Công nghiệp ô tô Việt Nam: “Bắt nhịp” vào sân chơi hội nhập
Ngành công nghiệp ô tô: Sẽ “cất cánh” nếu tiếp tục được hỗ trợ | |
Nghị định số 57/2020/NĐ-CP: Tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô |
VinFast cán mốc doanh số hơn 30.000 xe bán ra sau 18 tháng |
Thị trường ảm đạm
Thị trường ôtô Việt Nam vừa trải qua một năm 2020 vô cùng ảm đạm. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng tới thị trường ôtô ở cả phía cung lẫn phía cầu. Về phía cung, chuỗi cung ứng bị đứt gãy đã ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất, lắp ráp xe trong nước. Nhiều nhà máy như Ford, Toyota, TC Motor, Honda… phải tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch.
Trong khi ở phía cầu, doanh số bán xe của các đơn vị thành viên Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 107.183 xe, giảm 30,5% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức thấp nhất trong 5 năm qua. Chỉ đến khi Việt Nam cơ bản khống chế được dịch bệnh và những chính sách kích cầu của Chính phủ thì xu hướng tiêu dùng những tháng cuối năm được đẩy mạnh làm thị trường sôi động hơn nhưng vẫn ở mức thấp.
Theo báo cáo của VAMA, tính đến hết tháng 11/2020, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 248.768 chiếc, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả năm 2020, sức tiêu thụ tại thị trường ô tô Việt Nam có thể giảm cao hơn mức dự đoán 15% hồi đầu năm.
Mặc dù gam màu chủ đạo của thị trường ôtô trong năm 2020 là gam “màu trầm”, nhưng những tháng cuối năm cũng lóe lên một vài điểm sáng khi lượng xe bán ra cả lắp ráp và nhập khẩu đều tăng. Theo nhận định của giới chuyên gia, thị trường ôtô giai đoạn cuối năm nhộn nhịp hơn khi nhu cầu mua sắm xe thường tăng cao trong dịp này. Đặc biệt, việc Chính phủ cho phép giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước từ cuối tháng 6/2020 đã giảm bớt gánh nặng cho các DN lắp ráp ôtô trong nước, qua đó giúp cho xe “nội” có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với xe “ngoại”.
Đơn cử chỉ trong tháng 11/2020, VinFast đã bán ra tổng cộng 4.040 xe ô tô, bao gồm 2.816 xe Fadil, 676 xe Lux A2.0 và 548 xe Lux SA2.0. Kết quả bán hàng kỷ lục trong tháng 11 giúp VinFast cán mốc doanh số hơn 30.000 xe bán ra chỉ sau chưa đầy 18 tháng chính thức gia nhập thị trường.
Tuy nhiên bước sang năm 2021, chính sách hỗ trợ 50% phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ chính thức hết hiệu lực theo Thông tư mới nhất được Bộ Tài chính ban hành. Trong khi đại dịch Covid vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều nước như hiện nay, các DN và người lao động tiếp tục thắt chặt chi tiêu khiến thị trường rất khó đoán định.
Đột phá còn chậm
Trong 5 năm qua, không kể năm 2020 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tốc độ phát triển ngành ôtô Việt Nam cao nhất ASEAN, đạt khoảng 12-13%. Tuy nhiên, ngành công nghiệp ôtô tại Việt Nam hiện vẫn ở quy mô nhỏ so với các nước trong khu vực.
Với mục tiêu phát triển công nghiệp ôtô trong nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ; các bộ, ngành chức năng cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, giải pháp hỗ trợ DN trong hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa, sản xuất, kinh doanh sản xuất các sản phẩm cơ khí nói chung, phụ tùng linh kiện, ôtô nói riêng…
Bởi vậy, ngành công nghiệp ôtô đã có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng mở rộng sản xuất, lắp ráp trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hoá; nhiều DN, sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ ngành công nghiệp ôtô phát triển mạnh mẽ.
Hiện cả nước có hơn 40 DN sản xuất, lắp ráp ô tô, đóng góp lớn cho ngân sách, tạo ra nhiều việc làm. Nhiều dự án sản xuất, lắp ráp ôtô quy mô lớn với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới thị trường khu vực đã hình thành, như: Tổ hợp sản xuất ôtô VinFast tại Hải Phòng; các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô du lịch thương hiệu Mazda; ôtô tải, ôtô bus của Công ty cổ phần ôtô Trường Hải (Thaco); các dự án mở rộng sản xuất ôtô du lịch và ôtô thương mại thương hiệu Hyundai của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công...
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong thời gian qua, nhưng theo các chuyên gia, ngành sản xuất, lắp ráp ôtô Việt Nam vẫn chưa đạt được tiêu chí của một ngành sản xuất ôtô thực sự. Theo đó, phần lớn các DN trong nước hiện chỉ thực hiện mức độ lắp ráp đơn giản với dây chuyền sản xuất gồm 4 công đoạn chính: Hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra. Chỉ có một số DN như Công ty TNHH sản xuất và Kinh doanh VinFast hay Công ty Honda Việt Nam có thực hiện công đoạn là lắp ráp thêm động cơ.
Trong khi đó công nghiệp hỗ trợ trong ngành ôtô Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế khiến hàng năm, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 2 - 3,5 tỷ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất lắp ráp và sửa chữa ôtô. Theo VAMA, xe sản xuất tại Thái Lan, Indonesia chỉ có khoảng 10% linh kiện nhập khẩu, trong khi xe lắp ráp ở Việt Nam phải nhập trên 80% linh kiện. Chi phí nhập khẩu linh kiện đắt đỏ dẫn đến chi phí sản xuất, lắp ráp xe trong nước cao hơn so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN khoảng 10-20%.
Cần chính sách kích cầu, đủ mạnh
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong thời gian tới, ngành ô tô Việt Nam cũng gặp phải sự cạnh tranh lớn với các sản phẩm ôtô đến từ các quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA. Nếu Việt Nam không quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ôtô với những giải pháp phù hợp, ngành này sẽ khó phát triển trong tương lai.
Ông Lê Dương Quang - Chủ tịch VASI cho biết, để phát triển ngành ôtô trong nước cũng như nâng tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm cần có chính sách, giải pháp quyết liệt và nhất quán, tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm một số DN Việt Nam. Đặc biệt, cần hỗ trợ DN tận dụng cơ hội thị trường do các chính sách vừa ban hành, tập trung đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ôtô của các DN lớn trong thời gian gần đây và tương lai. Đồng thời tháo gỡ những khó khăn về thuế, hải quan…
Theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trước mắt cần có các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy công nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước phát triển, cạnh tranh với xe nhập khẩu. Trong đó có những hành lang pháp lý tạo điều kiện cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển. Cùng với đó, DN Việt phải nắm được công nghệ để đủ sức cạnh tranh. Cần có cái nhìn toàn diện hơn về cung - cầu, những xu hướng phát triển mới của ngành ôtô, hệ sinh thái cho ngành này phù hợp với cả sản xuất và bên tiêu dùng.
Có thể thấy, điều kiện tiên quyết để tạo đà phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước là phải có một hành lang pháp lý đủ rộng giúp DN yên tâm đầu tư lâu dài, qua đó, góp phần tăng quy mô thị trường sản xuất trong nước và hỗ trợ DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao sức cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Đánh giá về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, thời gian tới Chính phủ có nhiều giải pháp khuyến khích các nhà sản xuất ôtô lớn thay vì nhập khẩu sẽ chuyển sang lắp ráp tại Việt Nam thông qua các chính sách hỗ trợ bình đẳng, hấp dẫn. Khuyến khích và tạo điều kiện để DN Việt Nam nghiên cứu, phát triển các mẫu ôtô Việt Nam với tỷ lệ nội địa hoá cao. Khuyến khích và tạo điều kiện các DN lắp ráp ôtô Việt Nam đầu tư dây chuyền, đổi mới công nghệ để có thể lắp ráp được nhiều mẫu xe, trong đó có cả các mẫu xe của các thương hiệu hàng đầu thế giới.
Đặc biệt, Chính phủ luôn khẳng định vai trò quan trọng và tạo điều kiện thuận lợi để ưu tiên phát triển ngành công nghiệp ôtô thông qua các chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn như: chính sách ưu đãi về đầu tư, thuế, tín dụng, đất đai...
Mục tiêu đến năm 2025, DN Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, có tính cạnh tranh cao, đáp ứng 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa (năm 2030 là 70%). Về số lượng, đến năm 2025, có khoảng 1.000 DN và năm 2030 là 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho lắp ráp ô tô trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó DN trong nước chiếm khoảng 30%. |