“Cởi mở” hơn với năng lượng tái tạo
Tiếp sức cho hành trình chuyển dịch năng lượng của Đông Nam Á Gỡ khó cho các dự án điện lớn |
Trong đó, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực NLTT đang trở thành giải pháp quan trọng của các quốc gia trong nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu và thúc đẩy tự chủ năng lượng.
TS. Cao Thị Hồng Vinh, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, vấn đề biến đổi khí hậu trên thế giới hiện nay đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. Điều này đòi hỏi các nước phải đẩy mạnh tìm kiếm các phương án để một mặt ứng phó với biến đổi khí hậu, mặt khác vẫn đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu bền vững.
Đối với những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, FDI là nguồn lực quan trọng, nhất là khi vấn đề thiếu hụt năng lượng và ô nhiễm môi trường đang được quan tâm, thì việc đẩy mạnh thu hút FDI vào sản xuất NLTT trở nên tất yếu.
Theo Nghiên cứu của HSBC, Việt Nam được xếp hạng là điểm đến đầu tư tốt nhất cho NLTT ở ASEAN nhờ một số yếu tố như nguồn tài nguyên sẵn có, nhu cầu về điện tăng và mục tiêu đầy tham vọng của Chính phủ đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cũng như mục tiêu tuyệt đối về NLTT (khoảng 30% năng lượng sử dụng của Việt Nam năm 2030 sẽ là năng lượng gió/mặt trời). |
Báo cáo Đầu tư Thế giới của UNCTAD (2023) nêu, kể từ khi Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu được thông qua năm 2015, vốn đầu tư vào NLTT đã tăng gần 3 lần, tuy nhiên chủ yếu đổ vào các quốc gia phát triển. Trong khi đó, mặc dù cần đến 1,7 nghìn tỷ USD đầu tư về NLTT mỗi năm, các nước đang phát triển chỉ thu hút được 544 tỷ USD (bao gồm lưới điện, đường dây truyền tải và lưu trữ.
Việt Nam mặc dù nằm trong nhóm các nước đang phát triển có thu hút được lượng vốn FDI vào NLTT lớn thứ 2 thế giới, nhưng mức thiếu hụt nguồn vốn cho phát triển NLTT vẫn rất cao. Các ước tính cho thấy, mỗi năm Việt Nam cần đến 10 tỷ USD đầu tư cho các dự án NLTT, thì đến năm 2030 mới có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu năng lượng của xã hội.
Thực tế, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, tỷ lệ đóng góp của nguồn điện NLTT khoảng 5% vào năm 2020; khoảng 25% vào năm 2030 và khoảng 45% vào năm 2050. Điều này đặt ra bài toán cần có các nghiên cứu tham mưu chính sách để có những phương án thu hút nguồn vốn FDI đáp ứng được yêu cầu, chất lượng cho phát triển NLTT.
Chuyên gia TS. Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Trung tâm NLTT, Viện năng lượng (Bộ Công Thương) cho rằng, mặc dù Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách để thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường NLTT.
Tuy nhiên, với yêu cầu về vốn đầu tư ban đầu lớn trở thành rào cản lớn đối với dòng chảy FDI vào lĩnh vực này. Ngoài ra, khả năng tiếp cận vốn địa phương và sự có sẵn về đất đai là các yếu tố quyết định quan trọng.
Các dự án về NLTT đặc thù với chi phí cố định ban đầu lớn trong việc mua sắm, lắp đặt trang thiết bị và nhân công. Nên nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng mong muốn sớm đạt được điểm hòa vốn hoặc giảm bớt các rủi ro…
Trên thực tế, việc đón các dự án FDI chất lượng trong lĩnh vực NLTT sẽ có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của quốc gia nhận đầu tư. Việc đẩy mạnh thu hút FDI vào NLTT mở ra cơ hội giúp quốc gia nhận đầu tư gia tăng số lượng việc làm. Đồng thời, các khoản đầu tư vào NLTT có thể giúp cải thiện chất lượng môi trường.
Hiện nay, đối với hai ngành điện gió và điện mặt trời, tiềm năng đóng góp vào GDP của Việt Nam lên tới 70-80 tỷ USD, tạo ra khoảng 90.000 - 105.000 việc làm trực tiếp. Đây là một tiềm năng lớn để phát triển xã hội, nhưng cũng là một bài toán đảm bảo sự hài hòa giữa tăng trưởng và phát triển cho các cơ quan có thẩm quyền cũng như yêu cầu trách nhiệm to lớn đối với các nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường Việt Nam.