Chứng khoán tháng 3: Chờ mùa đại hội cổ đông
Bà Hoàng Việt Phương - Giám đốc Trung tâm Phân tích và tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán SSI cho biết, hệ số P/E của VN-Index hiện ở mức 14,2 lần, mức định giá này đang hấp dẫn hơn so với hầu hết các thị trường trong khu vực. Trong ngắn hạn, mâu thuẫn Nga-Ukraine mặc dù không tác động lớn đến TTCK Việt Nam nhưng vẫn là rủi ro cần nhà đầu tư theo dõi và thận trọng. Các yếu tố tích cực có thể tác động đến thị trường trong tháng 3 bao gồm: kết quả kinh doanh (KQKD) sơ bộ quý I/2022 và kế hoạch định hướng năm 2022 trong mùa ĐHCĐ đang đến gần.
Phân tích của SSI cho thấy chỉ số VN-Index hiện đang trong trạng thái đi ngang giữa vùng kháng cự 1.512 điểm và vùng hỗ trợ 1.470 điểm. “Vùng 1.470 điểm là mốc hỗ trợ quan trọng, nếu chỉ số VN-Index giữ vùng hỗ trợ này đi cùng với thanh khoản cải thiện dần thì đây là tín hiệu gia tăng tỷ trọng cổ phiếu với kỳ vọng chỉ số sẽ kiểm tra lại vùng đỉnh cũ 1.537 điểm. Ngược lại, nếu bị phá vỡ thì vùng hỗ trợ tiếp theo trên chỉ số VN-Index được xác định từ 1.440 - 1.423 điểm”, bà Phương cho hay.
Ảnh minh họa |
Nền tảng cơ sở để đưa ra luận điểm này theo đại diện SSI là mùa công bố KQKD quý IV/2021 đã chính thức khép lại với kết quả thực hiện của hầu hết công ty niêm yết. Tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các công ty niêm yết trên HoSE đạt mức khiêm tốn 6,75%, đánh dấu quý thứ 3 tăng trưởng chậm lại sau khi đạt đỉnh tăng trưởng vào quý I/2021. Tuy nhiên, vẫn có một số ngành duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức cao như: Dịch vụ cảng biển, Hóa chất, Thép và các sản phẩm từ thép, Dịch vụ tài chính. Nhờ đó, tăng trưởng lợi nhuận quý IV/2021 ở nhóm VNMidcap và VNSmallcap vẫn đạt mức 24,25% và 20,53%, cao hơn mặt bằng chung. Đây cũng là động lực chính giúp hai chỉ số này phục hồi tốt hơn thị trường chung trong tháng 2 vừa qua.
Quý I/2022, thị trường đang có những kỳ vọng nhất định vào nhu cầu tiêu dùng hồi phục sớm hơn dự kiến khi doanh thu bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh tăng 2 tháng đầu năm 2022 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021. Tương tự, doanh thu bán lẻ ở Hà Nội vẫn ghi nhận mức tăng trưởng tích cực 10,9% mặc dù diễn biến dịch khá phức tạp...
Nhìn nhận về triển vọng TTCK Việt Nam trong tháng 3/2022, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đưa ra 2 kịch bản. Thứ nhất, chỉ số VN-Index vượt ngưỡng tâm lý 1.500 điểm và quay trở lại kiểm tra lại vùng đỉnh 1.530 điểm khi nền kinh tế thích ứng tốt trong trạng thái bình thường mới, Chính phủ đẩy mạnh hoạt động đầu tư công, tiến đến mở cửa du lịch trên phạm vi toàn quốc… Tuy nhiên thị trường dự báo tiếp tục phân hóa dựa trên KQKD sơ bộ quý I, triển vọng KQKD năm 2022 công bố tại ĐHCĐ thường niên cũng như diễn biến TTCK thế giới.
Kịch bản thứ hai là căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục leo thang khiến giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng cao, gia tăng áp lực lạm phát cho nền kinh tế, không loại trừ có khả năng làm giảm các tác động tích cực của gói phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ. 1.500 điểm tiếp tục đóng vai trò là ngưỡng cản tâm lý quan trọng và VN-Index sẽ tiếp tục tích lũy trong khoảng 1.470 ± 30 điểm trong quá trình chờ đợi thêm những thông tin hỗ trợ.
Theo ông Trần Thăng Long - Giám đốc Phân tích của BSC, có nhiều yếu tố tích cực cho TTCK tháng 3 đó là nền kinh tế tiếp tục hồi phục khả quan và thích ứng tốt với “trạng thái bình thường mới”, chỉ số PMI tiếp tục đà hồi phục. Bên cạnh đó là việc Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án Cảng Hàng không Quốc tế sân bay Long Thành. Cùng với đó là việc NHNN đang xây dựng Nghị định về gói hỗ trợ lãi suất 2% theo tinh thần Nghị Quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ…
Yếu tố không tích cực là khối ngoại tiếp tục có xu hướng duy trì đà bán ròng trước những diễn biến khó lường trên thế giới; Quỹ ETF VNM, FTSE Việt Nam đến kỳ cơ cấu danh mục; dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến khó lường gây bất ổn trên toàn cầu và ngăn cản đà tăng của chỉ số…
Trong bối cảnh đó, đại diện BSC cho rằng, nhà đầu tư nên quan tâm đến một số nhóm ngành được hưởng lợi từ chương trình đầu tư công và gói phục hồi kinh tế, bao gồm: vật liệu xây dựng, thi công, bất động sản và một số nhóm ngành hưởng lợi từ diễn biến căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine, bao gồm: dầu khí, phân bón, thép, hóa chất và logistics. Nhà đầu tư cũng cần xem xét phân bổ tỷ trọng danh mục các cổ phiếu thuộc nhóm ngành hưởng lợi từ phục hồi kinh tế, bao gồm: ngân hàng, bán lẻ, xuất khẩu, tiện ích…
“Tuy nhiên, cần thận trọng quan sát hành động tiếp theo của Fed tại cuộc họp tháng 3/2022 cũng như những diễn biến khó lường trong cuộc xung đột địa chính trị giữa Nga và Ukraine”, BSC khuyến nghị.