Covid-19 tác động mạnh đến các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc
Trung Quốc cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn giữa lúc dịch do virus corona bùng phát | |
COVID-19 làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2020 đến mức nào? |
Dịch Covid-19 đang tác động mạnh đến hoạt động của các DN nhỏ Trung Quốc |
Nhiều DN than: Khó đảm bảo lương cho nhân viên
Trong nỗ lực đối phó với lây lan của dịch Covid-19, chính quyền Trung Quốc và nhiều DN lớn đã khuyến khích mọi người ở nhà, nhân viên làm việc từ xa. Các trung tâm mua sắm và nhà hàng trống rỗng; nhiều công viên, địa điểm vui chơi giải trí đã đóng cửa; các hoạt động đi lại không cấp thiết… đều không được khuyến khích hoặc bị cấm. Điều này tốt cho ngăn chặn dịch nhưng tất nhiên cũng gây tác động tiêu cực cho hoạt động kinh doanh của các DN.
Với việc các lớp học bị hủy bỏ, nhân viên của Pei Binfeng - một trường chuyên đào tạo về mã hóa và robot ở Hangzhou (Hàng Châu) - sẽ bị giảm từ 30% đến 50% tiền lương. Công viên thế giới giải trí Lionsgate ở Zhuhai hiện phải đóng cửa, và các nhân làm việc tại đây đã được yêu cầu trước mắt sử dụng hết thời gian nghỉ có lương của họ, đồng thời sẵn sàng cho giai đoạn nghỉ không lương nếu tình trạng đóng cửa tiếp tục kéo dài.
“Một tuần nghỉ phép không được trả lương là rất đau khổ. Vậy là tôi không có đủ thu nhập để trang trải chi tiêu trong tháng này”, Jason Lam, 32 tuổi, một đầu bếp trong một nhà hàng cao cấp ở khu phố Tsim Sha Tsui của Hồng Kông - người đang trải qua thực trạng này cho biết.
Tại Trung Quốc, nhiều DN nói họ không có tiền trả, hoặc sẽ không trả lương đầy đủ cho những nhân viên bị cách ly, những người không đi làm. Hiện còn quá sớm để biết chính xác có bao nhiêu lao động đã bị mất hoặc giảm tiền lương do sự bùng phát của dịch bệnh, nhưng theo một cuộc khảo sát với hơn 9.500 người lao động của trang web tuyển dụng Zhaopin của Trung Quốc, có tới hơn 1/3 cho biết đây là “một khả năng” có thể xảy ra.
Khó khăn trong trả lương cho người lao động là một bằng chứng rõ ràng hơn về tác động kinh tế của Covid-19 đến khu vực tư nhân của Trung Quốc - khu vực luôn có tăng trưởng nhanh nhất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này - và đặc biệt tác động tới các DN nhỏ. Nó cũng cho thấy, dịch bệnh đang gây ra sự căng thẳng vượt ra ngoài những rủi ro về sức khỏe để có thể gây hệ lụy tới vấn đề tài chính, thu nhập của người lao động khi việc làm bị cắt giảm hay tình trạng mất ổn định về tiền lương. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi thị trường tuyển dụng gần như bị dừng lại. Zhaopin ước tính, số lượng hồ sơ xin việc được nộp trong tuần đầu tiên sau khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 1 đã giảm tới 83% so với một năm trước đó.
Hệ thống NH vào cuộc mạnh mẽ
Edgar Choi, tác giả của cuốn sách “Luật thương mại trong một phút” và là chủ của một tài khoản tư vấn pháp lý trên WeChat cho biết, theo luật, các công ty sẽ phải tuân thủ chu kỳ trả lương đầy đủ vào tháng 2 trước khi có thể cắt giảm mức lương xuống mức tối thiểu. Đối với các công ty không thể kiếm đủ tiền để trả lương, thì luật cho phép có thể trì hoãn trả lương, miễn là đảm bảo nhân viên của họ sẽ nhận được số tiền lương mà DN đã nợ.
Edgar Choi cho biết, ông đã nghe được từ hàng ngàn nhân viên người nước ngoài nói rằng các khoản thanh toán của họ đã bị cắt giảm trong nửa tháng này hoặc thậm chí bị tạm dừng hoàn toàn. Điều đó theo ông là bất hợp pháp.
NIO Inc., một nhà sản xuất ô tô điện có trụ sở tại Thượng Hải, gần đây đã trì hoãn tiền lương một tuần. Chủ tịch William Li của công ty này cũng khuyến khích nhân viên chấp nhận nhận “cổ phiếu hạn chế” (cổ phiếu bị hạn chế quyền mua bán chuyển nhượng) thay cho các khoản tiền thưởng tương ứng. Tại nhà máy Foxconn Technology Group ở Thâm Quyến, các công nhân trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua sẽ được cách ly trong ký túc xá trước khi có thể trở lại làm việc. Trong giai đoạn này, họ vẫn được trả lương nhưng chỉ bằng 1/3 số lương làm việc bình thường.
Theo Chang Shu, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Bloomberg Intelligence, việc không có tiền lương đầy đủ, được trả đều đặn trong khi cũng có ít địa điểm để chi tiêu hơn khiến người tiêu dùng sẽ phải cắt giảm chi tiêu và ở một số loại có thể về mức bằng không. “Khi đó, có thể nhu cầu ở những mặt hàng đó sẽ không được bù đắp lại.
Ví dụ, nếu bạn bỏ qua một ly cà phê latte - thói quen mà bạn vẫn uống mỗi ngày - trong hai tháng liên tiếp, thì bạn sẽ không thể bù đắp cho những ngày bỏ lỡ đồ uống đó vào cuối năm”, Chang Shu nói và nhận định: “Dịch SARS trước đây là một cú đấm mạnh vào tiêu dùng của Trung Quốc. Dịch Covid-19 có thể còn tác động mạnh hơn thế”.
Trong số những nỗ lực rộng lớn hơn để giúp các DN duy trì hoạt động, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã kêu gọi các NH triển khai các gói cho vay với lãi suất thấp hơn, đặc biệt cho các DN nhỏ. Động thái mới nhất trong nỗ lực hỗ trợ đối phó với dịch Covid-19 là việc NHTW Trung Quốc (PBoC) ngày thứ Năm (20/2) đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản cho vay 1 năm (LPR) xuống mức 4,05% từ mức 4,15% hiện hay; đồng thời hạ lãi suất cho vay kỳ hạn 5 năm xuống còn 4,75% từ mức 4,8% hiện tại.
Trước đó, PBoC đã có hàng loạt các động thái hỗ trợ như: giảm lãi suất công cụ cho vay trung hạn (MLF) từ 3,25% xuống còn 3,15% (ngày 17/2); cắt giảm lãi suất cho các khoản cho vay ngắn hạn và các khoản vay một năm cho các NH vào đầu tháng này... LPR được coi là chi phí cho vay chuẩn tại Trung Quốc. Lãi suất này được quyết định bởi một nhóm 18 NH và được đưa ra vào ngày 20 hàng tháng.
Trong một động thái khác có liên quan, các NH Trung Quốc đang gấp rút phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất thấp trên thị trường liên NH để hỗ trợ các DN đang phải đối chọi với sự bùng phát của dịch. Theo Trung tâm tài trợ liên ngân hàng quốc gia, tính đến ngày 20/2, có tổng cộng 26 NH đang phát hành chứng chỉ tiền gửi có thể thương lượng (NCD) nhằm huy động khoảng 17 tỷ NDT (khoảng 2,43 tỷ USD) lãi suất thấp để cho vay đối với các công ty tham gia phòng chống và kiểm soát dịch bệnh.