Theo đó, CW đã có tác động tích cực lên thị trường cổ phiếu, góp phần gia tăng thanh khoản cho các cổ phiếu cơ sở. Tại buổi họp báo, đại diện UBKNN, HOSE và các tổ chức phát hành đã có đánh giá tổng kết về công tác phát hành, tình hình giao dịch, những phản hồi từ thị trường đối với sản phẩm CW. Ngoài ra, các đơn vị cũng đã có những kiến nghị hoàn thiện về khung pháp lý, định hướng phát triển sản phẩm trong thời gian tới.
![]() |
Tính đến ngày 29/5/2020, đã có 134 mã CW được chào bán và niêm yết trên HOSE do 8 CTCK phát hành ứng với tổng khối lượng chào bán là 410,2 triệu chứng quyền. Sau 11 tháng triển khai tổng khối lượng giao dịch CW đạt trên 990,32 triệu CW tương ứng tổng giá trị giao dịch đạt trên 1.481 tỷ đồng. Trong đó, khối lượng giao dịch cao nhất là vào tháng 5/2020 (15,92 triệu CW) và giá trị giao dịch CW đạt cao nhất vào tháng 11/2019 (221,1 tỷ đồng).
Theo các chuyên gia nhận định, thị trường CW phát triển khá nhanh từ lúc mới thành lập cho đến nay, tuy nhiên vì là sản phẩm mới nên cần thêm thời gian để sản phẩm đi sâu hơn vào công chúng đầu tư. Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý đang cải thiện, nghiên cứu các giải pháp để phát triển sâu cho thị trường CW như cải thiện thủ tục phát hành, mở rộng danh mục CKCS để phát hành CW, các CW trên chỉ số, và thực hiện theo lộ trình về việc có chứng quyền bán, thay vì chỉ chứng quyền mua như hiện nay.
Ông Hoàng Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Kinh doanh Chứng khoán, UBCKNN chia sẻ, Luật chứng khoán 2019 đã được Quốc Hội thông qua tháng 11/2019. Hiện UBCK NN đang gấp rút hoàn thiện các văn bản, Nghị Định chi tiết, Thông tư hướng dẫn thi thành, trong đó CW là sản phẩm đầu tư trên thị trường và triển khai thời gian tới.
Hiện UBCKNN thực hiện 2 nhóm giải pháp chủ yếu là hoàn thiện thể chế, cụ thể là Thông tư 107. Thông tư này tiếp tục có giá trị và cải thiện, bổ sung, sửa đổi tiếp các nội dung còn bất cập, đặc biệt trong giai đoạn phát hành sẽ theo hướng giảm thiểu thủ tục và thời gian chấp thuận chào bán và niêm yết. Thứ 2, là đa dạng hoá sản phẩm, dự kiến mở rộng danh mục CKCS thay vì chỉ dựa trên rổ VN30. Về Chứng quyền bán, khi gói thầu của hệ thống mới đưa vào sử dụng, hệ thống vay và cho vay chứng khoán được áp dụng đại trà thì vấn đề phòng ngừa rủi ro cho chứng quyền bán hoàn toàn khả thi.
Bàn về vấn đề này, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng, CW đang được vận hành tốt và nhiều nhà đầu tư quan tâm tới sản phẩm. Việc giới thiệu CW trên thị trường Việt Nam bước đầu là thực hiện thành công, với khung pháp lý hoạt động hiệu quả, an toàn, có thể kiếm tiền trên thị trường này dù thời gian qua, thị trường biến động tiêu cực với chứng quyền mua.
"Tuy nhiên, thời gian tới cần cải thiện thủ tục phát hành để nhanh hơn, bởi hiện nay mỗi lần phát hành vài ba chục mã, với thủ tục như hiện nay khá phiền hà, chi phí cao. Ngoài ra, một số việc phát hành thì có thể kèm luôn niêm yết, không cần IPO vì CW không phải Cổ phiếu. Kế hoạch của HSC là phát hành lên 100 mã CW nếu thị trường tốt, khi đó, nhu cầu của công ty là các thủ tục cần phải được làm nhanh hơn. Đồng thời, mong đợi danh mục cổ phiếu cơ sở được mở rộng ra, còn như hiện nay đang hạn chế. Muốn phát hành chứng quyền dựa trên chỉ số, chẳng hạn VN30 là chỉ số tốt để phát hành, hoặc các chỉ số mới như Diamond, VN Lead…không phải lo ngại về thanh khoản" - ông Giang nêu ý kiến.
Tuyết Anh
Nguồn: