Chuyển dịch năng lượng giúp phát triển kinh tế bền vững
Nhà nước cần ưu tiên hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo. |
Chuyển dịch năng lượng đồi hỏi vốn đầu tư lớn
Theo báo cáo tóm tắt Triển vọng Chuyển dịch Năng lượng Thế giới năm 2023 do Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) công bố, những nước đi đầu trong chuyển dịch năng lượng đa phần là các quốc gia có nền kinh tế tiên tiến, có thế mạnh về năng lượng tái tạo và tiềm lực tài chính như Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển… Đồng thời, quốc gia nào có thời gian triển khai chuyển dịch năng lượng sớm thì lợi ích mang lại sẽ lớn hơn.
Quá trình chuyển dịch năng lượng ở châu Âu cũng đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng trong hơn hai năm qua, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Pháp đặt mục tiêu trung hòa khí hậu muộn nhất vào năm 2050, còn với Đức, mục tiêu này được ấn định vào năm 2045...
Phát biểu tại Diễn đàn Chuyển dịch năng lượng Việt Nam năm 2024 diễn ra mới đây, ông Nguyễn Sĩ Đăng - Phó Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi năng lượng xanh phải trở thành vấn đề cấp bách ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Đồng thời, công cụ tài chính cần được xác định là chìa khóa cho tiến trình chuyển đổi nêu trên.
Để đồng hành thúc đẩy “làn sóng năng lượng xanh” trên toàn cầu, các nước phát triển và các định chế tài chính quốc tế cần quan tâm nhiều hơn việc cung ứng nguồn vốn phù hợp và giảm nợ cho các nước đang phát triển để họ có thể dành ngân sách đầu tư cho các dự án phát triển năng lượng sạch.
Việt Nam cũng đã tham gia vào Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP). Đây là một bước đi quan trọng trong nỗ lực chuyển đổi cơ cấu năng lượng theo hướng bền vững và công bằng. Các cam kết tại JETP không chỉ giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về giảm phát thải khí nhà kính mà còn góp phần vào phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ môi trường. Sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế và các bên liên quan trong nước là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công các cam kết này.
Chuyển dịch năng lượng không những giúp tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho doanh nghiệp. Sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch tại Việt Nam giúp đất nước giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ nước ngoài.
Bên cạnh những lợi ích, ông Nguyễn Sĩ Đăng cho biết, chuyển dịch năng lượng đang gặp phải những thách thức. Mặc dù chi phí của các công nghệ năng lượng tái tạo đã giảm đáng kể, việc triển khai trên quy mô lớn vẫn đòi hỏi đầu tư ban đầu cao, nhất là điện gió.
Hiện hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng đủ để tích hợp năng lượng tái tạo. Hệ thống lưới điện hiện tại cần được nâng cấp để tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo không liên tục như năng lượng mặt trời và gió.
Cần cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo
Theo ông Phillip Munzinger - Giám đốc Chương trình Hỗ trợ năng lượng – GIZ Việt Nam, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đã và đang là động lực quan trọng cho tiến trình chuyển dịch năng lượng. Tuy vậy, không thể trông chờ hết vào khu vực tư nhân về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Năm 2022, tổng ngân sách đầu tư của Đức cho nghiên cứu và đổi mới lên tới 1,5 tỷ Euro.
"Chính phủ phải có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho khu vực tư nhân, qua đó sẽ đóng góp vào việc bảo đảm an ninh năng lượng cũng như phát triển kinh tế quốc gia", ông Phillip Munzinger chia sẻ.
Ông Nguyễn Mai Dương - Cục trưởng Cục Phát triển công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, chuyển dịch năng lượng đóng vai trò then chốt và mang tính quyết định trong cuộc chiến toàn cầu về chống biến đổi khí hậu.
Theo ông Mai Dương, muốn chuyển dịch năng lượng thành công yêu cầu 4 yếu tố cốt lõi gồm nền kinh tế cạnh tranh, mở cửa thị trường, chính sách hỗ trợ và đặc biệt là công nghệ. Công nghệ đóng vai trò trung tâm trong chuyển dịch năng lượng, dù là từ phương tiện dùng ngựa sang ô tô, từ động cơ chạy bằng xăng sang động cơ chạy bằng điện, từ nhiệt điện than sang điện gió và điện mặt trời. Nói một cách đơn giản, tất cả các quá trình chuyển dịch năng lượng về cơ bản phụ thuộc vào tính có sẵn và tính phổ biến của các công nghệ mới.
Còn bà Vũ Chi Mai - Giám đốc dự án CASE, GIZ cho biết, để thành công trong chuyển dịch năng lượng, phải đáp ứng 4 yếu tố. Đầu tiên, cần chính sách dài hạn, minh bạch để khuyến khích nhà đầu tư. Đi kèm với chính sách đó là công tác quản trị, theo dõi việc triển khai chính sách xem có đáp ứng thị trường hay không.
Theo bà Chi Mai, thứ 2 là nguồn vốn, bởi chuyển sang nền kinh tế xanh, nguồn tài chính rất quan trọng, là yếu tố then chốt. Tiếp đó là nguồn nhân lực tiếp nhận công nghệ mới và làm chủ được một phần công nghệ mới trong chuỗi giá trị. Cuối cùng, thị trường của Việt Nam làm sao phải đủ tính cạnh tranh. Trong đó sự cam kết của Chính phủ ở đâu trong khu vực để biến Việt Nam thành thị trường có tính hấp dẫn hơn.
Ông Nguyễn Sĩ Đăng cho rằng, để đối phó với tính không liên tục của một số nguồn năng lượng tái tạo, cần phát triển các công nghệ lưu trữ năng lượng hiệu quả như pin và hệ thống lưu trữ nhiệt... Cần cải thiện khung pháp lý và các quy định liên quan đến năng lượng tái tạo, ban hành sớm các chính sách hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển của năng lượng tái tạo và các dạng năng lượng sạch khác cũng như ban hành các quy định hạn chế theo lộ trình nhiên liệu hóa thạch trong sản xuất.
"Nhà nước cần ưu tiên hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng tái tạo. Thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nội địa hóa sản xuất thiết bị ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, đặc biết là điện gió, điện mặt trời, thủy điện, khí hóa lỏng tại Việt Nam", ông Nguyễn Sĩ Đăng chia sẻ.