Tìm cơ hội để Fintech Việt bứt phá
Nuôi dưỡng hệ sinh thái Fintech Việt Nam Fintech Việt nhộn nhịp đón vốn |
Có cơ hội nhưng gặp khó về vốn
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, số lượng công ty Fintech đã tăng gấp hơn 4 lần trong giai đoạn 2015 đến 2021, từ 39 công ty lên đến hơn 154 công ty. Tập đoàn Robocash đánh giá, thị trường Fintech Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ hai trong khu vực, sau Singapore, dự kiến sẽ đạt 18 tỷ USD vào năm 2024 với mức độ cạnh tranh cao.
Đáng chú ý, các quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia tích cực vào hoạt động cấp vốn cho các công ty Fintech. Theo Báo cáo đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2024 do Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) và Do Ventures công bố, trong giai đoạn từ 2013-2023, số tiền đầu tư cho Fintech chiếm tỷ trọng cao nhất so với các lĩnh vực đổi mới sáng tạo khác, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực thanh toán và dịch vụ tài chính với số vốn đầu tư lần lượt là 1,043 tỷ USD và 459 triệu USD.
Tuy số tiền đầu tư vào Fintech Việt Nam, lớn nhưng vai trò dẫn dắt nguồn vốn đầu tư vào thị trường đầy tiềm năng này hiện vẫn thuộc về các quỹ đầu tư nước ngoài. Điều đáng lo ngại là cơ hội để Việt Nam thu hút thêm nguồn vốn mới từ các quỹ đầu tư nước ngoài đang thu hẹp dần.
Theo báo cáo toàn cảnh đầu tư năm 2023 của quỹ Nextrans Việt Nam, dòng vốn đầu tư lĩnh vực Fintech của quỹ đạt 138 triệu USD, giảm nhẹ so với năm 2022. Xu hướng giảm này đã diễn ra trong hai năm liên tiếp, nhưng mức giảm đã thu hẹp sau khi giảm tới gần 74% vào năm 2022.
Lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, thông thường, các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư trong khoảng 3-5 năm và sau đó thoái vốn để thu lợi nhuận. Tuy nhiên, sự thiếu hụt khung pháp lý cho Fintech tại Việt Nam đã tạo ra tâm lý e ngại cho các nhà đầu tư quốc tế khi cơ hội thoái vốn của họ ở Việt Nam là rất hạn chế.
“Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư. Các quỹ đầu tư phải đối mặt với áp lực lớn từ các nhà đầu tư của họ. Khi không thể thoái vốn, dòng vốn mới vào quỹ để tiếp tục đầu tư sẽ bị hạn chế. Các nhà quản lý quỹ đang gặp khó khăn và không biết quá trình gọi vốn sẽ còn vướng mắc kéo dài bao lâu”, ông Nguyễn Hòa Chung, Giám đốc Điều hành Quỹ đầu tư tư nhân của Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVS) nhận định.
Khi cơ hội từ vốn ngoại có xu hướng giảm cũng là lúc thị trường mong đợi nhiều hơn vào các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước. Việc phát huy vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm nội địa có ý nghĩa quan trọ̣ng đối với quá trình phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam nói chung và đối với Fintech nói riêng. Tuy nhiên, các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước lại gặp hạn chế trong quy định về huy động vốn, hạch toán kế toán và khai báo thuế, thiếu chính sách hỗ trợ tài chính hay ưu đãi thuế phù hợp với tính đặc thù của loại hình đầu tư này… dẫn đến số lượng đầu tư vào các dự án còn hạn hẹp.
Hoàn thiện khung pháp lý là cơ hội lớn nhất
Vừa qua, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được thông qua, trong đó có quy định Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư vốn vào doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực quan trọng về khoa học, công nghệ. Đây là một tín hiệu tích cực, song theo các chuyên gia, nếu chỉ dừng lại như một cơ chế thí điểm tại đạo luật dành riêng cho một địa phương thì “chiếc áo” pháp lý này khá chật so với nhu cầu thực tế của thị trường. Do đó, theo các chuyên gia, cần sớm bắt tay vào nghiên cứu, xây dựng và ban hành khung chính sách tổng thể về phát triển thị trường Fintech tại Việt Nam.
Ngoài ra, để thị trường Fintech Việt hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư trong nước và quốc tế, theo ThS. Võ Tiến Lộc, Học viện Khoa học Xã hội, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện nhiều chính sách, chương trình và dự án nhằm tạo dựng môi trường thông thoáng, cơ sở hạ tầng thuận lợi cho việc đa dạng hóa các sản phẩm Fintech; đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý, cũng như điều chỉnh hệ thống pháp luật thông thoáng, đặc biệt dựa trên đổi mới công nghệ.
Các cơ quan quản lý nên tập trung vào chức năng kinh tế của các sản phẩm Fintech, cụ thể hơn là các rủi ro cơ bản của chúng (rủi ro tín dụng, thanh khoản, khả năng thanh toán và hoạt động), thay vì hình thức kỹ thuật số của chúng. Đồng thời, cần tăng cường sự hợp tác giữa công ty Fintech và ngân hàng để tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng. Sự hợp tác này được coi là tiền đề để nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng cho người dùng tại Việt Nam trong bối cảnh phát triển của kỹ thuật số.
Dưới góc nhìn doanh nghiệp, để có bước đột phá mạnh mẽ cho Fintech, theo ông Nguyễn Thanh Hiển - Tổng giám đốc Finviet, cơ quan quản lý nên sớm hoàn thiện, ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sandbox, trong đó có việc cho phép các tổ chức tín dụng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp Fintech trong thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Đồng thời, nên cho phép các tổ chức có năng lực công nghệ, tài chính, quản trị hiện đại được tham gia vào thị trường vốn quy mô nhỏ qua các mô hình ngân hàng ứng dụng công nghệ, kỹ thuật số...