Chủ động ứng phó với giá điện tăng
Doanh nghiệp gặp khó khi giá điện tăng Giá điện tăng thêm 4,8% từ ngày hôm nay |
Ngành thâm dụng điện bị ảnh hưởng lớn
Ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, cơ sở tăng giá điện là theo Quyết định 05/2024/QĐ-TTg (ngày 26/3/2024) của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Việc điều chỉnh giá điện lần này tác động đến các đối tượng khách hàng khác nhau, phụ thuộc vào mức tiêu thụ và hành vi sử dụng điện của từng nhóm. Cụ thể, đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ, hiện có khoảng 547 nghìn khách hàng, trung bình mỗi tháng trả 5,17 triệu đồng tiền điện. Sau điều chỉnh, mỗi tháng sẽ trả thêm khoảng 247.000 đồng; Có 1,921 triệu hộ sản xuất, trung bình mỗi tháng trả 10,38 triệu đồng, sau điều chỉnh, tiền điện tăng thêm 499.000 đồng/tháng.
Một số doanh nghiệp cho rằng, việc tăng giá điện là điều không tránh khỏi nhưng vẫn tạo thêm áp lực lên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo ông Vũ Duy Khánh - Giám đốc phân tích Chứng khoán Smart Invest, việc tăng giá điện tác động trực tiếp đến hầu hết các doanh nghiệp. Bởi điện chính là "nguyên liệu thô" không thể thiếu trong quá trình sản xuất. Các ngành công nghiệp nặng như xi măng, thép và hóa chất sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tiêu thụ điện năng lớn. Ước tính, chi phí điện chiếm tới 14-15% giá vốn hàng bán trong ngành xi măng, 10% đối với ngành thép và khoảng 9% đối với ngành hóa chất. Trong khi đó, ngành sản xuất giấy cũng chịu tác động không nhỏ khi chi phí điện chiếm khoảng 4-5% trên tổng chi phí. Điều này cho thấy, việc tăng giá điện không chỉ là gánh nặng cho người tiêu dùng mà còn là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất.
Tăng giá điện tác động trực tiếp đến hầu hết các doanh nghiệp |
Việc tăng giá điện vừa qua đang đặt các doanh nghiệp dệt may, điển hình như Tổng Công ty May 10 vào thế khó. Ông Bạch Thăng Long - Phó tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, việc điều chỉnh này sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí sản xuất, gây áp lực lớn lên hoạt động kinh doanh.
Ông Nguyễn Đình Thuận - chuyên gia phân tích cao cấp - Khối phân tích - Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam cho biết, việc tăng giá điện sẽ tác động ngay đến chi phí sản xuất, đặc biệt là những ngành nghề thâm dụng năng lượng. Tuy nhiên, mức tăng không quá lớn. Nhìn vào mặt tích cực, việc tăng giá điện giúp EVN cân bằng lại tài chính và thúc đẩy sự phát triển của các dự án năng lượng trong tương lai. Nhiều dự án mới được đầu tư và đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết bài toán cung ứng điện tại Việt Nam. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của cả nước.
"Hiện EVN đang lỗ lũy kế khoảng 21,821 tỷ đồng, chủ yếu là bởi giá bán lẻ điện thấp hơn so với giá thành sản xuất điện. Tăng giá điện là tất yếu nên việc tăng trong thời điểm như hiện tại là quyết định hợp lý, tránh rủi ro áp lực tăng giá trong những thời điểm thiếu điện. Theo đó, các doanh nghiệp cũng sớm chủ động trong việc điều chỉnh chi phí sản xuất cũng như đưa ra phản ứng phù hợp. Ngoài ra, quyết định này cũng tạo tiền đề cho các doanh nghiệp phát triển nhiều dự án cung ứng, truyền tải điện để chuẩn bị cho những chu kỳ có áp lực cung ứng điện trong tương lai", ông Nguyễn Đình Thuận chia sẻ.
Tiết giảm chi phí, chuyển đổi năng lượng
Theo ông Lê Mai Hữu Lâm, Tổng giám đốc CTCP sản xuất thiết bị điện công nghiệp Cát Vạn Lợi: "Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc tăng giá bán là điều không dễ dàng. Chúng tôi buộc phải tìm mọi cách để tiết giảm chi phí, nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời. Việc giá điện tăng không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, mà còn tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng, đẩy giá cả hàng hóa tiêu dùng lên cao. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tìm kiếm những giải pháp bền vững như chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo".
Để đối phó với việc tăng giá điện, ông Bạch Thăng Long cho biết, May 10 cùng nhiều doanh nghiệp khác trong ngành đang tích cực tìm kiếm các giải pháp như tiết kiệm điện năng, tối ưu hóa quy trình sản xuất. Tuy nhiên, ông Long cũng thừa nhận rằng việc tăng giá điện tại thời điểm này, khi thị trường còn nhiều biến động và đơn hàng chưa thực sự ổn định, sẽ là một thách thức không nhỏ. Trước những khó khăn này, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư vào các giải pháp năng lượng sạch như điện mặt trời để giảm phụ thuộc vào lưới điện quốc gia. Việc này không chỉ giúp cắt giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, đối mặt với tình trạng giá điện tăng cao, các doanh nghiệp cần tối ưu hiệu suất hoạt động và tăng hiệu quả sử dụng điện; nên cân nhắc lắp đặt các thiết bị điện và cơ khí hiệu suất cao. Doanh nghiệp cũng cần tăng sự chủ động trong nguồn cung năng lượng thông qua việc lắp đặt các hệ thống sử dụng năng lượng tái tạo quy mô như điện mặt trời áp mái.