“Chuyển đổi kép” sẽ thiếu hiệu quả nếu không có sự đồng hành từ doanh nghiệp
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, nền kinh tế mới mà Việt Nam muốn kiến tạo là nền kinh tế có thu nhập cao, theo định hướng Xã hội chủ nghĩa; là nền kinh tế lấy con người làm trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau, đảm bảo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là nền kinh tế có cơ cấu hiện đại với mô hình tăng trưởng mới, dựa chủ yếu vào hiệu quả các nguồn lực, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; là nền kinh tế số, xanh và tuần hoàn và là nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu, rộng.
“Để xây dựng được nền kinh tế mới này, chúng ta đang thực hiện hai cuộc chuyển đổi lớn. Một là, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội chủ nghĩa gắn với hội nhập quốc tế. Hai là, chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh (hay chúng ta thường gọi là chuyển đổi kép). Điều đặc biệt là cả hai quá trình chuyển đổi này đều mang tính cách mạng”, PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết thêm, hai quá trình chuyển đổi này đều chưa có tiền lệ, còn nhiều điều ở phía trước. Đặc biệt là chúng ta phải đổi mới về thể chế, cơ chế, chính sách để phục vụ cho quá trình này; đồng thời cũng phải đổi mới về quản lý, quản trị và điều hành ở cả tầm vĩ mô (chính phủ) và vi mô (doanh nghiệp), trong đó người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, nhà nước đóng vai trò kiến tạo và dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu về "chuyển đổi kép" |
Tuy nhiên, đứng dưới góc độ của cơ quan nghiên cứu, tham mưu chính sách, TS.Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, việc xây dựng các chính sách phục vụ quá trình chuyển đổi kép còn gặp nhiều khó khăn. Bởi thực tế cho thấy cộng đồng doanh nghiệp chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều, và chưa hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Điều này dẫn đến hệ quả là các cơ quan hoạch định chính sách thiếu số liệu thực tiễn ở cấp độ doanh nghiệp để xây dựng các chính sách cụ thể, “sát sườn” hơn. Chẳng hạn, nếu không có thông tin, phối hợp từ các doanh nghiệp thì các cán bộ, công chức sẽ không bao giờ tự nghiên cứu, tự cụ thể hóa được các tiêu chuẩn riêng cho dự án kinh tế tuần hoàn trong một lĩnh vực cụ thể.
Ngay cả CIEM rất nhiều kinh nghiệm về sử dụng các mô hình định lượng để đánh giá tác động của chính sách, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn để “lượng hóa” tác động của đề xuất chính sách cho kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là đối với doanh nghiệp.
Song hành với cuộc cách mạng công nghiệp số, cuộc cách mạng công nghiệp xanh cũng đang tạo những áp lực và động lực cạnh tranh, phát triển giữa các quốc gia, các nền kinh tế và doanh nghiệp. Theo đó, xu thế chuyển đổi số thúc đẩy chuyển đổi xanh nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững là tất yếu trong bối cảnh hiện nay. Điều này đặt ra cho mỗi quốc gia, mỗi doanh nghiệp phải hoạch định những bước đi chiến lược nhằm phát huy tính đột phá và tính cơ hội của hai cuộc cách mạng này cho mục tiêu tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững. Đây là yếu tố sống còn, là năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế nói chung và mỗi doanh nghiệp nói riêng.