Triển khai nhanh cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi kép
Vẫn gặp nhiều khó khăn
Bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư từng chia sẻ tại một diễn đàn rằng, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số (hay chuyển đổi kép) đã trở thành những từ khóa quen thuộc, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19, đây được xem là một bước ngoặt, buộc các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ tại Việt Nam phải nhanh chóng thích nghi và chuyển đổi.
“Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số có mối quan hệ mật thiết, trong đó chuyển đổi số giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh nhanh hơn. Ngược lại, chuyển đổi xanh tạo ra áp lực và yêu cầu để doanh nghiệp lựa chọn các công cụ số phù hợp”, đại diện từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Chuyển đổi kép là một quá trình không hề dễ dàng |
Trên thực tế, dù cơ quan quản lý đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, tuy nhiên quá trình triển khai thực tế vẫn khá chậm. Các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với nhiều thách thức, từ chi phí đầu tư cao đến sự thiếu hụt nguồn lực tài chính.
Đơn cử như khi chuyển đổi xanh, ông Nguyễn Việt Long - Phó Tổng Giám đốc, tư vấn Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam (EY Việt Nam) cho biết, các doanh nghiệp vẫn thiếu thông tin về các tiêu chuẩn xanh và hướng dẫn về ESG. Không ít doanh nghiệp chia sẻ, họ không biết bắt đầu từ đâu để chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng thiếu nguồn lực để triển khai thực hiện, bao gồm nguồn lực về tài chính, công nghệ, con người…
Nhiều chuyên gia cũng đồng quan điểm, thách thức và rủi ro đang chờ doanh nghiệp khi thực hiện quá trình chuyển đổi xanh hiện nay chính là thiếu chuẩn mực phân loại xanh rõ ràng, khung pháp lý và chính sách còn thiếu và hay thay đổi.
Giải quyết “điểm nghẽn” cơ chế để trợ giúp doanh nghiệp
Để phát triển kinh tế mới phù hợp với định hướng chuyển đổi xanh và số, rõ ràng cần hoàn thiện mang tính tổng thể các thể chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi kép. Đặc biệt, trong chuyển đổi xanh là một quá trình tốn kém, lâu dài nên cộng đồng doanh nghiệp rất cần các cơ quan quản lý rà soát các chính sách và quy định pháp lý đã tồn tại để thay đổi cho phù hợp với xu hướng chuyển đổi, phù hợp với mô hình kinh tế tái chế, tuần hoàn...
Trao đổi với phóng viên về những giải pháp mà nhà nước có thể thực hiện để trợ giúp doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi kép, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên cao cấp - Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho hay, hiện các doanh nghiệp đang chần chừ do dự, bởi một phần các cơ chế chính sách dành cho chuyển đổi kép là quá chậm.
Doanh nghiệp rất cần các chính sách phù hợp trong khi chuyển đổi xanh, chuyển đổi số |
Để tháo gỡ điểm nghẽn, theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng thì cần sớm giải quyết những gì mà doanh nghiệp đang cần - nhất là trong việc chuyển đổi xanh đã nêu trên, đó chính là phân loại xanh tương thích với các chuẩn mực quốc tế và phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam; thực hiện tiêu chuẩn kiểm kê khí nhà kính. Đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cần tiến hành các hoạt động xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật về chuyển đổi xanh, số để sớm ban hành dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng rộng rãi.
Doanh nghiệp trên thực tế cũng rất cần các phương án hỗ trợ về tài chính từ ngân sách hay trái phiếu và điều kiện kinh doanh, từ đó cũng cần chính sách mạch lạc để doanh nghiệp sớm lên kế hoạch kinh doanh. Các chính sách cần ban hành sớm và duy trì một khoảng thời gian dài để doanh nghiệp điều chỉnh về cả chiến lược và hệ thống, ông Lạng lưu ý.
Cuối cùng, vị Phó giáo sư cũng “hiến kế” cho các cơ quan quản lý cần phối hợp giữa các bộ, ngành đưa một cơ chế quá độ, hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi từ chiến lược kinh doanh cũ sang chiến lược mới gắn với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Giai đoạn hỗ trợ này có thể lâu dài, kéo dài từ 5-10 cho đến khi đạt mục tiêu “phát thải ròng bằng 0”.
Song với đó, bởi chuyển đổi số và chuyển đổi xanh có mối quan hệ mật thiết với nhau, cho nên Chính phủ cần là đầu mối để sớm xây dựng các cơ sở dữ liệu dùng chung để doanh nghiệp và các đối tác có thể sử dụng được, ở đó họ có thể tìm được văn bản chính sách hướng dẫn, kinh nghiệm đi trước trong vấn đề này. Đây là điều cần thiết giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, cũng như thể hiện vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong quá trình chuyển đổi kép của cộng đồng doanh nghiệp.