Chuyển đổi số báo chí - mệnh lệnh của thời đại
Phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 Xu hướng làm báo hiện đại từ việc chuyển đổi số báo chí |
Con đường tất yếu để cạnh tranh
Nói về vai trò của chuyển đổi số đối với báo chí hiện nay, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ rõ, báo chí muốn phát triển thì cần không gian mới, lực lượng sản xuất mới, nguồn lực sản xuất mới, yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới. Không gian mới là không gian số; lực lượng sản xuất mới là công nghệ số; nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số; yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số; động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Bởi vậy, đầu tư vào công nghệ số, nhân lực số, dữ liệu số và đổi mới sáng tạo số sẽ là đầu tư vì tương lai của báo chí.
Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh, không gian mạng bây giờ là trận địa chính, là trận chiến chính của báo chí. Như vậy, đến thời điểm này, dịch chuyển sang không gian số, tạo nguồn thu từ nội dung số là mệnh lệnh mà các tòa soạn phải tiến bước.
Có thể nói chuyển đổi số báo chí ở Việt Nam không ngoài mục đích xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Chuyển đổi số là con đường tất yếu để báo chí cạnh tranh trong bối cảnh mới |
Không chỉ vậy, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, những yếu tố như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (big data) đang tác động trực tiếp và ngày càng rõ nét đến nhiều chiều cạnh, mang đến cả cơ hội và thách thức cho báo chí.
Theo ông Đồng Mạnh Hùng - Trưởng Ban Thư ký biên tập, Phó Chủ tịch thường trực Liên Chi hội Nhà báo Đài Tiếng nói Việt Nam, thực tế cho thấy, làm truyền thông đại chúng không còn là “đất diễn” riêng của báo chí. Và một cá nhân dùng điện thoại thông minh có thể thành “nhà báo tự do” đưa tin, thậm chí thông tin họ lan truyền có thể nhanh và hấp dẫn hơn các nhà báo chuyên nghiệp. Nhiều tình huống, thông tin của “nhà báo tự do” còn đi trước và báo chí chuyên nghiệp phải dựa nguồn và “chạy theo”.
Báo chí hiện cũng đang trong vòng xoáy cạnh tranh gay gắt trong môi trường truyền thông bùng nổ của mạng xã hội. Theo Báo cáo Việt Nam Digital 2024 do tổ chức We Are Social mới công bố, số người dùng Internet tại Việt Nam hiện đã lên tới 78,44 triệu người; có 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội vào tháng 1 năm 2024, tương đương với 73,3% tổng dân số. Đồng thời, khoảng 96,6% người dùng Internet bằng điện thoại di động. Cũng theo khảo sát từ We Are Social, người Việt Nam trung bình dành ra 6 tiếng 18 phút/ngày để truy cập Internet; 2 tiếng 25 phút một ngày để sử dụng mạng xã hội; 59,6% người dùng sử dụng Internet để cập nhật tin tức, sự kiện…
Những con số trên đây chỉ ra rằng, cơ hội hiện hữu cho báo chí Việt Nam là nhu cầu thông tin của công chúng rất lớn, trong đó đặc biệt là tiếp cận thông tin, giải trí trên môi trường Internet. Điều đó cho thấy, chuyển đổi số là tất yếu trong hoạt động báo chí và là việc phải làm của mỗi cơ quan báo chí, không phải chỉ để lan tỏa thông tin mà nó là vấn đề sống còn để giành thị phần công chúng và doanh thu truyền thông, quảng cáo trong phát triển kinh tế số.
Vừa làm vừa điều chỉnh khi chuyển đổi số
Theo ông Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của báo chí hiện đại để phục vụ độc giả tốt nhất, nhanh nhất. Chuyển đổi số không đơn giản là đầu tư thiết bị công nghệ, phần mềm mà phải chính là thay đổi tư duy từ lãnh đạo đến cán bộ, phóng viên, nhân viên; là đổi mới toàn bộ quy trình sản xuất nội dung, quy trình kinh doanh, quy trình vận hành tòa soạn.
Chuyển đổi số phải bảo đảm chất lượng báo chí ngày càng cao, xây dựng đội ngũ độc giả trung thành. Các cơ quan báo chí phải mạnh dạn triển khai hoạt động chuyển đổi số; không ngừng sáng tạo, vừa làm vừa điều chỉnh thay vì chờ đợi; tăng cường công tác đào tạo, đổi mới hình thức đào tạo; xây dựng kho dữ liệu dùng chung, công cụ đo lường, thu thập dữ liệu độc giả... Như vậy, chuyển đổi số mới có thể thành công, đạt hiệu quả.
Chia sẻ bài học về chuyển đổi số của cơ quan báo chí, theo ông Đồng Mạnh Hùng, các báo cần “liệu cơm gắp mắm” trong ứng dụng công nghệ 4.0 vào làm báo, hướng đến các xu hướng làm báo chí đa nền tảng, báo chí dữ liệu, báo chí di động và truyền thông xã hội. Đồng thời, xây dựng đội ngũ nhân lực 4.0, sử dụng thành thạo các công nghệ làm báo, có thể kết nối nhân sự các ban chuyên môn khác nhau như nội dung, kỹ thuật, đồ họa... để cùng xử lý tư liệu và sáng tạo sản phẩm báo chí nhanh nhất có thể.
Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí đưa nội dung lên các nền tảng số (ưu tiên các nền tảng số trong nước); 90% cơ quan báo chí sử dụng nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động; 100% cơ quan báo chí hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ và các mô hình phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới, sản xuất nội dung theo các xu hướng báo chí số. |
Đối với việc quản trị và quản lý toà soạn, từ Tổng biên tập đến các lãnh đạo cấp phòng ban, các phóng viên, kỹ thuật viên... đều phải hiểu về báo chí 4.0 và tùy vị trí việc làm đều cần phải được đào tạo và đào tạo lại để có những kiến thức, kỹ năng nhất định phục vụ làm báo trong thời kỳ mới. Đồng thời, coi trọng nội dung nhưng không xem nhẹ kỹ thuật công nghệ. Quan điểm này cần được xuyên suốt trong mọi hoạt động tổ chức sản xuất nội dung báo chí.
Xác định chuyển đổi số là con đường, xu hướng tất yếu không thể đảo ngược nhưng theo lãnh đạo một số cơ quan báo chí, thách thức, khó khăn nhất vẫn là vấn đề nguồn lực và tài lực. Bởi lẽ, khi chuyển đổi số đòi hỏi phải có kinh phí, có tài chính nhưng không phải cơ quan báo chí nào cũng đáp ứng được điều kiện đó. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi báo chí gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các loại hình thông tin khác, nhất là mạng xã hội, các cơ quan báo chí càng gặp khó khăn hơn trong vấn đề tìm nguồn thu để tái đầu tư vào các nền tảng công nghệ đa thiết bị và đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ người làm báo.
Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực đa dạng hóa nguồn thu, các cơ quan báo chí rất cần sự hỗ trợ từ phía chính sách, cơ quan chủ quản để có thể gia tăng thêm nguồn lực phục vụ cho quá trình chuyển đổi số.
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã chính thức ra mắt Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí; công bố bộ chỉ số đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí và giới thiệu cổng kết nối trực tuyến công cụ phần mềm đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí. Theo đó, Trung tâm là đầu mối hỗ trợ cung cấp thông tin, tài liệu, hướng dẫn các cơ quan báo chí thực hiện đo lường, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số; kết nối, tập hợp các chuyên gia, nhà nghiên cứu uy tín, lãnh đạo của các cơ quan báo chí lớn có vai trò dẫn dắt để cùng giải quyết những vấn đề mà công cuộc chuyển đổi số báo chí đòi hỏi... Đây được đánh giá là một giải pháp tích cực, hỗ trợ các cơ quan báo chí trong việc chuyển đổi số mạnh mẽ hơn, hướng tới các mục tiêu về chuyển đổi số đã đặt ra.