Chuyển đổi số để giải quyết nhanh thủ tục hành chính
VietinBank tiên phong triển khai Chính phủ điện tử | |
Chính thức khai trương Cổng Dịch vụ công Quốc gia | |
An toàn, an ninh mạng luôn là điều kiện tiên quyết để phát triển Chính phủ điện tử |
Chương trình chuyển đổi của TP.HCM được xây dựng dựa trên Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố. Mục tiêu cơ bản đến 2030, 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%; tỷ lệ người dân và DN có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%...
Trước đó, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.HCM và Quyết định phê duyệt Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM, đồng thời hoàn thiện hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (HCM LGSP) theo Kiến trúc chính quyền điện tử thành phố. Kiến trúc chính quyền điện tử là một kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của thành phố, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của TP.HCM phát triển thành đô thị thông minh.
Bên cạnh đó, thành phố đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số của thành phố nhằm định hướng và đề ra các giải pháp để chủ động tối ưu hoá các lợi ích từ chuyển đổi số trong mối tương quan với Đề án Xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh và Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực do quá trình chuyển đổi số gây nên, nhất là phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Thúc đẩy chuyển đổi số tại TP.HCM cũng chính là thúc đẩy nhiều việc đang làm và sẽ làm ở mức cao hơn, như Kho dữ liệu dùng chung (hạ tầng dữ liệu) hay Đề án xây dựng đô thị thông minh (hướng đến xã hội số).
Lãnh đạo TP.HCM cho biết, việc cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử TP.HCM nhằm phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0 (được ban hành theo Quyết định số 2323/QĐ-BTTT ngày 31/12/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông). Bên cạnh đó việc cập nhật cũng nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, liên thông của các hệ thống thông tin của thành phố nhằm theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các giải pháp công nghệ mới như công nghệ dữ liệu lớn (Big Data); ảo hoá, điện toán đám mây; xu hướng tăng cường tính di động; Internet vạn vật (Internet of things - IoT)...
Ông Đức khẳng định, nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu thành phố nhằm kết nối các cơ sở dữ liệu hiện có của thành phố và kết nối với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; giúp tăng khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, DN dựa trên nền tảng dữ liệu, thông tin tin cậy được chia sẻ giữa các cơ quan nhà nước với nhau.
Sự chia sẻ dữ liệu cũng giảm nguy cơ đầu tư trùng lắp vì xác định rõ được các thành phần, hệ thống thông tin trong chính quyền điện tử và trách nhiệm, lộ trình triển khai của các cơ quan. TP.HCM xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử ở mức tổng thể, làm cơ sở để các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và phường, xã, thị trấn có thể tham chiếu khi phát triển, nâng cấp, kết nối và triển khai các hệ thống thông tin tại đơn vị. Đồng thời, chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông - vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường, năng lượng, đào tạo nhân lực...
Tham dự hội nghị công bố chương trình chuyển đổi số của TP.HCM, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, TP.HCM là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành chương trình chuyển đổi số hưởng ứng mạnh mẽ đi đầu trong triển khai chuyển đổi số quốc gia. Sự thành công của TP.HCM sẽ kéo theo cả nước thành công. Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn TP.HCM đẩy nhanh các bài toán về các vấn đề cần giải quyết đến cộng đồng DN số để tập trung phát triển các DN làm chủ công nghệ, phát triển sản phẩm, DN hạ tầng logistics của nền kinh tế số…
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí Thư Thành ủy TP.HCM cũng cho rằng, việc công bố chương trình chuyển đổi số phản ánh TP.HCM chọn con đường phát triển nhanh hơn bằng các công cụ thông minh công nghệ số... Chính vì vậy, ông Nhân yêu cầu lãnh đạo TP.HCM phát triển trung tâm giới thiệu sản phẩm để DN có thể trưng bày sản phẩm của mình như du lịch, giao thông, giáo dục, y tế... Các sản phẩm theo chủ đề tùy theo nhu cầu sẽ được các DN nhất là các DN khởi nghiệp sẽ sáng tạo trình bày... để các DN rà soát công nghệ thông tin đảm bảo số hóa DN.