Giao thương trực tuyến: “Cú hích” để thúc đẩy xuất nhập khẩu
Thương mại điện tử: Trong cơ có nguy | |
Doanh nghiệp nhỏ được gì trong thương mại kỹ thuật số? | |
60 nhà nhập khẩu giày dép Hoa Kỳ sẽ giao thương trực tuyến với doanh nghiệp Việt Nam |
Ảnh minh hoạ |
Nối liền vết nứt gãy cung - cầu
Trước đây, hội chợ, triển lãm - vốn là cách tiếp cận tối ưu nhất để giao thương với khách hàng quốc tế, đáp ứng nhu cầu “sờ tận tay, nhìn tận mắt” các sản phẩm mới quyết định mua hàng. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn cách giao thương truyền thống này. Thay vào đó, các hội chợ trực tuyến, các showroom 3D… ra đời để nối liền vết nứt gãy cung - cầu giữa Việt Nam và quốc tế.
Bà Đinh Thị Hương Nga, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Thuật Hương Nga chia sẻ: Dịch Covid-19 khiến doanh thu của công ty sụt giảm, đội ngũ bán hàng phải hoạt động với công suất gấp ba lần bình thường để duy trì và tìm khách hàng mới. Nhưng dù khách hàng quan tâm thì họ cũng chưa mua, vì còn đợi "sờ, nắm" được sản phẩm.
Để thay đổi tình thế này, mới đây, Công ty TNHH Mỹ Thuật Hương Nga đã xây dựng và hoàn thiện nhà máy, showroom 3D trực tuyến thông qua nền tảng HOPE đã cho hiệu quả tích cực. Chỉ trong 1 tháng kể từ khi hoàn thiện, doanh nghiệp đã có 2 đơn hàng xuất khẩu sang Anh và Đức.
“Những đơn hàng này có thể giúp duy trì công ăn việc làm cho mấy chục nhân viên và hoạt động kinh doanh đến hết năm”, bà Hương Nga chia sẻ.
Không chỉ riêng, Công ty Hương Nga mà nhiều doanh nghiệp khác cũng ghi nhận được các đơn hàng xuất khẩu từ việc áp dụng mô hình xúc tiến và quảng bá trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh: Một số sản phẩm phù hợp với nền tảng online ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc so với giai đoạn trước dịch Covid-19. Thông tin từ một số doanh nghiệp lớn, số hóa nhanh cho thấy doanh số không sụt giảm.
Không chỉ chủ động làm mới mình trong cách trưng bày và giới thiệu sản phẩm, nhiều doanh nghiệp còn tăng cường tham gia các các hội chợ trực tuyến để tìm kiếm cơ hội có đơn hàng xuất khẩu.
Trong suốt thời gian diễn ra dịch Covid-19, Công ty cổ phần Phân phối sản phẩm công nghệ MT cùng khoảng 5.000 lượt doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề đã tham gia các kỳ hội chợ, giao thương trực tuyến và có thêm những khách hàng mới.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty cổ phần Phân phối sản phẩm công nghệ MT cho biết: Nhờ tham gia hội chợ trực tuyến, công ty đã ký kết được nhiều đơn hàng và có thêm nhiều đối tác mới tại tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Kết quả này là nhờ vào các chương trình hội chợ trực tuyến do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức. Đến nay, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai 20 cuộc hội thảo, giao thương - hội chợ trực tuyến với các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, châu Á. Nổi bật là hội nghị xúc tiến thương mại với Hoa Kỳ ngày 15/7 hay như sự kiện kết nối giao thương với thị trường Thổ Nhĩ Kỳ ngày 21/7 vừa qua.
Phương thức xúc tiến thương mại hữu hiệu
Nhìn từ kết quả này, có thể thấy, giao thương trực tuyến đang là một mắt xích quan trọng góp phần tiếp sức để các doanh nghiệp tăng cường xuất nhập khẩu, qua đó góp phần vào thành công chung của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm xuất khẩu đạt gần 146 tỷ USD, xuất siêu 6,5 tỷ USD, gấp ba lần cùng kỳ năm ngoái.
Đồng thời, giải pháp này cũng giúp các doanh nghiệp nắm bắt chuyển biến mới, tăng năng lực cạnh tranh, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, đưa hàng hóa Việt Nam tới nhiều hơn nữa các thị trường thế giới, nhất là các hiệp định thương mại vừa có hiệu lực trong thời gian qua.
Theo các chuyên gia nhận định, thực hiện giao thương thông qua hội chợ trực tuyến, showroom 3D… không chỉ là giải pháp tạm thời để thúc đẩy xuất nhập khẩu trong thời dịch Covid-19. Bởi, đây là hướng đi hợp với xu hướng, cần được xem xét như những giải pháp tối ưu cho kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
“Ngay cả khi dịch Covid-19 được kiểm soát thì đây vẫn là phương thức xúc tiến thương mại hữu hiệu bên cạnh hoạt động giao thương truyền thống”, bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khẳng định.
Vui mừng trước việc các doanh nghiệp tích cực, chủ động tham gia giao thương trực tuyến, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định: Cách làm này rất hay, ứng dụng được công nghệ thông tin, giảm thiểu tiếp xúc để phòng, chống dịch nhưng vẫn tạo ra hiệu quả kinh tế. Quan trọng là doanh nghiệp phải làm thật, trung thực và trách nhiệm trong giao dịch, bởi, trước khi hàng Việt Nam xuất khẩu đi thì người Việt Nam phải yêu hàng hoá đó trước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để giao thương trực tuyến thực sự phát huy được hết hiệu quả cũng còn gặp nhiều khó khăn, mà nguyên nhân là quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp tại Việt Nam còn nhiều trở ngại; nhiều doanh nghiệp chưa tự tin đưa sản phẩm, trưng bày showroom ảo và nỗi lo vi phạm bản quyền thiết kế trên không gian mạng vẫn còn hiện hữu...