Gỡ khó cho các dự án điện lớn
Bàn giải pháp sớm đưa các dự án điện khí vào sử dụng Huy động 135 tỷ USD cho các dự án theo Quy hoạch điện VIII |
Tháo rào cản về vốn
Tại Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) mà Bộ Công Thương đang xây dựng và lấy ý kiến đã bổ sung một số quy định mới như Khoản 13 Điều 5 về chính sách ưu tiên phát triển nhiệt điện khí, Khoản 3 Điều 28 về cơ chế và chính sách đặc thù đối với các dự án nhiệt điện khí, điện gió và năng lượng mới được lựa chọn thông qua đấu thầu (không theo phương thức đối tác công tư - PPP), Điều 32 về việc phát triển điện gió ngoài khơi và Điều 34 về phát triển điện từ năng lượng mới (bao gồm nhiệt điện khí như LNG).
“Các cơ chế và chính sách này tương đối sát với những vấn đề đã gặp phải trong việc đàm phán và thực hiện các dự án điện quy mô lớn. Do vậy, hy vọng đây sẽ là nguồn động lực mới thúc đẩy việc triển khai các dự án nguồn điện mới”, ông Lê Bá Thành Chung, Luật sư Điều hành Công ty Luật TNHH Xây dựng Việt Nam - CLVN, nhìn nhận.
Tuy nhiên, ông Chung cho biết, dường như các cơ chế và chính sách trong Khoản 3 Điều 28 chi tiết và rộng hơn trong các Khoản 13 Điều 5, Điều 32 và 34, và chỉ dành cho các dự án được lựa chọn thông qua đấu thầu. Nói cách khác, những cơ chế và chính sách tại Khoản 3 Điều 28 không áp dụng cho các dự án nguồn điện không thông qua hình thức đấu thầu. Các dự án đã có trong quy hoạch điện sẽ không được áp dụng các cơ chế và chính sách theo Khoản 3 Điều 28 mà chỉ áp dụng theo Điều 32 và 34, trừ khi dự án được đấu thầu lại.
“Từ kinh nghiệm của tôi, điều kiện để thu xếp tài chính trên thị trường vốn quốc tế về cơ bản là giống nhau, và không có sự phân biệt giữa dự án thông qua đấu thầu và không qua đấu thầu. Quy định như dự thảo sẽ khiến các dự án điện đã có trong quy hoạch và không thông qua đấu thầu sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn trong việc thu xếp vốn trên thị trường vốn quốc tế”, Luật sư Chung nhìn nhận và đề xuất điều chỉnh danh mục các cơ chế và chính sách đặc thù quy định tại Khoản 3 Điều 32 và Điều 34 thống nhất với các cơ chế và chính sách đặc thù tại Khoản 3 Điều 28. Tuy nhiên, các cơ chế và chính sách đặc thù áp dụng cho từng dự án cụ thể sẽ phụ thuộc vào việc xem xét và chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Ông Chung cũng chỉ ra Khoản 3 Điều 28 không áp dụng cơ chế và chính sách đặc thù cho các dự án nguồn điện thực hiện theo Luật PPP sẽ khiến các dự án BOT cũng đối mặt với nhiều thách thức hơn trong việc thu xếp vốn trên thị trường vốn quốc tế.
Việc giới thiệu khái niệm 'Nguồn năng lượng tái tạo có thể điều độ' trong Luật là rất quan trọng |
Cần cơ chế thúc đẩy năng lượng tái tạo
Đại diện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), bà Phạm Linh Ngân, Trưởng Ban Thư ký Nhóm Công tác về Điện và Năng lượng ghi nhận, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) lần này giải quyết những vấn đề tồn đọng trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, cần bổ sung định nghĩa về năng lượng tái tạo có thể điều độ (Điều 4). Bởi dự thảo Luật định nghĩa điện năng lượng tái tạo bằng cách liệt kê các nguồn năng lượng khác nhau và được hiểu là vốn thường không/khó điều độ được. Nhưng thật ra năng lượng tái tạo có thể điều độ được khi được phát triển cùng với các hệ thống lưu trữ điện năng. “Do đó, việc giới thiệu khái niệm 'Nguồn năng lượng tái tạo có thể điều độ' trong Luật là rất quan trọng. Đây sẽ là cơ sở để Chính phủ nghiên cứu và thiết lập các chính sách phù hợp. EVN cũng sẽ có thể mua điện dựa trên yêu cầu điều độ hệ thống, loại bỏ đặc điểm khó điều độ vốn có của các nguồn tái tạo. Sự thay đổi này cũng sẽ đặt trách nhiệm duy trì hệ thống điện ổn định và tin cậy lên các nhà đầu tư”, bà Ngân phân tích.
Điểm b, Khoản 2, Điều 15 dự thảo quy định Bộ Công Thương quyết định điều chỉnh tiến độ các dự án trong thời kỳ quy hoạch; phương án đấu nối các dự án nguồn điện theo phạm vi phân cấp về quy hoạch… VBF cũng đề nghị làm rõ Bộ Công Thương liệu có thẩm quyền phê duyệt phạm vi kết nối lưới điện của các dự án điện gió ngoài khơi trong kế hoạch thực hiện quy hoạch hay không? Dự thảo Luật có trao cho Thủ tướng thẩm quyền chung để quyết định bổ sung các dự án mới vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia hay không, hay chỉ có thẩm quyền bổ sung các dự án để thay thế các dự án chậm tiến độ trong quy hoạch?
Về tiêu chí để dự án điện lực được đánh giá là phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, phương án phát triển mạng lưới cấp điện (Khoản 1, Điều 18), VBF cho rằng, dự thảo Luật cần cung cấp thêm chi tiết và thủ tục về việc đề xuất đưa một dự án vào Quy hoạch Điện hoặc kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện, và miễn trừ khỏi việc liệt kê trong trường hợp của các dự án điện gió ngoài khơi thí điểm (nếu dự án thí điểm đó được phê duyệt theo nghị quyết đặc biệt của Quốc hội hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ).
Ghi nhận việc chấp nhận sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài trong các dự án điện gió ngoài khơi là một tín hiệu tích cực (Điều 32), song VBF đề nghị cần làm rõ các quy định liên quan đến tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các dự án điện gió ngoài khơi ban đầu. VBF cũng đề nghị việc hạn chế chuyển nhượng dự án điện gió ngoài khơi chỉ nên đến giai đoạn trước khi dự án đủ các điều kiện tuân thủ các quy định pháp luật đầu tư, xây dựng có thể công nhận vận hành thương mại (COD) là đủ nghiêm ngặt thay vì quy định tại Khoản 1, Điều 33 chỉ được chuyển nhượng sau khi dự án đã vận hành và phát điện theo quy định. Đồng thời, bổ sung các trường hợp được miễn áp dụng khung giá phát điện do Bộ Công Thương phê duyệt bao gồm luôn “nhà máy điện theo cơ chế thí điểm” và “nhà máy điện vận hành theo quy định của Hợp đồng mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng”.