này cắt giảm lãi suất vào năm tới, đặc biệt nếu chính phủ mới vẫn duy trì kiểm soát vốn”, chuyên gia Adriana Dupita nói.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB)
Lãi suất hiện tại của SNB là 1,75%. Dự báo của các nhà kinh tế cho đến cuối năm 2023 là 2%.
Ngân hàng trung ương này đã giảm bớt thắt chặt vào tháng Sáu, với mức tăng nhỏ nhất kể từ chu kỳ tăng lãi suất bắt đầu một năm trước đó. Nhưng các quan chức đang báo hiệu mạnh mẽ rằng sẽ có thêm hành động cần thiết. Tổng thống Thomas Jordan cho biết một động thái khác “rất có thể xảy ra”.
Trong khi Thụy Sĩ là một trong những nước có tỷ lệ lạm phát thấp nhất trong OECD - mức cao nhất chỉ là 3,5%, các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng áp lực giá cả có thể vẫn còn lớn.
Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank)
Lãi suất repo hiện tại của Riksbank là 3,75%. Dự báo của Bloomberg Economics đến cuối năm 2023 là 4%, đến cuối năm 2024 là 3%.
Ngân hàng trung ương Thụy Điển đang gặp khó khăn sau khi đồng krona giảm xuống mức thấp nhất được ghi nhận so với đồng euro, đẩy giá hàng hóa nhập khẩu lên cao hơn.
Đáp lại, Riksbank đã cam kết đẩy mạnh tốc độ bán trái phiếu và cho biết họ dự kiến sẽ đưa lãi suất chuẩn lên cao hơn so với dự đoán trước đó. Đồng thời, các quan chức cũng lưu tâm đến những rắc rối đang nảy sinh trong lĩnh vực bất động sản của đất nước, với việc các chủ nhà đang phải vật lộn với chi phí đi vay cao hơn có thể thúc đẩy các đợt "bán tháo".
Hiện tại, thông điệp từ Thống đốc Riksbank Erik Thedeen là các công ty vay nợ quá nhiều phải tự giải quyết vấn đề của mình và ngân hàng trung ương sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.
“Lạm phát cơ bản khó kiểm soát của Thụy Điển và đồng tiền nội tệ suy yếu, cùng với xu hướng diều hâu ngày càng tăng của các ngân hàng trung ương lớn khác, sẽ khiến Riksbank tiếp tục thắt chặt. Chúng tôi kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ nâng lãi suất chính sách thêm 25 điểm cơ bản lên 4% vào tháng Chín và sẽ không cắt giảm lãi suất trước nửa cuối năm 2024”, chuyên gia Selva Bahar Baziki nói.
Ngân hàng Trung ương New Zealand (RBNZ)
Lãi suất hiện tại của RBNZ là 5,5%. Dự báo của Bloomberg Economics đến cuối năm 2023 là 5,25%, đến cuối năm 2024 là 3,75%.
RBNZ đã gây ngạc nhiên vào tháng Năm khi tăng lãi suất chỉ 25 điểm cơ bản và họ cho biết chu kỳ thắt chặt đã kết thúc. Thống đốc Adrian Orr và Ủy ban Chính sách tiền tệ của ông là một trong những nhân tố tích cực nhất thúc đẩy việc tăng lãi suất sau đại dịch, nâng lãi suất thêm 5,25 điểm phần trăm lên 5,5% trong vòng chưa đầy một năm rưỡi. Giờ đây, họ có vẻ tự tin rằng đã làm đủ để đưa lạm phát trở lại mục tiêu trong vòng hai năm tới.
Tuy nhiên, điều đó vẫn còn phải chờ xem, với một số chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng RBNZ sẽ cần phải tăng lãi suất một lần nữa để hoàn thành công việc kiểm soát lạm phát, đặc biệt là khi thị trường nhà đất đang có dấu hiệu đi xuống tới mức giá sàn. Nhưng, nền kinh tế bước vào một cuộc suy thoái nhẹ sớm hơn nhiều so với dự kiến của ngân hàng trung ương và lãi suất thế chấp tăng cao đang ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng, thúc đẩy đặt cược rằng việc cắt giảm lãi suất có thể bắt đầu ngay sau nửa đầu năm tới.
“RBNZ đã hoàn tất việc tăng lãi suất. Toàn bộ tác động của việc thắt chặt 525 điểm cơ bản kể từ tháng 10/2021 đang bắt đầu xuất hiện, khi các khoản thế chấp được thiết lập lại và các khoản trả nợ tăng lên. Bloomberg Economics nhận thấy lập trường chính sách về kiểm soát lạm phát của RBNZ đang "hạ nhiệt" khi nền kinh tế hoạt động ổn định và tỷ lệ thất nghiệp tăng với tốc độ nhanh hơn dự đoán của ngân hàng trung ương. Việc cắt giảm lãi suất sẽ đến sớm hơn dự kiến, có thể vào quý IV năm nay, khi trọng tâm chính sách chuyển từ chống lạm phát sang phục hồi cầu nội địa”, chuyên gia James McIntyre nói.