Cuộc đua ngôi đầu V-League bước vào giai đoạn khốc liệt
3 trận đầu diễn ra vào ngày thứ Bảy (9/11)
Hoàng Anh Gia Lai (9 điểm) – đội phải nhận trận thua đầu tiên trước Becamex Bình Dương ở vòng trước – sẽ đụng độ 1 ứng cử viên đang tạm dẫn đầu bảng là Công An Hà Nội (11 điểm) tại sân Pleiku. Thất bại nặng nề tới 1-4 trước Becamex Bình Dương có thể xem như một “gáo nước lạnh” đối với người hâm mộ phố núi, bởi cũng từ đó bộc lộ ra khả năng cạnh tranh ngôi cao của Hoành Anh Gia Lai ở mùa này vẫn chưa nhiều khi thiếu chiều sâu lực lượng và những ngôi sao có khả năng quyết định trận đấu. Trong khi ấy, như giới chuyên môn từng đánh giá, với dàn cầu thủ rất chất lượng, chỉ cần Công An Hà Nội có được sự kết dính và đồng điệu thì họ sẽ sớm trở lại vị thế của 1 ứng cử viên sáng giá bậc nhất. Hai chiến thắng liên tiếp cùng với tỷ số 3-0 trước Thép Xanh Nam Định và SHB Đà Nẵng vừa qua là minh chứng. Bởi vậy, dù phải thi đấu trên sân đối phương thì Công An Hà Nội vẫn xứng đáng được đánh giá cao hơn.
Tại sân Hoà Xuân, 1 đội chủ nhà khác là tân binh SHB Đà Nẵng (3 điểm) cũng bị xếp vào “cửa dưới” khi gặp Becamex Bình Dương (10 điểm). Mặc dù đội bóng sông Hàn đã bày tỏ khát vọng rất lớn trước khi vào giải, nhưng thực tế cho thấy họ có thể rơi vào tình cảnh “lực bất tòng tâm”. Những sự bổ sung nhân sự có thể giúp thầy trò HLV Trương Việt Hoàng mạnh lên so với chính mình khi còn “làm mưa làm gió” tại giải hạng Nhất mùa trước, nhưng vẫn chưa đủ để có thể cạnh tranh một thứ hạng trong nửa trên bảng xếp hạng (chưa nói tới tốp 5). Vậy nên, không có gì lạ khi đội bóng của HLV Polking được dự đoán sẽ “lấn chủ” với sức mạnh đồng đều, đặc biệt là hàng công có vẻ đã được “thông nòng” trở lại sau trận thắng 4-1 trước Hoành Anh Gia Lai vừa qua. Trước 1 đối thủ mạnh hơn, mục tiêu của SHB Đà Nẵng vẫn sẽ là cố gắng để giành 1 điểm thay vì mạo hiểm với hy vọng tìm kiếm trận thắng đầu tiên…
Hà Nội FC (9 điểm) trở về sân nhà để tiếp đón Hải Phòng (3 điểm) sau khi vừa chia điểm với Đông Á Thanh Hóa trên sân khách. Rõ ràng, không thể lấy thứ hạng tạm thời (vị trí thứ 8) để đánh giá thấp đội bóng Thủ đô. Việc họ chưa góp mặt trong tốp 3 hay tốp 5 là bởi đã liên tiếp hoà 3 trận với các đối thủ khó chơi như Công An Hà Nội, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hay Đông Á Thanh Hóa, còn với thực lực hiện tại, Hà Nội FC còn nguyên vẹn khả năng bắt kịp và vượt qua các đối thủ xếp trên nếu họ đạt phong độ cao nhất (hiện Hà Nội FC chỉ kém đội đầu bảng vỏn vẹn 2 điểm). Hải Phòng thì khác, mùa này bị xếp vào nhóm có thể sẽ phải đua trụ hạng, nên không có gì lạ khi đội bóng đất Cảng vẫn chưa có chiến thắng nào kể từ đầu giải (3 hoà, 3 thua). Nhưng dù có vậy thì HLV Chu Đình Nghiêm – người từng có nhiều mùa giải gắn bó với Hà Nội FC vẫn sẽ chọn lối chơi phòng ngự phản công chặt chẽ với hy vọng có thể chia điểm với Hà Nội FC, đội được đánh giá có nhiều cơ hội chiến thắng hơn.
3 trận tiếp theo được tổ chức vào Chủ nhật (10/11)
Tại sân Vinh, Sông Lam Nghệ An (4 điểm) – 1 trong 2 đội đang có số trận hoà nhiều nhất (4/6 trận, cùng với Hồng Lĩnh Hà Tĩnh) – đối đầu với Đông Á Thanh Hoá (11 điểm) – đội bóng xuất sắc nhất tháng 10. Trận “derby Thanh – Nghệ” đầy hấp dẫn một thời giờ đây đã trở thành cán cân chênh lệch. Trong khi Đông Á Thanh Hóa liên tiếp có những sự bổ sung nhân sự chất lượng nhờ nguồn tài trợ dồi dào thì Sông Lam Nghệ An gần như không có thêm “ngoại lực” nổi bật nào. Bởi vậy, thầy trò HLV Phạm Anh Tuấn chỉ có thể chọn đấu pháp cố gắng cao nhất để “phi thắng tất hoà” ngay cả trên sân nhà trước mọi đối thủ với hy vọng thêm 1 mùa giải trụ hạng thành công (cả 2 trận thua từ đầu giải tới nay đều trên sân đối phương). Bởi lý do ấy, khi gặp một Đông Á Thanh Hóa đang có phong độ rất cao, Sông Lam Nghệ An sẽ một lần nữa chọn cách đá phòng ngự chặt chẽ với mục tiêu “cưa điểm” và chờ cơ hội…
Quy Nhơn Bình Định (5 điểm) – Quảng Nam (6 điểm) tại sân Quy Nhơn là cặp đấu giữa 2 đội bóng cùng được đánh giá không cao. Nếu như Quy Nhơn Bình Định phải đối mặt với cuộc “chảy máu lực lượng”, đến mức bị xếp cả vào nhóm “chạy đua trụ hạng” thì đối thủ của họ cũng chẳng hơn gì với nguồn lực thuộc nhóm “làng nhàng” mà thôi. Vậy nên, chủ trương của các HLV Bùi Đoàn Quang Huy (Quy Nhơn Bình Định) và Văn Sỹ Sơn (Quảng Nam) khá giống nhau: “Liệu cơm gắp mắm”. Nhưng cũng vì bối cảnh ấy mà rất có thể cả 2 sẽ cùng chọn trận này làm cơ hội giành trọn 3 điểm. Một trận đấu “kẻ tám lạng, người nửa cân”.
Tại sân Mỹ Đình, Thể Công Viettel (11 điểm) – đội đang tạm xếp thứ 3 (nhưng có cùng điểm số với 2 đội xếp trên là Công An Hà Nội và Đông Á Thanh Hóa) – đối đầu với Hồng Lĩnh Hà Tĩnh (10 điểm), đội bóng duy nhất vẫn bất bại sau 6 vòng đấu. Tuy không thể giành trọn 3 điểm trên sân của Quảng Nam ở vòng 6, nhưng TCVT vẫn được đánh giá rất cao ở khả năng cạnh tranh ở nhóm đầu, dù trước giải không được đánh giá cao bằng các ứng cử viên khác như Thép Xanh Nam Định, Công An Hà Nội hay Becamex Bình Dương. Với thực lực nhỉnh hơn, lại có lợi thế sân nhà, thầy trò HLV Nguyễn Đức Thắng chắn chắn sẽ đặt mục tiêu giành trọn 3 điểm ở trận này, mà nếu họ thành công thì mục tiêu kéo dài chuỗi trận bất bại của HLV Nguyễn Thành Công của đội khách cũng sẽ bất thành (cả 4 trận gần nhất của họ đều hoà). Ngược lại, HLV Thành Công đương nhiên sẽ… thành công một khi HLV Đức Thắng không thể… thắng!
Trận đấu muộn nhất của vòng 7 diễn ra tại SVĐ Thống Nhất vào ngày T2 (11/11), nơi TP. Hồ Chí Minh (6 điểm) gặp đương kim vô địch Thép Xanh Nam Định (10 điểm). Nếu chỉ xét về lực lượng thì đương nhiên đội chủ nhà không thể bì được với một Thép Xanh Nam Định sở hữu ngoại binh nhiều hơn (để thi đấu cả tại Cúp châu Á) cũng như dàn nội binh “hàng tuyển”. Vấn đề ở chỗ, Thép Xanh Nam Định đang phải “chia lửa” cho cả mặt trận quốc tế, và phong độ ở những vòng đấu đã qua cũng chưa thực sự ổn định. Đây chính là cơ sở để đội chủ nhà đặt mục tiêu có điểm, còn đội khách (vừa có chiến thắng trước Tampine Rovers ở cúp AFC Champions League 2) chắc chắn sẽ hướng tới 3 điểm.
Tất cả 7 trận đấu ở vòng này đều được áp dụng công nghệ VAR.