Covid-19 “nắn” chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng
Ngân hàng thận trọng
Với việc dịch Covid-19 quay trở lại Việt Nam sau 99 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng, hoạt động của nền kinh tế nói chung và hoạt động tài chính - ngân hàng nói riêng tiếp tục đứng trước khó khăn. Chỉ riêng đối với hệ thống tài chính - ngân hàng thời gian qua, có thể thấy rõ ngay trong việc tăng trưởng cho vay. Ở một vài nhà băng có ghi nhận mức tăng trưởng nhanh, nhưng xét mặt bằng chung theo giới chuyên gia đánh giá là chậm. Tính đến cuối tháng 7/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,45% so với cuối năm 2019, con số này chưa bằng một nửa so với mức tăng 7,48% cùng kỳ năm 2019. Tín dụng tăng khá nhanh trong tháng 6 nhưng tốc độ đã chậm lại trong tháng 7: Tháng 6, tín dụng tăng tới 1,28% so với tháng 5, nhưng mức tăng thêm trong tháng 7 chỉ khoảng 0,2%.
Các ngân hàng đang tiết giảm tối đa chi phí để có nguồn hỗ trợ DN |
Do tín dụng lâu nay vẫn là nguồn thu chủ yếu của các nhà băng nên việc tín dụng tăng trưởng thấp đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực diện tới quá trình hiện thực hoá chỉ tiêu kinh doanh năm 2020 và có thể cả năm sau của các ngân hàng. Đó là chưa kể các ngân hàng đang nỗ lực giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn với người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh đó, không ít ngân hàng đã phải cân đối lại các chỉ tiêu, kế hoạch kinh doanh. Chẳng hạn như trường hợp của SHB, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê cho hay trước dịch Covid-19, ngân hàng xây dựng chỉ tiêu lãi trước thuế 4.350 tỷ đồng (tăng 41% so với năm 2019). Nhưng do tác động của dịch bệnh nên ban lãnh đạo ngân hàng đã điều chỉnh kế hoạch theo hướng thận trọng hơn. Để có nguồn hỗ trợ người dân, DN, nhà băng này cũng giảm chi phí hoạt động tối thiểu 10%, theo đó lãnh đạo Hội đồng quản trị, Ban điều hành và cán bộ quản lý cấp cao tự nguyện giảm lương 50% cho đến khi công bố hết dịch, các cấp quản lý từ phó phòng trở lên giảm từ 10-30% tùy theo mức thu nhập.
Đó cũng là tình trạng chung của không ít ngân hàng. Ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank cũng cho biết, ngân hàng này sẽ không tuyển mới nhân sự và không tăng lương cho người lao động năm 2020. Năm 2019 lợi nhuận của TPBank tăng trưởng gần 21% so với năm trước đó, nhưng năm nay do tình hình dịch bệnh, kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận của nhà băng này chỉ ở mức khiêm tốn khoảng 5%. Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cũng chia sẻ, đầu năm ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đạt 13.500 - 14.000 tỷ đồng (tăng trưởng 29%), nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tại ĐHĐCĐ năm 2020, HĐQT đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận trước thuế giảm 1,1% so với năm 2019. Phía Sacombank ước tính lợi nhuận cả năm của nhà băng này sẽ giảm khoảng 1.000 - 1.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch; kế hoạch lợi nhuận năm nay của Sacombank cũng đã được điều chỉnh giảm 20% so với năm 2019…
Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, ngân hàng cũng là DN và hệ thống ngân hàng đang gặp rất nhiều khó khăn, nên không thể kỳ vọng quá cao về kết quả kinh doanh năm nay. Giới chuyên gia cũng dự báo, lợi nhuận năm nay sẽ giảm khoảng 30.000 - 40.000 tỷ đồng, tương đương giảm khoảng 20 - 25% lợi nhuận toàn hệ thống so với kế hoạch các ngân hàng dự tính cuối năm 2019.
Mặc dù báo cáo 6 tháng đầu năm 2020 ở nhiều ngân hàng cho thấy tỷ lệ nợ xấu, lợi nhuận cũng như các vấn đề khác chưa biến động mạnh. Nhưng theo quan điểm của một chuyên gia, nếu tính cả những món nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN thì trích lập dự phòng rủi ro tại nhiều ngân hàng sẽ tăng cao hơn nhiều, kéo theo đó lợi nhuận cũng không chắc đã khả quan như báo cáo.
Khả năng nợ xấu của toàn hệ thống sẽ tăng
Kết quả của cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý III/2020 của Vụ Dự báo Thống kê (NHNN) vừa công bố cho thấy, tình hình kinh doanh toàn hệ thống có sụt giảm, mức độ rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng, điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng và cầu của nền kinh tế đối với các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng suy giảm rõ rệt. Bên cạnh đó, áp lực trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cao dự kiến ảnh hưởng lớn tới thu nhập và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong năm 2020. Trong khi các TCTD tiếp tục thực hiện giảm mạnh giá bình quân sản phẩm, dịch vụ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, các TCTD nhận định lãi suất huy động vốn và cho vay sẽ giảm trong quý III và cả năm 2020. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 3,5% trong quý III/2020 và tăng 10,5% trong năm 2020, có sự giảm mạnh so với kỳ vọng tương ứng 13,1-14,1% của 2 kỳ điều tra trước…
Những tháng cuối năm của 2020 sẽ là một trong những bối cảnh rất khác biệt so với các năm, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, sau khó khăn của DN sẽ tới khó khăn của TCTD. Khi hoạt động sản xuất của DN, người dân bị ngưng trệ do ảnh hưởng của Covid-19 cũng đồng nghĩa với việc các nguồn thu của TCTD sẽ chịu tác động; chất lượng tài sản của TCTD cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ngành Ngân hàng đã đang trên con đường đạt tới mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu, kể cả nợ tiềm ẩn cuối năm 2020 dưới 3%. Nhưng do dịch, nên khả năng nợ xấu của hệ thống sẽ tăng lên, đây là thách thức lớn cho hệ thống ngân hàng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính-ngân hàng cũng nhìn nhận, đại dịch Covid-19 khiến các TCTD phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Khả năng nhiều DN không trả được nợ, tiềm ẩn nợ xấu gia tăng, ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của hệ thống TCTD. Chưa kể nhiều khách hàng đã phát sinh nợ quá hạn do kinh doanh thua lỗ xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan trước khi dịch bệnh xảy ra, không đủ điều kiện để cơ cấu lại nợ theo Thông tư 01 nhưng vẫn liên tục kiến nghị đến cơ quan chủ quản, tạo áp lực cho hoạt động của các TCTD.
Nhiều chuyên gia cũng có chung quan điểm khi cho rằng, hệ thống ngân hàng phải thực hiện mục tiêu kép, đó là hỗ trợ cho khách hàng, song vẫn phải theo dõi chặt chẽ, kiểm soát nợ xấu, tránh để ảnh hưởng rộng ra nền kinh tế, gây hệ luỵ về sau. “Chúng ta phải tin tưởng là sau khi dịch được kiểm soát một lần nữa và qua đi, tăng trưởng tín dụng dần hồi phục. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, đặc biệt lưu ý nợ xấu sẽ chỉ kiểm soát và giải quyết được nếu các ngân hàng giữ sự thận trọng trong cho vay, trích lập dự phòng và xếp hạng nợ phù hợp, tuyệt đối không hạ chuẩn cho vay theo đúng chỉ đạo của NHNN”, một chuyên gia chia sẻ.