Cổ phiếu ngân hàng và xây dựng kéo VN-Index tăng 3,57 điểm
Tiếp tục rung lắc trong biên độ hẹp, VN-Index ghi nhận sự phân hóa khi lực cầu vẫn chủ yếu tập trung đến một vài ngành riêng lẻ. Trong đó, cổ nhóm cổ phiếu viễn thông và xây dựng có được mức tăng nổi bật nhất, đều trên 1%.
Chỉ số VN-Index vẫn có khả năng sẽ về kiểm tra kháng cự ngắn hạn. |
Thêm vào đó, sự cân bằng, tăng giảm đan xen của các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc VN30 cũng khiến cho thị trường không có nhiều thay đổi lớn về mặt chỉ số.
Tính đến đầu phiên chiều, thanh khoản toàn thị trường đạt xấp xỉ 7 nghìn tỷ đồng và thanh khoản mua chủ động lên đến gần 80% cho thấy dòng tiền vẫn đang tham gia và vận động tích cực.
Tâm lý thận trọng vẫn đang được khối ngoại thể hiện khi vẫn tiếp tục duy trì đà bán ròng xuyên suốt phiên với thanh khoản 461 tỷ đồng, tập trung bán HPG, VND, NVL.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 3,57 điểm, tương đương với 0,33% lên 1.070,64 điểm. Tương tự, HNX-Index đóng cửa tại 215,90 điểm, tăng 1,99 điểm
Về góc nhìn kỹ thuật, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, VN-Index kết phiên tạo Spinning top thể hiện sự cân bằng giữa bên mua và bên bán. Xét về khung đồ thị ngày, VN-Index vẫn đang có xu hướng vận động tích lũy tích cực trong biên độ hẹp và đang dần vượt ra khỏi mây ichimoku. Thêm vào đó, việc mở rộng lên phía trên của dải Bollinger band cùng với việc hướng lên của 2 chỉ báo MACD và RSI cũng củng cố thêm cho tín hiệu tăng điểm của thị trường trong thời gian ngắn hạn.
Với diễn biến hiện tại, VCBS cho rằng, VN-Index hoàn toàn có thể bật tăng để kiểm tra lại khu vực kháng cự quanh vùng 1.075 - 1.080 điểm trong các phiên giao dịch sắp tới.
Một số nhận định khác cho biết, mở cửa tuần mới với nhiều thông tin tích cực về chính sách, VN-Index bắt đầu với mức tăng nhẹ khi các cổ phiếu VN30 hầu hết đều có sắc xanh sau ATO, đặc biệt là nhóm cổ phiếu Ngân hàng.
Dù có nhúng xuống dưới tham chiếu ngay sau đó nhưng chỉ số tiếp tục bật tăng lên hơn 3 điểm khi TCB, STB, TPB, VPB thể hiện mức tăng ấn tượng trên dưới 2%, cùng với các cổ phiếu xây dựng - vật liệu liên quan tới đầu tư công như VCG, FCN, LCG, HHV, KSB, CII…
Điểm số có thời điểm giảm về vùng tham chiếu khi VCB giảm hơn 2% nhưng hồi phục hoàn toàn trong phiên chiều để đóng cửa với mức tăng 3,57 điểm. Một số cổ phiếu điện cũng có mức tăng tốt như PGV, NT2 tăng hơn 4%. Thanh khoản trên HoSE đạt 12.532,36 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng 468,36 tỷ đồng, rải ra các mã lớn thuộc VN30 và chứng chỉ quỹ Diamond.
Chuyên gia chứng khoán Đinh Thái Huyền Trang cho biết, VN-Index đóng cửa với mức cao nhất phiên kèm theo volume lớn hơn trung bình là tín hiệu tích cực với xu hướng tăng. Các đường MA ngắn hạn đều đã hướng lên ủng hộ xu hướng tăng tiếp tục.
Hệ thống đánh giá và phân loại trạng thái diễn biến của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS) cũng ghi nhận thị trường trong phiên giao dịch 22/05/2023 tương ứng với diễn biến tăng giá. Xét trong ngắn hạn T+3, sức mạnh tổng quan của chỉ số VN-Index ghi nhận duy trì trở lại kịch bản tăng điểm mặc dù áp lực điều chỉnh vẫn đang có dấu hiệu duy trì trong bối cảnh một số chỉ báo kỹ thuật đang cảnh báo tín hiệu quá mua.
Theo đó, một diễn biến điều chỉnh nhẹ có thể diễn ra và chỉ số VN-Index vẫn có khả năng sẽ về kiểm tra hỗ trợ ngắn hạn 1.054 điểm của đường EMA 20 ngày trước khi quay trở lại xu hướng tăng giá hiện tại và hướng tới vượt vùng kháng cự 1.085 - 1.095 điểm.