Chuyển đổi năng lượng là xu thế tất yếu, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Phiên họp lần thứ 5 của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 - Ảnh: VGP |
Phiên họp đã đánh giá tình hình thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, bao gồm kết quả từ Phiên họp thứ 4, việc thực hiện JETP (Thỏa thuận chuyển đổi năng lượng công bằng) và AZEC (Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á). Các đại biểu cũng đưa ra đề xuất giải pháp cho giai đoạn tới, đặc biệt là về việc sửa đổi khung pháp lý để thu hút đầu tư vào chuyển đổi năng lượng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao sự phối hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tổ chức phiên họp, đồng thời nhấn mạnh biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp quốc tế. Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực trong xây dựng thể chế, đào tạo nhân lực và triển khai các chương trình, dự án liên quan đến khắc phục hậu quả thiên tai. Chuyển đổi năng lượng là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược, và Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc.
Thủ tướng đưa ra 4 điểm nổi bật về kết quả đạt được trong quá trình ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ nhất, nhận thức và hành động được thống nhất và tăng cường, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu an toàn trước thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về "0" theo đúng cam kết.
Thứ hai, kịp thời thể chế hóa các chủ trương của Đảng, triển khai kịp thời các cam kết (nội dung cam kết và việc triển khai thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 đã được nhanh chóng lồng ghép, cụ thể hóa thành các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, chiến lược, kế hoạch để triển khai thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương), điển hình là triển khai chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Thứ ba, hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, thu hút sự quan tâm, cam kết, triển khai các dự án cụ thể của các đối tác quốc tế; nhiều tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu với tiềm lực kinh tế, công nghệ cao, công nghệ ít phát thải khí nhà kính đã đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực. "Các chiến lược của quốc gia và của doanh nghiệp, nhà đầu tư phải cùng hướng thì mới tạo ra xung lực phát triển", Thủ tướng nói.
Thứ tư, có sự thay đổi rõ rệt về nhận thức và hành động, tự giác, nâng cao trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, giảm phát thải, ứng phó với biến đổi khí hậu của mỗi người dân.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành - Ảnh: VGP |
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế. Việc triển khai thực hiện cam kết còn chưa đồng đều, một số bộ phận làm chưa tốt. Các nhóm công tác hỗ trợ thực hiện JETP đã thành lập nhưng chưa thực hiện đúng tiến độ. Chính sách và quy định liên quan đến chuyển đổi năng lượng còn hạn hẹp so với yêu cầu phát triển.
Về các giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh cần có cơ chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt và quản lý thông minh. Quy định trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu phải được xây dựng với tư duy đổi mới, bám sát thực tiễn. Đồng thời, cần có sự quyết tâm lớn hơn trong thực hiện chuyển đổi năng lượng sạch và phát triển kinh tế xanh.
Thủ tướng yêu cầu huy động mọi nguồn lực, kết nối quốc tế và thu hút dòng tài chính xanh, công nghệ, tri thức để phát triển năng lượng sạch. Ông nhấn mạnh cần có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân và toàn diện, hướng tới lợi ích quốc gia và dân tộc.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; nghiên cứu cơ chế thu hút nguồn lực, nhất là nguồn lực hợp tác công-tư. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ mới và hợp tác quốc tế để phát triển ngành công nghiệp năng lượng sạch, bao gồm năng lượng tái tạo, hydrogen xanh và amoniac xanh.
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường. Bộ Nông nghiệp triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao vùng đồng bằng sông Cửu Long, và Bộ Giao thông vận tải thực hiện chương trình chuyển đổi năng lượng xanh trong ngành giao thông. Bộ Tài chính đẩy mạnh tài chính xanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường tín dụng xanh, và Bộ Khoa học và Công nghệ ưu tiên nguồn lực cho nghiên cứu ứng phó biến đổi khí hậu.