Ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tăng doanh số
Theo ông Sơn, thị trường hiện nay gồm có kênh truyền thống (cửa hàng tạp hóa) với 70% hàng hóa tiêu dùng phân phối qua kênh này, tốc độ tăng trưởng 4-5% (thấp hơn tốc độ tăng GDP nhưng vẫn đang tăng trưởng dương). Song song đó thị trường tiêu dùng có kênh bán hàng hiện đại là các siêu thị, cửa hàng tiện ích chiếm 20% doanh số với mức độ tăng trưởng 10%. Và hiện nay, thị trường còn có kênh bán hàng online, dù được nói rất nhiều, nhưng hiện hiện chỉ chiếm 5%, với mức độ tăng trưởng cao 35-45%.
Ông Phạm Hồng Sơn lưu ý các doanh nghiệp chọn lựa các giải pháp công nghệ để ứng dụng vào quá trình sản xuất kinh doanh để tiết giảm chi phí và tăng doanh số bán hàng. |
Bàn về chi phí bán hàng, ông Sơn cho rằng kênh truyền thống vẫn là kênh có chi phí bán hàng thấp nhất, tiếp theo là kênh hiện đại, kênh online vẫn có chi phí lớn nhất chủ yếu đến từ chi phí khuyến mãi (thậm chí đang có xu hướng lạm phát khuyến mãi ở kênh này). Lạm phát khuyến mãi đang là vấn đề đau đầu không chỉ ở Việt Nam mà còn ở với các nước khác. Kênh bán hàng truyền thống vẫn là kênh lớn nhất, và vẫn còn tiếp tục lớn trong ít nhất 20 năm nữa bởi vì, thói quen của người tiêu dùng, chính sách của chính phủ, và lợi nhuận. Chính vì vậy, doanh nghiệp phải chọn lựa chuyển đổi số và tính toán để số hóa kênh phân phối và sử dụng các nền tảng (platform). App số hoá kênh bánh hàng hiện có 10-15% công ty sử dụng và app dùng cho người mua hàng, hiện 56% cửa hàng của Việt Nam đã biết dùng các app này.
Đề cập đến thương mại điện tử, ông Nguyễn Hải Triều, người sáng lập & CEO PrimeData.ai, cho biết quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2024 là 14,7 tỷ USD, dự kiến tăng lên 23,77 tỷ USD vào năm 2029, tốc độ tăng trưởng CAGR là 10,09% đứng số 10 thế giới và số 1 Đông Nam Á. Tuy nhiên, ông Triều cũng cho rằng đối với các sàn thương mại điện tử đó là việc giữ chân khách hàng là vấn đề khó khăn lớn của thương mại điện tử. Theo thống kê trung bình chỉ có 15% khách hàng thường xuyên quay lại, 25% khách hàng thỉnh thoảng quay lại, nhưng có đến 80% khách hàng đã rời bỏ, không quay lại. Đây cũng là bài toán lớn mà các cửa hàng online phải tính toán và giải quyết. Bởi vì, có nghiên cứu nói rằng, nếu chúng ta tăng 5% khách hàng trung thành, thì chúng ta có thể tăng được đến 25%-200% lợi nhuận.
“Đây là lúc ứng dụng công nghệ với các data (dữ liệu) phát huy tác dụng. Việc phân tích dữ liệu, nắm bắt xu hướng hành vi tiêu dùng sẽ giúp cho chúng ta am hiểu khách hàng, biết được nhu cầu để đáp ứng đúng và kịp thời nhu cầu cũng như xu hướng tiêu dùng của khách hàng, để khách hàng tìm đến với chúng ta, ở lại với chúng ta, trung thành với chúng ta mà không phải bỏ qua nhiều tiền ra để làm quảng cáo, khuyến mại”, ông Nguyễn Hải Triều nói.
Ở góp độ khác, góp ý thêm về chiến lược bán hàng, ông Đặng Tiến Hoàng (ViruSs), Chuyên gia Omnichannel, cho rằng khách hàng bây giờ gần như không quan tâm đến việc thương hiệu nào bán sản phẩm, mà họ quan tâm đến ai bán. Đó là thương hiệu cá nhân. Bây giờ chúng ta đều biết như Hà Linh, Quyền Leo… có thể có doanh số bán hàng cao hơn rất nhiều các doanh nghiệp, cửa hàng lớn. ViruSs cũng không ngần ngại tiết lộ mình đã bán được 98 chiếc VinFast VF3 trên nền tảng online.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc văn phòng phía Nam, Bộ Khoa học & Công nghệ cho rằng để ứng dụng công nghệ đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư và phải có nguồn lực để theo đuổi cũng như thay đổi theo tốc độ phát triển của của công nghệ. “Đến giờ chúng ta mới bàn đến chuyện ứng dụng công nghệ cho doanh nghiệp thì thật là hơi trễ, nhưng trễ nên càng phải bàn và càng phải bàn cho tới”, ông Cường nói.