Cơn bão dịch vụ mạng di động mùa tết
Hiện nay, điện thoại di động đã trở thành vật bất ly thân của phần lớn người Việt thành niên thậm chí chưa đến tuổi thành niên, vì nó đáp ứng rất tốt nhu cầu giữ và trao đổi thông tin liên lạc – một nhu cầu thiết yếu của xã hội hiện đại.
Tuy nhiên hiện nay, với những người sinh sống ở các vùng quê hay các khu công nghiệp, nơi mà internet cùng các trò chơi hiện đại chưa có hoặc còn hạn chế thì sự gắn bó của điện thoại di động với người dân của khu vực này còn mang một ý nghĩa khác chứ không dừng lại ở tác dụng nghe, gọi, nhắn tin.
Người bán sim đứng với mật độ rất dày |
Đơn giản bởi điện thoại di động hiện nay đã trở thành dụng cụ truyền tải những gói dịch vụ gia tăng của nhà mạng. Các gói dịch vụ này ra đời theo như sự quảng bá của nhà mạng chính là giúp người dùng hoà nhịp vào cuộc sống hiện đại và đáp ứng tốt các nhu cầu thiết thực nhất của họ!
Tôn chỉ, mục tiêu bao giờ cũng là điều đẹp đẽ nhất, nhân văn nhất. Thế nhưng, nhìn vào nội dung không ít các dịch vụ của nhà mạng hiện nay, các tri thức khoa học có giá trị hướng đến những điều trong sáng và cao đẹp dường như là một điều quá xa xỉ.
Thay vào đó là những chương trình, những nội dung, kiến thức dễ dãi với mục đích đánh trúng vào tâm lý tò mò và bản năng “hướng dục” của những người có nhận thức hạn chế, nhất là cư dân vùng xa các trung tâm kinh tế - văn hóa. Từ đó gây nghiện cho người sử dụng nó. Chính vì thế điện thoại di động giờ đây vô tình trở thành dụng cụ “thủ dâm” tinh thần rất nguy hại cho sức khỏe tinh thần của người sử dụng nó.
Thị trường sim rác trước “cơn bão” dịch vụ tràn vào
Những ngày cuối năm, dọc một vài các tuyến đường, tuyến phố gần các chợ sinh viên, các cổng trường đại học hay các khu công nghiệp… Người đi đường không còn lạ lẫm gì cảnh cứ cách vài bước chân là có một người đứng cầm biển rao bán sim “sim đẹp giá rẻ”, “sim giá siêu rẻ”... Hoặc trên các trang mạng xã hội, các tin nhắn, email spam quảng cáo và bán sim cũng sôi động không kém.
Trong vai một người đi mua sim, dừng lại hỏi một bạn bán sim trước cổng chợ Nhà Xanh, tôi được biết, một chiếc sim rác có giá rẻ nhất là 140.000 đồng. So với sim đăng ký tại các cửa hàng, đại lý thì giá cao hơn rất nhiều, tùy thuộc vào từng đầu số.
Thế nhưng sim vẫn bán được và người sử dụng vẫn chấp nhận mua vì khi sử dụng loại sim đó, ngoài khuyến mãi tiền trong tài khoản, giảm giá cước cuộc gọi thì những người sử dụng nó có thể đăng ký rất nhiều dịch vụ gia tăng của nhà mạng. Tâm lý chung của những người dùng sim rác là cảm giác tiện lợi, không có nhu cầu gắn bó giữ số máy, khi đã hết khuyến mại thì quẳng vào sọt rác và mua sim mới.
Tuy nhiên, với những người đặt mối quan hệ lâu dài và có ý thức chăm sóc các mối quan hệ với họ, điều mang tính sống còn trong sự nghiệp, thì việc thay đổi số điện thoại, hoặc liên lạc bằng nhiều sim là không thể chấp nhận.
Anh Nguyên Chương, Phó tổng biên tập Báo Ấp Bắc tỉnh Tiền Giang khi được hỏi về vấn đề này cho rằng: “Tôi rất khó chịu với những người thay đổi số điện thoại liên tục, vì điều đó thể hiện sự không nghiêm túc trong mối quan hệ với mình mà phía sau người đó chắc còn nhiều điều khuất tất. Vì vậy những người thường xuyên thay đổi số tôi sẽ không lưu số của họ”.
Không chỉ anh Chương mà khi hỏi một số nhà văn, nhà giáo và một vài doanh nhân trẻ thì hầu như việc thay đổi số điện thoại là điều không thể xảy ra với họ. Và tất nhiên với các dịch vụ của nhà mạng họ đều không quan tâm và tất nhiên, đối tượng khách hàng “khôn ngoan, khó tính này” không phải là đối tượng khách hàng mà nhà mạng hướng các dịch vụ gia tăng đến.
Đối tượng khách hàng của các dịch vụ gia tăng của nhà mạng chính là những người có nhận thức hạn chế và thu nhập thấp. Đây là một thị trường “béo bở” chiếm hơn 60% dân số, một thị trường mà khách hàng chỉ cần trả 40 đồng thậm chí là cho họ nghe gọi miễn phí thì nhà mạng và các bên liên quan vẫn thu về một số lãi “khủng”.
Họ là sinh viên, công nhân, nông dân… những người sống ở các khu vực thiếu thốn thông tin và các kênh giải trí. Họ “đói” thông tin. Họ tò mò về giới tính và các vấn đề sinh sản. Họ muốn chơi game mà không có máy tính…
Vì vậy, chiếc điện thoại di động như là một cây cầu kết nối họ với thế giới hiện đại bằng những gói dịch vụ giải trí như game, ca nhạc, các chương trình đậm chất “sex” núp dưới bóng tư vấn sức khỏe sinh sản và các kỹ năng “yêu” “ẩm ướt” đến trần trụi.
Theo một nguồn thông tin đáng tin cậy, thì trung bình mỗi tháng nhà mạng hủy từ 4.000- 5.000 thuê bao (sim rác) trong khi đó, có những ngày số thuê bao mới đăng ký lên tới 2.000 số.
Cuối năm, sau đợt thưởng tết, hồi hương vui tết, hàng chục triệu sinh viên, lao động ly hương sẽ là một thị trường không thể “lý tưởng” hơn mà các nhà mạng có thể mơ ước. Lượng sim rác được tung ra thị trường những tháng cuối năm nhằm cung ứng đủ cho nhu cầu khách hàng, hứa hẹn một vụ “bội thu” của nhà mạng.
Ai có lợi?
Tết là thời điểm sinh viên, công nhân tạm xa sự náo nhiệt và những trò giải trí nơi thành phố. Và một tâm trạng chung của rất nhiều người khi trở về quê là cảm thấy hụt hẫng thiếu thốn, cảm giác “đói công nghệ”. Họ hụt hẫng không hẳn bởi cái “tết bây giờ không còn như tết xưa” mà là do thay đổi môi trường và thói quen sinh hoạt giải trí.
Bùi Ngọc Nam làm công nhân ở Bình Dương, trước khi về quê Thanh Hóa ăn tết đã không quên trữ sẵn cái sim rác để sử dụng các dịch vụ của nhà mạng trong thời gian “tạm thời gián đoạn
internet”. Nam nói: “Dùng sim này được khuyến mãi nhiều, gọi lại rẻ mà còn có thể đăng ký các dịch vụ của nhà mạng thoải mái”.
Lúc tôi gặp Nam, cậu không chỉ mua sim cho mình mà còn mua hàng mấy chục sim, Nam thanh minh: “bạn bè ở quê nhờ mua hộ”.
Về phía các nhà mạng, ngoài việc phòng và khắc phục tình trạng nghẽn mạng trong dịp tết thì họ cũng đã chuẩn bị nội dung các chương trình, gói dịch vụ rất kỹ càng. Từ các dịch vụ gửi lời yêu thương, quà tặng, khuyến mãi giảm giá cước cuộc gọi… đến các chương trình ca nhạc chủ đề mùa xuân, các game mới nhất, các chương trình tư vấn sức khỏe và cách chăm sóc sức khỏe vào ngày tết… thậm chí là tư vấn về quan hệ vợ chồng trong những ngày này.
Trước tết, các chiêu thức quảng cáo được đưa ra rất hấp dẫn. Ví dụ: “Đăng ký gói cước ngày bạn chỉ mất phí 2.000 đồng và được khuyến mãi 30 phút nghe miễn phí. Đăng ký gói cước tháng bạn chỉ mất 7.000 đồng/tháng và được sử dụng 60 phút nghe miễn phí… Sau khi hết số phút nghe miễn phí thì chỉ phải trả 40 đồng/phút”. Các thông tin về dịch vụ cùng chương trình khuyến mãi của nhà mạng được gửi đi qua sms, sóng radio, truyền hình và một vài kênh khác…
Dịch vụ gia tăng của nhà mạng phát triển, đã đồng thời làm tăng lên lượng sim rác được tiêu thụ ra thị trường. Bên cạnh đó, nó giúp cho các đơn vị sản xuất, cung cấp dịch vụ gia tăng của nhà mạng thu được lợi nhuận lớn. Khi những người sử dụng sim rác và dịch vụ của nhà mạng cảm thấy số tiền mình bỏ ra rất rẻ vì chỉ cần 2.000 đồng-7.000 đồng/tháng là có thể sử dụng rất nhiều các tiện ích, thì hàng ngày nhà mạng đang thu một khoản lợi nhuận rất lớn.
Theo những gì tôi được biết, một gói cước dịch vụ nghe radio qua tổng đài 12** thì, cứ khoảng 30 phút số tiền thu về từ dịch vụ đó là từ 10-15 triệu đồng. Vì nội dung xây dựng chương trình đa phần là sự cóp nhặt, không phải đầu tư chất xám nhiều nên chi phí sản xuất rẻ nhưng các dịch vụ đó đã thu được một món lợi rất lớn.
Những ngày cuối năm nay, các dịch vụ của nhà mạng đang đẩy mạnh truyền thông quảng cáo cho sản phẩm của mình. Một trong những kênh truyền thông của nhà mạng mà khách hàng cần chú ý đề phòng đó là quảng cáo qua tin nhắn. Có nhiều trường hợp chủ thuê bao không biết là sim của mình đã đăng ký dịch vụ mà nhà mạng gửi đến.
Bởi trong một số luồng tin nhắn quảng cáo của nhà mạng gửi về, chỉ cần một cú bấm nút vào đâu đó thì chủ thuê bao đã đăng ký dịch vụ mà không hề biết. Để rồi không sử dụng dịch vụ nhưng hàng tháng vẫn phải trả tiền cước. Có thể nói đây là một dạng “móc tài khoản” rất tinh vi của nhà mạng.
Xã hội phát triển, điện thoại di động là phương tiện mang lại nhiều lợi ích cho con người. Thế nhưng, sự tác động của nó tới cộng đồng tốt hay xấu hoàn toàn là ở sự định hướng nội dung, tính năng mà các dịch vụ của nhà mạng đem đến cho người dùng.
Xã hội phát triển, điện thoại di động là phương tiện mang lại nhiều lợi ích cho con người. Thế nhưng, sự tác động của nó tới cộng đồng tốt hay xấu hoàn toàn là ở sự định hướng nội dung, tính năng mà các dịch vụ của nhà mạng đem đến cho người dùng. |