Đà Nẵng tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản
Theo đó, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thống nhất với nguyên tắc theo đề xuất của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố về việc cho phép các mỏ khai thác khoáng sản còn trữ lượng được nâng công suất khai thác theo đúng quy định hiện hành để đảm bảo nhu cầu hiện nay của thành phố. Trong đó, lưu ý việc nâng công suất này không làm thay đổi trữ lượng theo giấy phép đã cấp và thực hiện tạm thời trong giai đoạn 2023-2025.
Trường hợp đơn vị nào vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định, đồng thời báo cáo UBND TP. Đà Nẵng xem xét rút giấy phép, không cho tham gia các công trình trên địa bàn. |
Đồng thời, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị nghiên cứu các quy định liên quan, xây dựng các tiêu chí, điều kiện nâng công suất theo chủ trương nêu trên làm cơ sở để xem xét, xử lý kiến nghị của các đơn vị đảm bảo công tâm, khách quan và tạo sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên địa bàn; báo cáo, đề xuất UBND thành phố xem xét, xử lý.
Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND quận Liên Chiểu, UBND huyện Hòa Vang và các cơ quan đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường đối với các mỏ đã được UBND thành phố phê duyệt Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản. Trường hợp cần thiết, yêu cầu các đơn vị lập lại án cải tạo, phục hồi môi trường (hoặc bổ sung) để đảm bảo và phù hợp với tình hình hiện nay. Đối với các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện không đạt yêu cầu, Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu các chế tài, biện pháp xử lý nghiêm theo quy định; báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố.
Nghiên cứu các vị trí đổ thải vật liệu thừa phát sinh từ các dự án trên địa bàn tại các mỏ đã kết thúc khai thác khoáng sản để bổ sung vào Đề cương nhiệm vụ “Điều tra đánh giá và lựa chọn các vị trí đổ thải trên bờ và nhận chìm trên biển chất nạo vét trong vùng biển thuộc phạm vi quản lý của UBND TP. Đà Nẵng” làm cơ sở để triển khai thực hiện.
Căn cứ vào các quy hoạch của thành phố, nhu cầu hàng năm của các Ban quản lý dự án của thành phố để dự báo cáo cụ thể, sát với tình hình thực tế nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các đoạt động đầu cơ, tăng giá tạo khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường, ảnh hưởng đến nguồn cung, tiến độ triển khai thi công các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, tham mưu cho UBND thành phố các giải pháp, hướng xử lý phù hợp.
Chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc nghiên cứu kỹ các quy định pháp luật, tăng cường chất lượng trong công tác tham mưu xử lý các hồ sơ liên quan đến việc khai thác khoáng sản và các lĩnh vực liên quan khác như đất đai, đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo phục hồi môi trường, giám sát trữ lượng khoáng sản khai thác thực tế hàng năm so với giấy phép khai thác...
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hàng năm, quản lý, cấp phép, thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố theo chỉ đạo của UBND thành phố tại Công văn số 2779/UBND-STNMT và Công văn số 4584/UBND-STNMT.
Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Ban quản lý dự án của thành phố liên quan, đơn vị tư vấn khẩn trương hoàn thành quy hoạch phân khu, Quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt đô thị, theo đó tính toán cao độ các khu vực khai thác mỏ để đảm bảo sau khi kết thúc khai thác phù hợp với cao độ địa hình hiện trạng tại khu vực xung quanh, tạo thành mặt bằng phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Các Ban quản lý dự án của thành phố có trách nhiệm đưa các nội dung liên quan đến việc cung cấp vật liệu xây dựng cho dự án ngay từ bước lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế và tổ chức lựa chọn nhà thầu; làm việc với các đơn vị thi công có giải pháp và trách nhiệm chủ động liên hệ các cơ sở cung cấp đá, đất san lấp phù hợp, đáp ứng quy định để thi công công trình đảm bảo tiến độ thi công và chất lượng theo hợp đồng đã ký kết.
Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, nếu có phát sinh đất, đá dư thừa thì liên hệ với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan để điều phối cho các các công trình phù hợp và lập thủ tục cấp phép theo quy định của Luật Khoáng sản.
Đồng thời chỉ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan căn cứ tình hình thực tế của từng dự án để nghiên cứu phương án mở rộng, điều chỉnh quy hoạch dự án để có nguồn đất, đá phục vụ trực tiếp cho dự án. Hằng năm, căn cứ vào tình hình thực hiện dự án, xác định nhu cầu vật liệu xây dựng cần thiết của đơn vị, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng để các đơn vị chủ động, hướng dẫn các nguồn cung cấp vật liệu xây dựng đảm bảo cung cấp cho công trình.
Chủ tịch UBND thành phố giao UBND các quận, huyện chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản theo thẩm quyền, có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Đồng thời, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, không phép trên địa bàn quản lý; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả ý kiến đã chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường có văn bản yêu cầu các tổ chức được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn nghiêm túc thực hiện theo đúng các nội dung quy định tại giấy phép khai thác, Đề án cải tạo phục hồi môi trường đã được phê duyệt. Trường hợp đơn vị nào vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định, đồng thời báo cáo UBND thành phố xem xét rút giấy phép, không cho tham gia các công trình trên địa bàn.