Chùm hoa dẻ
Trong số bạn cùng trang lứa với tôi ở trong xóm, Lộc là đứa ngỗ nghịch nhất. Nó không cha, mẹ mất khi nó mới bốn tuổi, từ đó ở với bà ngoại nghễnh ngãng. Lộc ba trợn, phá phách ở đâu không biết nhưng gặp cha mẹ tôi thì rất lễ phép, ngoan ngoãn. Dù sao cha tôi cũng là thầy giáo chủ nhiệm của Lộc. Ông rất quan tâm đến cậu học trò cá biệt, thỉnh thoảng, cha trích lương mua sách bút cho Lộc. Ông còn tác động để nhà trường giảm học phí cho cậu ta. Cha thường bảo với tôi “Phải lăn lộn như cậu Lộc mới nên người được”. Mẹ phản đối “Ông định cổ súy cho con gái đi phơi nắng phơi sương à?”. “Con bé đang bị cớm nắng. Một cái cây non cớm nắng thì khó phát triển khỏe mạnh được”, cha nháy mắt với tôi. Mẹ giữ rịt tôi vào lòng “Lần này mẹ vào Nam chăm ông ngoại ốm. Con phải ngoan ngoãn ở nhà…”. Nói rồi mẹ xách va li lên tàu.
Ảnh: MH
Cha con tôi chỉ chờ có thế. Tối hôm ấy Lộc mang sách vở sang hỏi cha tôi một bài tập hè khó. Cậu ta giúi cho tôi một nhành hoa màu vàng mơ, thơm nức “Hoa dẻ đấy, Thư có thích không?”. Tôi cầm chùm hoa với những cánh thuôn dài, mềm mịn trong tay, mùi hương sắc ngọt lan tỏa cả căn nhà. “Ở trong núi, nhiều lắm. Con gái đứa nào cũng thích hoa dẻ”, Lộc thủ thỉ. “Tớ muốn đi xem. Cậu cho tớ theo chứ?”, tôi háo hức. Lộc chần chừ “Hỏi ý thầy đã”. Không cần hỏi, cha tôi đã đứng sau lưng hai đứa từ lúc nào “Thầy giao con bé Thư cho con đấy. Thử đưa con bé đi khám phá thế giới đi. Một cái cây cớm nắng...”, cha tôi lại bắt đầu.
Mười tuổi, Lộc có thâm niên ba năm chăn bò thuê. Không như những đứa trẻ khác, thích lùa trâu bò ra đồng rồi nhảy xuống sông tắm hoặc đi bắt cua, Lộc thích chăn bò trên núi. Cầm liềm và tải, cậu ta ngoắc tôi “Đi cắt lộc cho bò nào, rồi sau đó tớ sẽ dẫn cậu đi khám phá”.
Lộc rất khéo, cậu ta vừa cắt như bay vừa giới thiệu cho tôi những đám lộc lá, lách, bún, dây dợ non mà bò thích ăn. Tôi kéo lê tải theo Lộc mà vã cả mồ hôi. Được ba tải đầy Lộc mới chịu ngồi nghỉ dưới bóng râm. Lấy tay làm gối, cậu ta đọc vừa làu làu “Bờ cây chen chúc lá/ Chùm dẻ treo nơi nào/ Gió về đưa hương lạ/ Cứ thơm hoài xôn xao...” vừa vờ làm trò ảo thuật lấy trong túi áo ra cho tôi một chùm quả chín mọng. Ăn xong, Lộc cầm bi đông dẫn tôi xuống khe lấy nước. Nước khe trong vắt, phả hơi mát và một làn hương nhẹ lên làn tóc lòa xòa của tôi. “Nước có mùi thơm”, tôi quay sang bảo Lộc. “Cậu thử nhìn lên đầu mình xem”. Lộc nhìn tôi khuyến khích. Tôi nhìn lên vách đá cheo leo, sáng trong mắt những chùm hoa vàng ươm, cánh thuôn dài lặng lẽ. “Hoa dẻ”, tôi quay sang, mỉm cười nhìn Lộc đầy sung sướng. Tôi mang ép những chùm hoa dẻ trong những cuốn sách hay, trong rương để quần áo, dưới đầu giường, bên cửa sổ. Mùi hương thơm thoảng vấn vít theo tôi suốt cả ngày. Cả một kỳ nghỉ hè theo Lộc đi chăn bò, tôi biết thêm được thêm bao điều kỳ thú, mới mẻ.
Ảnh: MH
Rồi kỳ nghỉ hè qua nhanh, ông ngoại khỏi ốm và mẹ trở về nhà. Đêm rằm, dưới trăng, mẹ ngồi xuýt xoa mãi những mảng da cháy nắng của tôi. Cha soạn bài xong, ra thềm, ngồi xuống bên cạnh “Lộc gửi cho con này”. Tôi nhìn tấm thiệp màu xanh lá cây, bản lớn, ghép từ những bìa vở, được cắt khéo léo. “Cậu bé được chuyển đến một làng trẻ mồ côi. Ở đó sẽ có điều kiện ăn học tốt hơn. Nó rất khéo tay, sống cũng tình cảm”, cha nói. Khi mở tấm thiệp ra, tôi sửng sốt trước chân dung một cô bé kết từ những cánh hoa dẻ. Trang bên cạnh là “Chùm hoa dẻ” - bài thơ duy nhất mà Lộc thuộc từ đầu đến cuối. Mùi thơm của những cánh hoa dịu dàng len lỏi vào buổi tối yên tĩnh.
“Không phải ai cũng kỳ công ngồi ghép có hồn chân dung bé Thư như thế này đâu. Có lẽ hình ảnh con đã khắc sâu trong tâm trí Lộc. Cậu bé thật đáng yêu. Một bức chân dung có mùi hương, thơm lạ thơm lùng. Vở con cũng có mùi thơm này, hoa gì vậy con?”, mẹ nhẹ nhàng hỏi tôi. Tôi nâng niu tấm thiệp trong tay, tựa đầu vào lòng mẹ, nhằm hờ đôi mắt rơm rớm, khẽ khẽ đọc “Bờ cây chen chúc lá/ Chùm dẻ treo nơi nào/ Gió về đưa hương lạ/ Cứ thơm hoài xôn xao...”.
Sa Hà