Cơ hội hút vốn đầu tư nước ngoài cho Fintech
Nuôi dưỡng hệ sinh thái Fintech Việt Nam | |
Việt Nam đứng đầu ASEAN về thu hút vốn đầu tư vào giải pháp thanh toán trong lĩnh vực Fintech |
Bên cạnh đó, để thực hiện các giải pháp được đề ra tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính trong nền kinh tế (Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ), một trong những chính sách mới được đề cập trong Dự thảo Nghị định đó là dự kiến quy định hoạt động đại lý thanh toán.
Dịch vụ phải đáp ứng được nhiều nhu cầu
NHNN Việt Nam được giao trình Chính phủ, một số nội dung liên quan đến Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP quy định về TTKDTM vào tháng 6/2020. Theo NHNN, thời gian qua ban soạn thảo đã nhận được các ý kiến khác nhau xung quanh việc quy định giới hạn tỷ lệ vốn góp, do dịch vụ trung gian thanh toán là loại hình dịch vụ mới dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu của công nghệ nên đầu tư nước ngoài đóng vai trò khá quan trọng, nếu hạn chế có thể ảnh hưởng đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán nói riêng, Fintech nói chung.
Ngoài ra, thực tế hiện nay có một số tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán lớn đã được cấp phép và có tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vượt mức 49% nên cũng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp này. “Nên NHNN dự kiến sẽ trình Chính phủ không đưa tỷ lệ giới hạn (49%) vào Dự thảo Nghị định”, bản công báo của NHNN nêu rõ.
Theo Luật Đầu tư, người nước ngoài muốn đầu tư vào Fintech Việt phải thông qua một pháp nhân. Ông Nghiêm Thanh Sơn - Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc NHNN cho biết, Fintech một lĩnh vực rất rộng, bao gồm: các công ty làm trung gian thanh toán, blockchain, cho vay ngang hàng và các giải pháp liên quan đến trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, quản lý tài chính cá nhân…
Cho đến nay NHNN đã cấp phép đủ điều kiện kinh doanh cho 32 đơn vị làm trung gian thanh toán, trong số đó chủ yếu là các nhà cung ứng ví điện tử ra thị trường. Tốc độ phát triển của các công ty Fintech đang tăng rất nhanh ở Việt Nam, nếu năm 2016 mới có khoảng 40 công ty, thì đến cuối năm 2019 đã tăng lên đến hơn 150 công ty. Fintech hoạt động theo Luật Đầu tư nhưng là một loại hình kinh doanh có điều kiện nên cần có thêm giấy phép do cơ quan quản lý tiền tệ cấp phép.
Ông Nguyễn Hoàng Ly - Tổng giám đốc Công ty Fintech cho biết, hiện nay thị trường đã mở rộng theo chiều ngang, số lượng công ty Fintech tham gia rất đa dạng, chỉ riêng các công ty làm về trung gian thanh toán được cấp phép đã lên đến trên 30 công ty. Tuy vậy, thị trường sắp tới sẽ mở rộng theo chiều sâu, nghĩa là các công ty Fintech sẽ phải tập trung: Mở rộng danh sách dịch vụ, xu hướng one-stop-shop là khách hàng mong muốn sử dụng một dịch vụ duy nhất đáp ứng được nhiều yêu cầu của họ nhất, chứ không muốn sử dụng nhiều dịch vụ khác nhau, mỗi dịch vụ cho 1 yêu cầu tài chính riêng biệt.
Bên cạnh đó, mở rộng tập khách hàng bằng các biện pháp kinh doanh, hợp tác hoặc sáp nhập. Ví dụ: công ty Fintech A đang tập trung giải pháp Ví điện tử và công ty Fintech B đang tập trung giải pháp quản lý tài chính cá nhân - PFM (Personal Financial Management). Theo đó, hoàn toàn có thể hợp tác để mở rộng cả dịch vụ lẫn tập khách hàng, tạo trải nghiệm one-stop-shop cho khách hàng để vừa quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, vừa kết hợp mua sắm thông qua Ví điện tử.
Chuyển tiền sẽ rất rẻ
Cũng theo NHNN Việt Nam, để thực hiện các giải pháp được đề ra tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng như nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính trong nền kinh tế (Quyết định số 1726/QĐ-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ), một trong những chính sách mới được đề cập trong Dự thảo Nghị định sửa đổi thay thế Nghị định 101 đó là dự kiến quy định hoạt động đại lý thanh toán.
Theo Dự thảo, với mô hình giao đại lý, ngân hàng được giao cho bên đại lý cung ứng một phần các dịch vụ thanh toán như nộp/rút tiền mặt vào/ra tài khoản, thanh toán hóa đơn hàng hóa, dịch vụ... Chính sách mới này nhằm mục tiêu hỗ trợ phổ cập tài chính sâu rộng hơn tới đông đảo người dân bằng việc tăng cường đưa dịch vụ tài chính tới những người dân vốn trước đây chưa có tài khoản ngân hàng, khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa...
Bên cạnh đó, quy định này cũng giúp cho ngân hàng có thể tiếp cận khách hàng mà không phải mở rộng mạng lưới chi nhánh/phòng giao dịch, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Ông Nguyễn Hoàng Ly cho biết, việc cho phép các công ty Fintech thực hiện đại lý ngân hàng (thanh toán, chuyển tiền...) sẽ giúp cho các công ty này mở rộng theo chiều sâu, cung cấp trải nghiệm one-stop-shop cho khách hàng. Ngoài ra, về phía ngân hàng cũng sẽ gia tăng được số lượng giao dịch thực tế, vì có mạng lưới đại lý Fintech. Thời gian tới các công ty fintech sẽ có thể kết nối “1:N” với nhiều ngân hàng để làm đại lý và ngược lại một ngân hàng cũng có thể có nhiều đại lý Fintech khác nhau.
Do đó, thị trường sẽ cạnh tranh gay gắt về chất lượng dịch vụ và cả mức giá dịch vụ. Khách hàng sẽ có rất nhiều lựa chọn đa dạng với nhiều tổ hợp Fintech-Bank và có thể chuyển đổi tổ hợp nhà cung cấp khi không hài lòng. Như vậy cuộc cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn về chiều sâu nhưng lại tạo một thị trường mở và trải nghiệm khách hàng tốt hơn.
Ông Phạm Xuân Hòe - Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng thuộc NHNN cho biết, trong chiến dịch tài chính toàn diện thì việc các cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ tài chính hữu ích với giá cả phải chăng. Khi tương lai phát triển đủ mạnh công nghệ tài chính, mỗi một smartphone sẽ là một chi nhánh ngân hàng.
Theo đó, mô hình ngân hàng đại lý sẽ đáp ứng được ít nhất 5 dịch vụ căn bản như: tài khoản thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm. Khi tiện ích tài chính được đáp ứng đến tận vùng sâu, vùng xa cho người dân còn đẩy lùi được tín dụng đen, bởi khả năng tiếp cận tài chính cá nhân của người tiêu dùng ở các công ty công nghệ tài chính được nhà nước cấp phép sẽ không còn ai muốn đi “vay nóng” ngoài xã hội.