Chuyển đổi số: Xu hướng để thị trường xuất nhập khẩu vượt khó
Giao thương trực tuyến: “Cú hích” để thúc đẩy xuất nhập khẩu | |
Chuyển đổi số: Tạo đột phá trong hiệu suất vận hành doanh nghiệp | |
Chuyển đổi số để giải quyết nhanh thủ tục hành chính |
Ảnh minh hoạ |
Nắm bắt xu hướng mới
Trước những khó khăn của thị trường xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Cao Quốc Hưng, đánh giá: Đây là thời điểm để doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số.
“Trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm kiếm một mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt hơn, vừa tiết giảm chi phí, vừa tối ưu nguồn lực để vượt qua khó khăn”, Thứ trưởng khẳng định.
Nắm bắt được xu hướng này, nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia giao thương trực tuyến, áp dụng chuyển đổi số để thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá ra thị trường thị trường thế giới, bất chấp những khó khăn từ dịch Covid-19.
Nhìn vào thực tiễn có thể thấy, liên tiếp các hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế được tổ chức nhằm tìm kiếm cơ hội “xuất ngoại” cho các sản phẩm hàng hoá của Việt Nam như hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam 2020, hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Trung Quốc (Sơn Đông) 2020… và tới đây là hội nghị giao thương trực tuyến hàng tiêu dùng Việt Nam - Bulgaria.
Sau mỗi chương trình, cơ hội đưa hàng Việt tiến ra thị trường quốc tế ngày càng rộng mở. Đơn cử, chương trình “Nhãn Việt Nam mình!” do Thương vụ Việt Nam tại Úc đã tổ chức đã đưa 7,5 tấn nhãn từ Việt Nam thông quan tại bang Nam Úc và dự kiến 9 tấn nhãn từ của vùng đất Hải Dương sẽ lên tàu sang Úc vào ngày gần nhất.
Theo bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), chia sẻ: Thời gian qua do ảnh hưởng dịch Covid-19 hoạt động xúc tiến thương mại bị tắc lại, do đó Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến thương mại. Chí tính riêng từ tháng 4/2020 đến nay Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai 15 cuộc giao thương trực tuyến và đã ghi nhận những kết quả bước đầu rất tích cực.
Tích cực ứng dụng công nghệ
Bên cạnh tăng cường giao thương trực tuyến, các cơ quan quản lý cũng như nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã lựa chọn chuyển đối số, áp dụng khoa học công nghệ để xây dựng được thương hiệu hàng Việt Nam có uy tín trên thị trường xuất khẩu.
Theo đó, Bộ Công thương đã sử dụng hệ thống chứng nhận xuất xứ điện tử eCoSys, cho phép thương nhân xuất khẩu nộp chứng từ đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) trực tuyến. Nhờ đó, góp phần tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian giải quyết các hồ sơ, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Về phía các doanh nghiệp, nhiều hoạt động chuyển đổi số đã được triển khai. Mới đây, Công ty Rạng Đông chính thức hoàn thiện mặt bằng và thực hiện chuyển đổi số ở một số bộ phận. Tất cả đều được công ty tích hợp qua công nghệ thông tin, cập nhật hàng ngày thông qua kết nối wifi và tiến tới mục tiêu xây dựng một nhà máy thông minh trong tương lai gần. Việc chuyển đổi này nhằm đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020 xuất khẩu đạt khoảng 1.100 tỷ.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, nội thất đã sử dụng nền tảng triển lãm trực tuyến HOPE để trưng bày sản phẩm, kết nối giao thương với các nhà mua hàng trong và ngoài nước thông qua triển lãm trực tuyến.
Nhờ có chuyển đổi số, các đơn đặt hàng xuất khẩu của doanh nghiệp cũng tăng đáng kể. Theo đại diện Công ty TNHH Mỹ Thuật Hương Nga cho biết, sau khi xây dựng và hoàn thiện nhà máy, showroom 3D trực tuyến thông qua nền tảng HOPE, chỉ trong 1 tháng doanh nghiệp đã có 2 đơn hàng xuất khẩu sang Anh và Đức.
Dù mang nhiều lợi ích cho doanh nghiệp nhưng theo các chuyên gia đánh giá việc đẩy mạnh chuyển số ở nước ta vẫn còn nhiều trở ngại khi tư duy “sợ mất mát, ngại thay đổi” vẫn còn.
Theo bà Vũ Thị Hồng Nhung, Phó giám đốc Công ty cổ phần VietRAP chia sẻ, mặc dù chuyển đổi số sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển nhanh hơn trong kinh doanh nhưng hiện nay phần lớn vẫn chưa sẵn sàng do gặp phải những thách thức, khó khăn về hạ tầng, nguồn nhân lực và quyết tâm của chủ doanh nghiệp.
Vì vậy, theo ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam: Các doanh nghiệp cần khai thác nền tảng số một cách chủ động, trong đó chú trọng vào việc phát triển website, mạng xã hội… nhằm tương tác với khách hàng, qua đó tiếp cận và phát triển thị trường.