Cung cầu lao động “lệch pha”
Luật Bảo hiểm xã hội mới thay đổi nhiều quyền lợi của người lao động Yêu cầu doanh nghiệp tăng cường quản lý lao động, tiền lương, thưởng |
Doanh nghiệp đang “khát” nhân lực
Thông tin mới nhất từ các thị trường lao động lớn trên khắp cả nước cho thấy thị trường lao động đang rất sôi động, nhu cầu cần thêm nhân sự mới của các doanh nghiệp nửa cuối năm 2024 đang rất lớn.
Tại Hà Nội, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ước tính nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp với khoảng 46.061 vị trí dựa trên cơ sở khảo sát, thu thập thông tin 6.031 việc làm trống của 1.743 doanh nghiệp. Nhu cầu tuyển dụng tập trung vào các nhóm ngành như hoạt động dịch vụ khác chiếm khoảng 46,86%, tiếp đến ngành công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 9,86%, ngành giáo dục đào tạo chiếm 9,75%.
Nhiều phiên giao dịch việc làm được tổ chức ở Hà Nội trong 6 tháng đầu năm, trong đó không ít các doanh nghiệp lớn đăng tin tuyển người. Hệ thống siêu thị Aeon Việt Nam cho biết, đơn vị có nhiều cơ sở kinh doanh, mỗi nơi đều có nhu cầu tuyển dụng. Đơn cử, tổng nhu cầu tuyển dụng siêu thị Aeon Xuân Thuỷ sắp khai trương là hơn 400 nhân sự, tùy từng vị trí sẽ có mức lương cơ bản khác nhau.
Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel cũng đang nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho 5 vị trí khác nhau, như: Giám đốc kinh doanh, kỹ thuật viên, nhân viên kinh doanh… với mức lương từ 12 - 17 triệu đồng/tháng, tổng thu nhập khoảng 22 - 25 triệu đồng/tháng. Do yêu cầu mở rộng hoạt động, từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ này sẽ tìm thêm lượng lớn lao động có trình độ cao thông qua nhiều kênh từ online đến trực tiếp.
Doanh nghiệp đang có nhu cầu về lao động cao |
TP. Hồ Chí Minh cũng ghi nhận nhu cầu tuyển dụng lớn từ doanh nghiệp. Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động của thành phố cho biết, để đáp ứng yêu cầu sản xuất, phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm, các đơn vị trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cần thêm 153.500 – 161.500 lao động, chủ yếu tuyển dụng vào các nhóm ngành công nghiệp trọng điểm và nhóm ngành dịch vụ…
Tương tự, nhiều địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương đang cần tuyển dụng cả chục ngàn lao động, đặc biệt là với nhóm các doanh nghiệp sản xuất đang muốn có thêm nhân lực để đáp ứng các đơn hàng cho 6 tháng cuối năm.
Vẫn khó tìm được người thích hợp
Cho dù có nhu cầu tuyển dụng lớn, tuy nhiên để tìm được nhân lực phù hợp là không hề dễ dàng đối với các doanh nghiệp. Tại các phiên giao dịch việc làm được diễn ra ở Hà Nội, không ít đơn vị phản ánh người đi tìm việc không ít mà doanh nghiệp không tìm được nhân sự phù hợp cũng nhiều.
Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP. Hồ Chí Minh cũng chỉ ra nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Trong 654 doanh nghiệp được hỏi có 154 doanh nghiệp, với tỷ lệ gần 24% phản hồi là khó kiếm được người.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đó chính là xu hướng tuyển dụng đã đổi khác của doanh nghiệp. Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, các doanh nghiệp cần nhiều hơn lao động có chuyên môn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp mà đang rất khó để kiếm tìm được những nhân sự như vậy.
Về phía người lao động, hiện tại lực lượng lao động trẻ đang kỳ vọng rất cao về mức thu nhập, môi trường làm việc, cũng sẽ tự động chuyển việc nếu không được đáp ứng. Thậm chí, thay vì làm cho doanh nghiệp, người lao động sẵn sàng tự kinh doanh online; làm các công việc tự do không bị ràng buộc ở trong trong văn phòng, nhà máy... nếu nhận thấy thu nhập cao hơn có thể giúp bản thân trang trải cuộc sống. Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đến hết quý II/2024 đạt 28,1%. Điều này cho thấy chất lượng nguồn lao động đang dần được nâng cao. Do đó, doanh nghiệp cần phải có mức lương và đãi ngộ tương xứng mới có thể “hút” được nhân sự tốt về làm việc.
Xuất hiện sự "lệch pha" trong cung cầu lao động |
Cũng theo Tổng cục Thống kê, để sớm cải thiện thị trường lao động thì các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội.
Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng công nghiệp hóa, vấn đề nhân lực có trình độ cao và có kỹ năng đặc biệt đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Do đó, người lao động cần duy trì và phát triển kỹ năng thông qua việc học tập cũng như cải thiện năng suất lao động. Đồng thời, cần tự trang bị các kỹ năng mềm, đảm bảo một hồ sơ sạch, có nhiều đặc điểm phù hợp tiêu chí của doanh nghiệp thì mới có cơ hội tìm được một công việc với mức lương mong muốn.